Trồng cây bên dưới đường sắt đô thị: Tạo không gian xanh, các nước làm từ lâu
Công ty Công viên cây xanh Hà Nội đang triển khai trồng cây Chiêu liêu trên dải phân cách bên dưới tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (phố Yên Lãng, Hoàng Cầu) để tạo cảnh quan đô thị, tạo màu xanh cho Thủ đô. Đây là cây có thân trung bình, tán đẹp
Cây sẽ được khống chế chiều cao phù hợp
Từ đêm 28-9, Công ty TNHH MVT Công viên cây xanh Hà Nội đã triển khai trồng cây Chiêu liêu trên phố Yên Lãng, Hoàng Cầu dưới gầm tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Cây được trồng cách nhau 7m, được chằng chống kỹ càng và đảm bảo cây sinh trưởng tốt. Những cây này có chiều cao từ 7-8m, đường kính thân chừng 15-30cm.
Ông Vũ Kiên Trung, Tổng Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội cho biết: “Việc triển khai trồng cây xanh dưới gầm đường sắt trên cao tại phố Yên Lãng, Hoàng Cầu là chủ trương của UBND TP Hà Nội và đã được Sở Xây dựng Hà Nội phê duyệt. Chúng tôi sẽ chăm sóc những cây này cẩn thận, đồng thời khống chế chiều cao, do đó không có chuyện trồng cây sẽ ảnh hưởng đến công trình đường sắt trên cao”.
200 cây Chiêu liêu (bàng lá nhỏ) đã được trồng dưới tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hứa hẹn sẽ tạo một cảnh quan đẹp trong thời gian tới
Cũng theo ông Vũ Kiên Trung, mục đích của việc trồng hàng trăm cây xanh phía dưới đường sắt trên cao là nhằm tạo ra cảnh quan đô thị xanh – sạch – đẹp trên địa bàn Thủ đô.
Nhìn nhận việc trồng cây xanh, phủ xanh thành phố, tạo cảnh quan là việc làm rất thiết thực, bác Nguyễn Trung Tú ở Yên Lãng (quận Đống Đa) bày tỏ: “Tôi cũng khá bất ngờ vì sau một đêm thức giấc, dưới gầm cầu đường sắt đô thị đã có một hàng cây mới. Hy vọng một thời gian nữa sẽ cho bóng mát và tạo màu xanh cho tuyến phố này. Trồng cây là tốt, trồng thêm dù chỉ một cây cũng đáng quý. Ai lại để khắp tuyến đường tàu điện trên cao là bê tông như thế. Còn đương nhiên, khi trồng, đơn vị của thành phố đã phải tính toán để không ảnh hưởng tới công trình”.
Trước những ý kiến băn khoăn về việc trồng cây dưới đường sắt đô thị liệu có ảnh hưởng tới giao thông đô thị cũng như việc vận hành đường sắt, ông Vũ Kiên Trung cho biết, đặc tính của cây Chiêu liêu là thân nhỏ, phát triển tán rộng, nếu có xảy ra gãy đổ cũng không làm ảnh hưởng đến công trình đường sắt trên cao. Hơn nữa, hiện Công ty đã được trang bị các loại máy cắt, tỉa cây hiện đại, số cây trồng ở dưới gầm đường sắt đô thị cũng như cây trồng ở dải phân cách các tuyến phố sẽ được khống chế chiều cao hợp lý và cắt tỉa cành gọn gàng, đảm bảo không ảnh hưởng đến giao thông cũng như công trình mà ngược lại, giúp tạo bóng mát và cảnh quan đẹp.
Đã có 5.000-6.000 cây xanh được trồng mới
“Trồng cây dưới đường sắt trên cao cũng như trồng cây trên dải phân cách sẽ tạo ra những không gian xanh, điểm nhấn cho cảnh quan thành phố. Một số nước trên thế giới như Nhật Bản cũng trồng cây bên dưới đường sắt trên cao. Chúng tôi đã lựa chọn chủng loại cây phù hợp theo danh mục của Sở Xây dựng, cây sẽ được cắt tỉa thường xuyên nên sẽ không ảnh hưởng đến hành lang an toàn đường sắt”, ông Vũ Kiên Trung thông tin.
Tại Australia, dưới đường sắt đô thị, cây xanh cũng được trồng phổ biến
Theo đó, đến nay, Công ty Cây xanh đã trồng được khoảng 200 cây Chiêu liêu dưới tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông. Ngoài ra, thực hiện trương chình trồng 1 triệu cây xanh của UBND TP Hà Nội, từ đầu năm 2016 đến nay, Công ty Cây xanh đã trồng mới được khoảng 5.000-6.000 cây xanh trên khắp các tuyến phố, dải phân cách, đồng thời cắt tỉa gọn gàng hàng chục nghìn cây xanh, vừa đảm bảo cảnh quan đô thị, vừa đảm bảo giao thông, tạo bóng mát cho các tuyến phố.
Cây xanh được trồng dưới đường sắt đô thị ở Tokyo - Nhật Bản
Ông Nguyễn Lân Hùng, chuyên gia cây xanh nhìn nhận, châu Chiêu liêu là thân gỗ, loại trung bình và có tán rất đẹp, là một trong những cây phù hợp với đô thị. So sánh giữa tầm vóc của cây xà cừ và Chiêu liêu có thể thấy ngay sự khác biệt rất lớn. Trong khi xà cừ thân to, cao, tán um tùm, dễ bị ảnh hưởng, gãy đổ bởi mưa bão thì Chiêu liêu lại chống chịu tốt hơn nhiều.
Theo chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, cây Chiêu liêu, còn gọi là Bàng lá nhỏ. Cây có thân nhỏ, đường kính từ 10 - 20cm, tán xếp tầng, lá nhỏ, đảm bảo chống chịu tốt với nền nhiệt độ cao và gió lớn, rất phù hợp với thời tiết Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Còn theo TS Đặng Minh Tân, Đại học GTVT, không chỉ Việt Nam mà Nhật Bản, Singapore… cũng đã cho trồng cây dưới gầm đường sắt đô thị để tăng thêm mảng xanh cho đô thị. Thực tế, việc trồng và chăm sóc cây tại các khu vực này không quá phức tạp như mọi người nghĩ, lại rất tốt cho không gian đô thị.
“Tôi cho rằng Hà Nội đang rất thiếu cây xanh. Có thể tận dụng được bất cứ không gian nào trồng thêm cây thì phải làm ngay. Cây trồng dưới gầm đường sắt còn có tác dụng bão hòa tiếng ồn và thu hút bụi từ trên cao, giảm thiểu ô nhiễm cho không gian xung quanh”, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng nêu ý kiến. |
Chiêu liêu là cây gỗ trung bình, rụng lá mùa khô, cao 10-20cm, đường kính 40-80cm. Tán cây phân tầng, nhiều cành lá như cây bàng. Vỏ thân màu xám nhạt, nứt sâu 4-8mm tạo thành các hình chữ nhật không đều; thịt vỏ dày 1,5-1,8cm, có nhiều lớp đỏ và nâu xen kẽ; khi mới chặt có ít dịch vỏ màu đỏ nhạt, vị chát. Cành non nhẵn. Cây chiêu liêu có lá đơn nguyên, mọc đối hoặc gần đối, phiến lá hình trứng ngược, dài 10-20cm, rộng 510cm, đầu và gốc lá gần hình nêm; gân cấp hai hình lông chim với 7-9 đôi; gân bên nổi rất rõ ở mặt dưới; mép lá nguyên, phiến hơi dày, cứng, dai; lá non đôi khi có lông mịn, lá già nhẵn. Cây chiêu liêu có cụm hoa hình chùm bông, nhiều hoa, ở các nách lá gần đầu cành, dài 5-10cm. |
Ngân Tuyền (ANTĐ)