7 hãng xe hơi đối mặt với vụ kiện tập thể ở Úc do lỗi túi khí Takata
Khoảng nửa triệu người dân Úc sẽ tham gia vụ kiện tập thể đối với 7 hãng xe hơi. Nguyên nhân chính của vụ kiện tập thể này là do ảnh hưởng của lỗi túi khí Takata dẫn đến hàng loạt vụ triệu hồi xe.
7 hãng xe hơi đối mặt với vụ kiện tập thể ở Úc do Lỗi Túi Khí Takata
Từ tác động của đợt thu hồi xe do Túi Khí Takata bị lỗi, nhiều khách hàng đã tiến hành khiếu kiện Toyota. Trong đó, một trong những hãng luật hàng đầu thế giới, Quinn Emanuel Urquhart and Sullivan (Quinn Emanuel), đã nộp đơn kiện cáo. Theo tờ Nothern Star, hãng Quinn Emanuel cho rằng vụ việc này đã và đang gây ảnh hưởng đến hơn 500.000 người dân Úc.
Honda, BMW, Subaru, Mazda, Audi và Volkswagen cũng gặp tình trạng tương tự. Các đơn kiện sẽ được trình lên tòa án trong thời gian gần. Những khách hàng đã mua sản phẩm của 7 hãng xe trên từ 2001 - 2017, có trang bị túi khí Takata đều có thể tham gia vụ kiện.
Theo đơn kiện nộp tại tòa án tối cao New South Wales, Toyota đã vi phạm điều khoản nghĩa vụ nhà sản xuất với khách hàng trong Luật Tiêu dùng của nước này. Đối tác của Quinn Emanuel, Damaian Scanttini cho biết, rất nhiều người đã tham gia vụ kiện tập thể ngay khi thông tin thu hồi xe bị lỗi túi khí Takata được công bố vào tháng 7.
Damian Scattini tiết lộ, vụ triệu hồi xe do lỗi túi khí Takata là vụ khủng hoảng lớn nhất của các hãng xe trên toàn thế giới và những khách hàng bị ảnh hưởng ở Úc có thể sẽ tạo ra một vụ kiện tập thể lớn nhất trong lịch sử ở nước này.
Ngoài ra, hãng này cũng thông tin rằng từ năm 2009, có đến hơn 2,3 triệu xe hơi ở Úc bị triệu hồi. Theo đó, vụ khủng hoảng túi khí Takata trên các mẫu xe có thời gian từ 2002-2015 đã khiến ít nhất 18 người chết và hơn 180 người bị thương trên toàn cầu. Kết quả của vụ kiện tập thể này sẽ mang đến lợi ích cho người dân Úc trong việc thay thế túi khí an toàn hay nhận được khoản bồi thường.
Khoảng hơn 20 năm trước đây, hãng Takata đã kí kết cùng các hãng xe trên thế giới về việc trang bị túi khí cho xe hơi. Tuy nhiên, đến năm 2013, khủng hoảng túi khí Takata nổ ra khi các hãng sản xuất tiến hành triệu hồi hàng loạt xe hơi vì lỗi túi khí. Trước đó, nhiều báo cáo đã chỉ ra những thiếu sót trong sản xuất túi khí của Takata và có thể gây ra những nguy hiểm nghiêm trọng.
Số đợt triệu hồi xe tăng cao từ năm 2013 đến nay với khởi điểm là 3,6 triệu xe đã bị thu hồi. Đến tháng 06/2014, Takata buộc phải thừa nhận các sai sót trong kỹ thuật sản xuất túi khí như hóa chất không bảo quản đúng cách, chất nổ đẩy được dùng trong túi khí không được sản xuất đảm bảo ở nhà máy Mexico. Cùng thời điểm này, Honda, Mazda, BMW, Chrysler, Ford, và Toyota đã buộc thu hồi hơn 3 triệu xe trên khắp thế giới vì lỗi túi khí Takata.
Vụ khủng hoảng được đẩy lên cao khi nạn nhân đầu tiên tử vong do túi khí Takata. Cụ thể, vào tháng 07/2014, một người Malaysia đang mang thai khi điều khiển Honda City 2003 có trang bị túi khí Takata ở vận tốc 30 km/h đã bị một xe khác đâm phải. Nguyên nhân tử vong được xác định là do mảnh kim loại từ túi khí nổ cứa vào cổ.
Sau vụ việc chấn động này, 10 hãng xe hơi Mỹ đã tiến hành triệu hồi hàng trăm nghìn xe có trang bị túi khí Takata vào tháng 11/2014. Đồng thời, Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) cũng buộc Takata phải thu hồi xe có trang bị túi khí của hãng trên toàn cầu.
Đến tháng 05/2015, có đến 40 triệu xe của 12 thương hiệu có trang bị túi khí Takata đều có khả năng phát nổ và gây nguy hiểm tính mạng cho tài xế và khách hàng ngồi ở ghế phụ. Tháng 11/2015, Takata phải chịu mức phạt 200 triệu USD ở Mỹ.
NHTSA tiếp tục thu hồi thêm 35-40 triệu bơm túi khí vào tháng 05/2016. Vụ việc lên đến đỉnh điểm khi vào tháng 08/2016, một xe tải chuyên chở linh kiện sản xuất túi khí Takata gặp nạn ở Quemado, Texas (Mỹ). Vụ tai nạn đã làm cho thùng xe tải phát nổ và phá hủy một căn nhà, đồng thời khiến một phụ nữ bị thương.
Tháng 1/2017, 3 lãnh đạo của Takata đã bị kết án. Cùng với đó, hãng này cũng buộc phải chi trả 1 tỷ USD gồm tiền phạt 25 triệu USD, phí bồi thường cho nạn nhân 125 triệu USD và hoàn phí cho hãng xe hơi 850 triệu USD.