Pin lithium và mưu tính của Trung Quốc trong cuộc chiến xe điện

| Thị trường
Xếp hạng 2.6 - 15 đánh giá

Những năm gần đây, Trung Quốc đang trở thành một thị trường lớn của lĩnh vực xe điện sau những chính sách và nỗ lực thúc đẩy phát triển từ chính phủ. Thông tin gần nhất cho thấy, quốc gia đông dân nhất thế giới này đã vượt qua Mỹ và các nước khác về nguồn cung cấp pin lithium, vật liệu quan trọng để sản xuất xe điện.

Pin lithium và mưu tính của Trung Quốc trong cuộc chiến xe điện

Pin và mưu tính của Trung Quốc trong cuộc chiến xe điện

Cuộc chiến xe điện không chỉ còn bó hẹp giữa các công ty sản xuất xe hơi mà đã lan rông ra các nước trên thế giới. Nếu một nước đứng đầu trong lĩnh vực này, có thể đồng nghĩa họ sẽ chiếm ưu thế trong cả ngành vận tải tương lai. Trong đó, Trung Quốc không giấu tham vọng của mình khi đang từng bước đẩy nhanh tốc độ phát triển của xe điện trong nước, mở đầu với ngành sản xuất pin lithium.

CEO của công ty nghiên cứu và dữ liệu Benchmark Mineral Inteligence, ông Simon Moores đã chia sẻ với CNBC trong cuộc phỏng vấn gần đây: “Đây đang là thời đại của lithium, thành phần cốt lõi của 99% các xe chạy bằng điện. Bất kỳ ai kiểm soát chuỗi cung cấp lithium sẽ kiểm soát tương lai của cả ngành ô tô điện. Hiện đang có một cuộc chạy đua pin lithium trên toàn cầu.”

Kế hoạch kiểm soát nguồn cung lithium của Trung Quốc

Mặc cho chính quyền Bắc Kinh từng tuyên bố chỉ theo đuổi lithium vì quan tâm đến vấn đề môi trường, song những chính sách và hành động trong thời gian qua buộc các nhà phân tích phải có những nhận định khác. Họ cho rằng, lý do chính khiến đất nước có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tập trung vào năng lượng lithium là vì muốn kiểm soát dây chuyền cung cấp nguyên liệu sản xuất pin xe điện.

Cụ thể, Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành cấm xuất khẩu nguồn lithium trong nước. Cùng với đó, những nhà lãnh đạo hướng các công ty Trung Quốc thực hiện nhiều thương vụ trên khắp thế giới để đảm bảo nguồn cung cấp lithium, một kim loại màu trắng bạc được khai thác từ những tảng đá ở Australia và hồ nước muối ở Nam Mỹ. Trong nhiều năm qua, các công ty này đã nỗ lực không ngừng để tìm kiếm và khai thác nguồn nguyên liệu này, góp phần tạo sức mạnh lớn cho sản xuất xe điện Trung Quốc ở thời điểm hiện tại.

Theo nhà quản lý của công ty đầu từ East Capital, Francois Perrin, chính phủ nước này đã lặng lẽ chỉ đạo các doanh nghiệp nội địa đi tìm kiếm nguồn lithium ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Ông cho rằng, trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến đầu mối cung cấp lithium và các kim loại khác cho việc sản xuất pin xe điện.

Pin lithium và mưu tính của Trung Quốc trong cuộc chiến xe điện

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng cho biết, ông không có bất kỳ thông tin cụ thể về xu hướng đầu tư của Trung Quốc vào nguồn cung cấp lithium. CNN trích dẫn chia sẻ của ông: “Chúng tôi luôn nỗ lực để tăng cường hợp tác kinh tế với tất cả các nước trong tất cả các lĩnh vực, kể cả năng lượng và ô tô. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu như có sự hợp tác của Trung Quốc với các nước khác trong khai thác khoáng sản nào đó.”

Có thể thấy, Chính phủ Trung Quốc đã nhìn ra nhu cầu xe điện tăng cao sẽ kéo theo áp lực không nhỏ lên nguồn nguyên liệu sản xuất pin như lithium. Do đó, dễ dàng lý giải vì sao các công ty Đại lục đang nhanh chóng tạo ra nhiều giao dịch nhằm đảm bảo nguồn cung cấp lithium, trước khi tương lai xe điện đang đến rất gần. Tháng 9/2017, Great Wall Motor, một trong những “ông lớn” của ngành ô tô Trung Quốc đã thành công thu mua cổ phần của Pilbara Minerals, công ty khai thác lithium ở Úc. Trước đó, vào đầu năm 2017, công ty Lithium Ganfeng của Trung Quốc đã chiếm 20% cổ phẩn trong một dự án khai thác ở Argentina. Vào năm ngoái, công ty Lithium Tianqi của Trung Quốc cũng đã chiếm 2% cổ phẩn tại tập đoàn SQM của Chile, một trong những mỏ kim loại hàng đầu thế giới. Cũng cùng năm 2016, Trung Quốc đã hoàn thành mua phần lớn cổ phần của tập đoàn mỏ cobalt lớn nhất Congo với giá trị 2,5 tỷ USD. Được biết, Cobalt cũng là một trong những kim loại hiếm để sản xuất pin cho xe điện.

Trung Quốc sẽ kiểm soát cả thị trường pin lithium?

Hành động của chính phủ Trung Quốc đối với lithium được giới phân tích nhận định là phù hợp với những chỉ đạo của người đứng đầu nước này Chủ tịch Tập Cận Bình cùng kế hoạch “Made in China in 2025”. Người sáng lập công ty nghiên cứu House Moutain Partners, ông Chris Berry cho rằng: “Trung Quốc muốn trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu về lithium, từ khai thác đến chế biến.”

Công ty nghiên cứu dữ liệu Benchmark Mineral Intelligence lại so sánh các công ty xe điện Trung Quốc với nhà sản xuất ô tô điện khổng lồ Tesla. Họ cho biết, mặc dù thông tin về hoạt động sản xuất xe điện của Tesla luôn được cánh báo chí truyền thông chú ý, nhưng công ty này vẫn bị Trung Quốc bỏ xa. Trung Quốc hiện đang sản xuất khoảng 2/3 lượng pin cho xe điện của thế giới và dự tính nước này sẽ xây dựng khoảng ½ nhà máy trong tổng số 20 nhà máy sản xuất pin ô tô điện của toàn cầu.

Trong khi đó, Giám đốc nghiên cứu của Global X, Jay Jacobs đã chia sẻ nhận định với CNBC rằng: “Với quyền lực chỉ đạo nền kinh tế của chính phủ Trung Quốc, nếu họ muốn trở thành nhà lãnh đạo thế giới về lĩnh vực xe điện, thì họ hoàn toàn có khả năng đạt được điều đó. Trung Quốc không chỉ tập trung vào xe điện, mà còn mua lại các dự án lithium và hỗ trợ sự phát triển của các nhà sản xuất pin.”

Pin lithium và mưu tính của Trung Quốc trong cuộc chiến xe điện

Khả năng Trung Quốc kiểm soát toàn bộ thị trường pin lithium trên thế giới hoàn toàn có thể xảy ra khi mà các công ty phương Tây và Mỹ vẫn chưa dành sự quan tâm quá nhiều đến đầu tư nguyên liệu như Trung Quốc. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu pin lithium ở Mỹ và châu Âu cung cấp cho sản xuất xe điện đang có dấu hiệu thiếu hụt và phải dựa vào nguồn cung từ bên ngoài.

Ông Matthias Wachter, giám đốc phụ trách An ninh và nguyên vật liệu tại BDI cho biết: “Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung vật liệu thô đang rất cao, bởi nhu cầu tăng nhanh hơn so với năng lực sản xuất. Nếu không có đủ nguồn cung các nguyên liệu cần thiết như cô-ban, gra-phit, li-ti hay măng-gan, sẽ không có công nghệ tương lai nào được sản xuất tại Đức.”

Điều này đồng nghĩa với việc, các hãng xe Đức muốn sản xuất ô tô điện phải mua nguyên liệu từ bên ngoài, cụ thể là Trung Quốc. Tesla và các nhà sản xuất ô tô điện khác cũng sẽ đối mặt với tình cảnh khó khăn tương tự. Theo đó, giá của lithium đã tăng 40% kể từ đầu năm 2017, khoảng 14.000 USD/tấn, theo Benchmark Mineral Intelligence. Dự đoán, giá của nó sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai và Trung Quốc với thị trường lithium lớn nhất hiện nay sẽ có hội làm giàu từ việc mua bán này.

H.Đ

SourceTinXe