"Cuộc chiến" taxi công nghệ với taxi truyền thống (1): "Tấn công" khốc liệt giành thị phần

| Thị trường
Xếp hạng 4.0 - 11 đánh giá

Gần 3 năm trở lại đây, thị trường taxi Hà Nội và TP.HCM ghi nhận sự bùng nổ của các loại hình taxi ứng dụng công nghệ cho việc đặt xe và tính tiền với 2 cái tên nổi bật là Uber và Grab.

7 ứng dụng với hơn 30.000 xe 

Đến nay, Bộ GTVT đã cấp phép thí điểm hoạt động taxi công nghệ của 7 đơn vị gồm: Công ty TNHH Grabtaxi với ứng dụng Grabcar; Công ty Cổ phần vận tải 57 Hà Nội với ứng dụng Thanhcong Car; Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh với ứng dụng Mailinh Car; Công ty hợp tác đầu tư và phát triển với ứng dụng Home Car; Công ty TNHH Uber Việt Nam với ứng dụng Uber; Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Linh Trang với ứng dụng LB.Car; Công ty Cổ phần phát triển thương mại và du lịch quốc tế Ngôi Sao với ứng dụng Vic.Car. 

Dù mới thâm nhập vào Việt Nam năm 2014, hoặc một số ứng dụng mới được các hãng taxi ở Việt Nam đăng ký thí điểm nhưng số lượng phương tiện đang tham gia hoạt động taxi công nghệ tại Hà Nội và TP.HCM nhanh chóng tăng vọt.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ xe ô tô cá nhân gia tăng mạnh trong thời gian qua. Theo Sở GTVT Hà Nội, số lượng thống kê sơ bộ cho thấy, lượng xe taxi công nghệ đã lên tới con số 7.000. Còn tại TP.HCM, Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Ngọc tin, số lượng xe đến cuối tháng 4 là 22.000 xe, vượt xa dự tính của Sở này. 

Phát triển quá nhanh, taxi công nghệ đã chính thức khơi mào một “cuộc chiến” với taxi truyền thống về giá cước, chất lượng dịch vụ. Trừ những khung giờ cao điểm, ngày mưa gió hoặc nắng nóng, còn lại về cơ bản, giá cước taxi công nghệ luôn hấp dẫn hơn taxi truyền thống. Thêm vào đó, các hãng taxi công nghệ như Uber hay Grab lại thường xuyên tung khuyến mại hấp dẫn người dùng.

Đơn cử, nếu được khuyến mại, giá taxi Uber đi từ trung tâm Hà Nội lên Sân bay Nội Bài chỉ còn 100.000 đồng/lượt, trong khi giá taxi truyền thống là 180.000 đồng/lượt… Khảo sát của phóng viên cho thấy, tỷ lệ người dân cài đặt ứng dụng Grab và Uber trong điện thoại để sử dụng ngày càng tăng cao. 

Nhiều chuyến đi Uber từ trung tâm Hà Nội đến Sân bay Nội Bài chỉ còn 100.000 đồng hoặc có những chuyến đi giá 0 đồng

Taxi truyền thống lao đao

Không chỉ áp đảo về giá, chất lượng phục vụ của loại hình taxi công nghệ cũng được cho là vượt trội so với taxi truyền thống. Phần lớn lái xe taxi công nghệ phục vụ chu đáo, xe sạch sẽ vì là phương tiện của cá nhân, giá cước minh bạch không lo lái xe đi vòng vèo “mua” đường. Thời gian gần đây, việc  tương tác giữa hành khách với Uber và Grab cũng được thúc đẩy tốt hơn. Phản hồi của khách hàng khi có vấn đề với lái xe hay giá cước được hồi đáp khá nhanh chóng và lịch sự khiến người dân ngày càng sử dụng nhiều. 

Hãng taxi truyền thống lớn nhất TP.HCM là Vinasun vừa tuyên bố sẽ kiện taxi Grab và Uber đến cùng. Lời “tuyên chiến” công khai đã đẩy cuộc tranh chấp giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ lên tới đỉnh điểm.

Taxi công nghệ “làm mưa làm gió” tại Hà Nội và TP.HCM khiến một số “anh cả” trong làng taxi cũng phải lao đao. Ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh nhìn nhận, năm 2016 và hiện tại, Grab và Uber đã khiến cho taxi truyền thống gặp phải khó khăn rất lớn. Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, thị trường taxi rơi vào cảnh cạnh tranh khốc liệt. 

Tương tự, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Taxi Vinasun), ông Trương Đình Quý cho biết, từ khi cho phép Uber và Grab hoạt động tại thị trường Việt Nam, với nhiều ưu đãi từ chính sách, từ việc không chịu sự quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước, Uber và Grab đã “tấn công” mạnh mẽ, giành phần lớn thị phần, đẩy các doanh nghiệp taxi truyền thống trong nước gặp rất  nhiều khó khăn, tới mức phải giảm đầu xe, nhiều lái xe bỏ việc và doanh nghiệp đang đi đến phá sản.

Riêng với taxi Vinasun, trong quý I-2017, đã có hơn 4.200 lao động của công  ty phải nghỉ việc, hơn 300 đầu xe phải nằm bãi do lái xe thôi việc. “Doanh thu lao dốc nhanh chóng, người lao động bỏ việc hàng loạt sẽ dẫn tới nguy cơ phá sản trong tương lai rất gần”, ông Trương Đình Quý cho hay.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 5 vừa qua, lãnh đạo taxi Vinasun kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và đánh giá lại hoạt động của Uber và Grab tại Việt Nam; phải có những biện pháp kiên quyết để Uber và Grab không thể đứng ngoài hệ thống luật hiện hành và cạnh tranh không bình đẳng khi cùng cung cấp một dịch vụ.

Đại diện taxi Vinasun cho rằng, việc buông lỏng quản lý và kiểm tra giám sát đã tạo điều kiện cho taxi công nghệ phát triển ồ ạt, sử dụng nhiều phương thức để gây khủng hoảng và lũng đoạn thị trường vận tải hành khách bằng taxi. Lãnh đạo hãng taxi lớn nhất TP.HCM cho biết, sẽ kiện Uber và Grab đến cùng!

(Còn tiếp)

Ngân Tuyền (ANTĐ)

SourceXeHay