"Đặc sản" khó... nhằn của giao thông Hà Nội
Do đặc thù công việc, tôi có dịp được đặt chân tới hầu hết các thành phố lớn của đất nước. Song, có lẽ, chưa ở thành phố nào, khi ra đường, tôi lại thấy có nhiều nét lạ lùng như ở Hà Nội. Và tôi gọi đây là những “đặc sản” mà có lẽ chỉ riêng giao thông Hà Nội mới có.
Không hiếm gặp hình ảnh một người tham gia Giao Thông mắc lỗi như thế này trên đường ở Hà Nội. Ảnh: Tiến Tuấn
Có lẽ, “đặc sản” mà mọi người dễ nhìn ra nhất là tình trạng “vô làn, muôn lối” của các phương tiện tham gia giao thông. Đến mức, tôi nghĩ nhiếp ảnh gia nào đó dù rất “có tâm”, muốn chụp một bức ảnh cho ra hàng, thẳng lối của phương tiện giao thông trên đường Hà Nội cũng thật khó.
Mặc dù, các tuyến đường lớn đều có đầy đủ hệ thống sơn vạch kẻ đường, phân làn, nhưng thật khó để chỉ nhìn phương tiện, ta có thể đoán ra đâu là làn của ô tô, đâu là làn của xe máy. Thôi thì làn xe máy cũng nghênh ngang những chiếc ô tô. Ngược lại, làn dành cho ô tô lại loi choi toàn là xe máy. Có những phương tiện, lúc thì ở làn này, khi thì uốn éo sang làn khác, họ cứ lượn lách chẳng biết thuộc về làn nào. Cá biệt, những giờ cao điểm, khi ùn tắc, Hà Nội còn có thêm một làn nữa, đó là: Vỉa hè. Làn này lẽ ra thuộc về người đi bộ.
Không chỉ lấn, cướp làn, ở đường phố Hà Nội, người ta còn thường xuyên bắt gặp cảnh các phương tiện khi dừng chờ đèn tín hiệu là “loi choi”, mỗi xe lấn lên một tí. Các điểm có cảnh sát còn đỡ, nơi nào vắng bóng cảnh sát, các phương tiện dừng đỗ lấn hết cả phần sang đường của người đi bộ.
Hà Nội có rất nhiều thứ đặc sản, biểu trưng mang giá trị tinh hoa đúng nghĩa. Nhưng Hà Nội cũng còn những “đặc sản” xấu xí mà chỉ cần ra đường là dễ dàng bắt gặp
Một “đặc sản” nữa không thể không nhắc tới khi đi đường Hà Nội, nhất là ở các tuyến phố nhỏ, nội thành, khu phố cổ, đó là tình trạng vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên phương tiện xe máy. Hiện tượng này nhiều đến mức, bất cứ lúc nào ra đường, chỉ cần đưa máy lên, lần nào lâu lắm cũng chỉ phải chờ cỡ một phút, là người ta có thể chụp được cảnh người dân “đầu trần lái xế”.
Mấy năm trước, nhiều người trẻ Hà thành có kiểu suy nghĩ gần như thành quan niệm: “Trai phố cổ cần gì đội mũ bảo hiểm!”. Còn tôi, sau nhiều lần quan sát, để ý, thấy hình như những cậu đầu trọc, xăm trổ đầy người, đi xe tay ga đắt tiền, cổ đeo xích vàng, xích bạc lấp lánh là hầu như… không đội mũ. Khi tôi hỏi, một cậu dân chơi Hà Nội “xịn” bĩu môi: “ Đội mũ thì còn gì là chất? Còn gì “số má” nữa”.
Không chỉ dân chơi, có “số má”, mà rất nhiều bậc phụ huynh khi đưa con đến trường cũng bỏ qua thói quen đội mũ bảo hiểm. Đương nhiên, bản thân họ còn chẳng đội mũ thì còn nghĩ gì đến việc đội mũ cho con, cháu mình. Các trường hợp này khi bị công an dừng phương tiện đều có chung một động tác, đó là gãi đầu, cười xòa và tặc lưỡi: “Thông cảm, nhà gần đây ấy mà. Sợ muộn giờ nên vội quá”. Tất nhiên, đó chỉ là cái lý do để chống chế. Bởi, hôm sau, họ vẫn… y nguyên, với nụ cười xòa và cái tặc lưỡi đầy vẻ coi thường luật lệ. Không hiểu, những phụ huynh ấy sẽ dạy dỗ con kiểu gì, khi chính mình đã không gương mẫu chấp hành những điều cơ bản nhất?
Cậu bạn tôi trong Nam ra chơi, khi ngồi sau tôi cứ thắc mắc: “Lạ nhỉ? Sao ở đây người ta cứ kẹp 3, kẹp 4 chạy nghênh ngang vậy? Lại còn vừa đi vừa nghe điện thoại nữa. Trong kia hiếm có những trường hợp này lắm!”.
Nghe thắc mắc của bạn, tôi hơi xấu hổ, rồi đành tếu táo: “Đặc sản của Hà Nội đấy bạn ạ!”. Sau, ngẫm lại câu nói của anh bạn, thấy cũng đúng. Có vẻ như, ở Hà Nội, các bác chạy “xe ôm”, các cậu “đưa hàng” cho quán karaoke dù phía sau có chở 2, 3, thậm chí là 4 cô tóc xanh, tóc đỏ, mặc áo 2 dây, cười nói ầm ĩ ngồi sau, nhưng vẫn cứ len lỏi vượt hết ngã ba này, tới ngã tư nọ.
Còn chuyện vừa đi xe máy vừa nghe điện thoại, thậm chí giọng còn oang oang, sang sảng, làm ồn ào cả tuyến phố như thể con đường này là của riêng mình có lẽ không hề hiếm. Nhiều người có thể không biết hành vi đó là vi phạm. Nhưng có nhiều người, dù biết vẫn chẳng hề bận tâm. Họ nghĩ, đường là công cộng, chẳng là của ai, họ có điện thoại thì nghe, ai dám cấm!
Hà Nội có rất nhiều thứ đặc sản, biểu trưng mang giá trị tinh hoa đúng nghĩa. Nhưng Hà Nội cũng còn những “đặc sản” xấu xí, khó... nhằn mà chỉ cần ra đường là dễ dàng bắt gặp. Tất nhiên, những “đặc sản” ấy không hoàn toàn do người mang hộ khẩu Hà Nội gây ra. Nhưng dù sao, nếu không có biện pháp xử lý kiên quyết, khách quan, công tâm, những hành vi tham gia giao thông kia sẽ vẽ lên một Hà Nội xấu xí trên những tuyến phố từng làm say mê biết bao nghệ sĩ. Đặc sản quý thì nên giữ. “Đặc sản” kiểu này nên thẳng tay loại bỏ thật sớm, Hà Nội ơi…!
Chiến Văn (ANTĐ)