Xe máy tốn thêm bao nhiêu xăng nếu bật đèn cả ngày?
Lãnh đạo Ủy ban ATGT quốc gia khẳng định lượng xăng tiêu hao nếu bật đèn xe máy cả ban ngày là không đáng kể, đồng thời có thể thay đổi loại đèn để tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi do Bộ GTVT công bố với điều khoản Bắt Buộc bật đèn xe máy cả ngày đang nhận được sự quan tâm và nhiều ý kiến trái chiều từ người dân.
Trước những thắc mắc của dư luận, TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn Phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng nhà chức trách sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của người dân, cân nhắc điều kiện giao thông của Việt Nam trước khi chính thức ban hành luật.
Chỉ còn 3 nước ASEAN chưa áp dụng
- Theo ông, Bộ GTVT dựa vào hoàn cảnh, điều kiện nào để đưa quy định "bật đèn xe máy cả ngày" vào luật?
- Quy định xe máy bật đèn cả ngày được Bộ GTVT căn cứ theo Công ước Vienna 1968 mà Việt Nam là thành viên từ năm 2014.
Giải pháp này thực ra đang được áp dụng mà chưa chờ đến quy định pháp luật. Hiện nay rất nhiều mẫu xe máy trên thị trường đã được nhà sản xuất trang bị đèn chạy Ban Ngày (đèn trước luôn sáng mỗi khi xe chạy) và được người dân đón nhận một cách hết sức bình thường và tích cực.
Những thay đổi đột phá về công nghệ đèn LED đã làm cho giải pháp đèn Nhận Diện ban ngày của xe máy trở nên rất hiệu quả trong khi tác động môi trường là rất nhỏ. Với Tiêu Hao nhiên liệu rất nhỏ (bằng 10% đèn Halogen), mức độ ảnh hưởng tới nền nhiệt độ đô thị gần như không đáng kể. Chi phí với người đi xe máy cũng vô cùng thấp.
Khó khăn lớn nhất là thông tin tới một bộ phận người dân chưa đầy đủ dẫn tới hiểu nhầm. Ngoài ra, những bất cập trong quy hoạch thiết kế đô thị dẫn tới ùn tắc giao thông thường xuyên, người dân phải tham gia giao thông trong điều kiện nắng nóng, bụi bặm ngột ngạt dẫn tới cảm giác bất lợi với quy định mới.
Cá nhân tôi rất ủng hộ quy định này, và luôn sử dụng đèn chiếu gần kể cả ban ngày khi đi xe máy.
- Căn cứ nào để nói bật đèn xe ban ngày là văn minh, an toàn, giảm tai nạn giao thông?
- Trong khu vực Asean, chỉ còn 3 nước Lào, Campuchia và Việt Nam là chưa thực hiện quy định này. Những quốc gia khác trong khu vực đều đã thể chế hóa thành quy định pháp luật từ rất lâu. Ví dụ các nước có điều kiện thời tiết khí hậu nóng tương tự Việt Nam đều đã áp dụng như Malyasia (từ 1992), Singapore (1995) Thái Lan (2005), Indonesia (2009). Ấn Độ, thị trường xe máy lớn nhất thế giới cũng có quy định bắt buộc từ 2017.
Tại quốc gia có tỷ lệ xe máy chiếm 50% như Malaysia, việc áp dụng quy định bắt buộc xe máy phải bật đèn nhận diện ban ngày (DRL) khi lưu thông đã giúp giảm 29% các vụ tai nạn giao thông xảy ra vào ban ngày liên quan đến xe máy.
Từ năm 2003, Thái Lan đã áp dụng quy định bắt buộc xe máy phải bật đèn nhận diện ban ngày khi lưu thông. Vào năm 2014, tỷ lệ các xe máy có đèn nhận diện ban ngày tại Thái Lan đạt trên 80% và chính sách này đã góp phần làm giảm tới 20% số tai nạn giao thông liên quan tới xe máy tại nước này.
Rất nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan tới xe máy là do các phương tiện khác không nhìn thấy xe máy (kể cả vào ban ngày) ở tất cả các hướng. Đặc biệt là tình huống các xe máy đi vào khu vực điểm mù của ôtô.
Mỗi năm tốn thêm 5.000-10.000 đồng tiền xăng
- Người dân đang nêu ra nhiều bất cập (như tốn ắc quy, gây ô nhiễm, không phù hợp trong trời nắng hè...). Phải chăng việc áp đặt công ước quốc tế vào điều kiện Việt Nam là chưa phù hợp?
- Đúng là không thể nói cứ công ước như vậy thì ta phải theo. Giải pháp này được đề xuất là dựa vào nội dung và tác dụng đã được kiểm chứng cả về lý luận và thực tiễn. Theo báo cáo chuyên sâu của Đại Học Việt Đức, các lo ngại trên của người dân đã được giải quyết với công nghệ đèn LED.
Các thiết kế đèn DRL hoặc AHO công nghệ LED của nhà sản xuất đã được tính toán một cách chặt chẽ để không gây lóa mắt và khó chịu cho người đối diện. Hơn nữa, chi phí phát sinh đối với người sử dụng xe máy có đèn nhận diện ban ngày ở mức gần như không đáng kể. Năng lượng cấp cho đèn được lấy từ máy phát điện của xe máy nên không ảnh hưởng tới tuổi thọ ắc quy.
Tính trên một xe máy, với giả định bật đèn trong 4.000 km/năm (tương ứng với việc đi lại khoảng 10 km/ngày trong khoảng thời gian ban ngày), Đại học Việt Đức ước tính chủ phương tiện chỉ phải bỏ thêm mức chi phí 5.000 đồng (LED) và 10.000 đồng (Halogen) tiền xăng trên 1 năm. Đây là chi phí gần như không đáng kể với người đi xe máy hiện nay.
- Hiện còn nhiều dòng xe máy cũ ở Việt Nam có công tắc đèn, sử dụng bóng halogen sinh nhiều nhiệt và hao phí nhiên liệu. Vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào?
- Với các xe cũ đang lưu hành, nên khuyến khích nhà sản xuất nghiên chuyển đổi bóng đèn công nghệ halogen công suất tầm 40W thành bóng đèn LED 5W, đồng thời nghiên cứu giải pháp thay thế cụm công tắc để chuyển từ lựa chọn bật-tắt sang chế độ đèn chiếu gần luôn sáng với chi phí thấp và hỗ trợ việc thay thế miễn phí với người dân tại các đại lý bán xe.
- Ông đánh giá thế nào về tính khả thi khi áp dụng quy định này tại Việt Nam?
Trong điều kiện Việt Nam nên có lộ trình và cách áp dụng phù hợp, trong đó có đủ thời gian để các nhà sản xuất chuẩn bị, ngoài ra cho phép linh động lựa chọn giữa đèn nhận diện ban ngày DRL và đèn chiếu gần tự động AHO đều thực hiện đầy đủ tính năng nhận diện của xe máy.
Đây mới là dự thảo luật, cơ quan chủ trì hiện nay hết sức cầu thị, tiếp thu đầy đủ ý kiến của người dân, cân nhắc điều kiện giao thông của Việt Nam, để sao cho quy định pháp luật khi ban hành sẽ đi vào cuộc sống một cách tốt nhất.
Đề xuất đội mũ bảo hiểm - một giải pháp mà tới nay chúng ta thấy vô cùng hiển nhiên - cũng từng vấp phải sự phản ứng rất mạnh mẽ khi mới đưa ra bàn thảo. Với những đề xuất mới hiện nay chúng ta cũng cần chuẩn bị tinh thần kiên trì và xây dựng thì sẽ thành công.