40 tỷ USD khép kín 10 tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ đầu tư 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng kinh phí ước hơn 40 tỷ USD.
Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8km
Để quản lý phương tiện cá nhân gắn với giảm ô nhiễm môi trường, Hà Nội coi việc đầu tư xây dựng đường sắt đô thị (ĐSĐT) là một trong những giải pháp quan trọng, thúc đẩy người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng vận tải khách công cộng. Để hoàn thiện được 10 tuyến ĐSĐT đã được phê duyệt, Hà Nội kiến nghị được đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư PPP.
Khởi động chậm chạp
UBND TP Hà Nội cho biết, theo đồ án Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến ĐSĐT với tổng chiều dài 417,8km, trong đó có 342,2km cầu cạn và cầu cạn kết hợp đi bằng, 75,6km đi ngầm. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40,056 tỷ USD, trong đó nhu cầu về vốn các giai đoạn, từ năm 2017- 2020 khoảng 7,55 tỷ USD; từ 2021-2025 khoảng 7,613 tỷ USD; từ 2026-2030 khoảng 3,566 tỷ USD; sau 2031 khoảng 21,327 tỷ USD.
Hiện tại, đã có 4 tuyến đang được triển khai, gồm 2 tuyến do Bộ GTVT làm chủ đầu tư (tuyến số 1 nhánh 1 Ngọc Hồi - Yên Viên và tuyến số 2 A đoạn Cát Linh - Hà Đông). Trong đó, tuyến số 1 đang được Bộ GTVT điều chỉnh phân kỳ đầu tư: giai đoạn 1 xây dựng tổ hợp Ngọc Hồi (2017- 2025), giai đoạn 2 xây dựng đoạn tuyến Ngọc Hồi - ga Hà Nội (2017 -2025); đoạn tuyến ga Hà Nội - Gia Lâm - Yên Viên tiếp tục triển khai sau năm 2025. Tuyến Cát Linh - Hà Đông đang thi công, đã hoàn thành 90% khối lượng xây lắp; dự kiến vận hành thử vào cuối năm 2017, khai thác vào cuối quý II-2018.
Hai tuyến do Hà Nội làm chủ đầu tư cũng đang trong quá trình triển khai gồm, tuyến số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật, đang hoàn thiện thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư khoảng 36.587 tỷ đồng; Dự kiến bắt đầu thực hiện xây lắp từ năm 2018, hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2024, chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu là 4 năm.
Tuyến số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội đang thi công, đã hoàn thành khoảng 30% khối lượng xây lắp; Dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2021, chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu là 3 năm; 3 tuyến đang làm thủ tục nghiên cứu báo cáo tiền khả thi và 3 tuyến còn lại chưa triển khai thực hiện.
Thu hút nhà đầu tư để tăng tốc
Để thúc đẩy việc đầu tư, hoàn thiện các tuyến ĐSĐT đang triển khai, UBND TP Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ 2 phương án. Trong đó phương án 1 đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn ODA thực hiện các dự án có kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 2017-2020, giai đoạn 2020-2025 và các năm tiếp theo.
Phương án 2, Hà Nội đề nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn ODA để thực hiện đầu tư 2 tuyến đường sắt đô thị tuyến số 2 (đoạn Trần Hưng Đạo đến Thượng Đình) và tuyến số 3 (đoạn ga Hà Nội đến Yên Sở, Hoàng Mai). Theo UBND TP Hà Nội, hiện Chính phủ Nhật Bản và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và một số nhà tài trợ khác đang quan tâm và mong muốn tài trợ vốn cho 2 dự án này. Trường hợp được Chính phủ bố trí nguồn vốn ODA, Hà Nội cam kết bố trí vốn đối ứng để thực hiện dự án.
Các dự án còn lại, Hà Nội sẽ đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư - PPP, triển khai đầu tư giai đoạn 2017-2020 -2030 và sau năm 2030. Theo đó, các doanh nghiệp được chọn là nhà đầu tư sẽ tự bỏ vốn để chi cho việc lập hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi, khả thi, thuê tư vấn lập hồ sơ dự án, thực hiện giải phóng mặt bằng, đào và xây dựng đường hầm, nhà ga, xây dựng các tuyến đường trên cao, depot và đường ray.
UBND TP Hà Nội đầu tư toàn bộ các hạng mục còn lại như đầu máy, toa xe, thiết bị vận hành, an toàn, an ninh (bao gồm cả hệ thống phần mềm điều khiển), thực hiện việc quản lý vận hành, khai thác theo một chương trình thống nhất trên toàn hệ thống của cả thành phố.
UBND TP Hà Nội cho biết, hiện đã có 5 nhà đầu tư trong nước và 2 nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư các dự án xây dựng ĐSĐT gồm: Công ty CP Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Xuân Thành, Công ty CP Lũng Lô 5 và Công ty Mosmetrostroy (Liên bang Nga), Công ty TNHH Tân Hoàng Minh, Liên danh Tổng công ty Licogi và Công ty TNHH Tập đoàn MIK Group Việt Nam, Tập đoàn Lotte Hàn Quốc.
Hà Nội đề xuất Chính phủ thực hiện theo phương án 2 với các dự án ĐSĐT chưa bố trí được nguồn vốn. Hà Nội sẽ chủ trì phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng lựa chọn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức PPP. Trước mắt, từ năm 2017-2020, Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lựa chọn để đầu tư tuyến số 2, đoạn sân bay Nội Bài đi Nam Thăng Long, đoạn Thượng Đình - Bưởi; Tuyến số 5, đoạn Văn Cao - Hòa Lạc và tuyến số 3, đoạn Nhổn - Trôi - Đan Phượng.
Ngân Tuyền (ANTĐ)