Cuộc chiến vỉa hè: Vấn đề cốt lõi nằm ở ý thức người dân

| Thị trường
Xếp hạng 4.0 - 9 đánh giá

Không phải bây giờ Hà Nội mới ra quân lập lại trật tự vỉa hè, giành lại lối đi cho người đi bộ mà việc làm này đã được thực hiện từ nhiều năm nay và tiến hành rất quyết liệt. Không chỉ xử phạt vi phạm hành chính, các cấp chính quyền địa phương còn thường xuyên tuyên truyền, phổ biến cho người dân nắm được chủ trương, luật pháp để không vi phạm. Tuy nhiên, sau đó vẫn còn xảy ra tình trạng tái lấn chiếm. Vấn đề cốt lõi nằm ở đây chính là do ý thức của một bộ phận người dân.

Bài 1: Sự thật đáng buồn

Có chứng kiến tận mắt những sự việc xảy ra hàng ngày ngoài mới thấy được những câu chuyện buồn ẩn chứa sau đó. Đôi khi, chỉ vì vài chục centimet vỉa hè cũng khiến cho tình cảm hàng xóm, láng giềng giữa những người sống cùng một khu phố bị sứt mẻ, thậm chí là đổ vỡ. Đáng nói, vỉa hè là của chung nhưng chỉ vì lợi ích cá nhân mà không ai chịu chấp hành nghiêm quy định về quản lý sử dụng vỉa hè, cứ người nọ nhìn người kia rồi dẫn đến so bì, tị nạnh lẫn nhau.

Cãi nhau vì 50cm vỉa hè

Bất chợt đi ngang qua đoạn đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) sáng 7/3, tôi bị thu hút bởi tiếng cãi vã qua lại giữa hai cụ già. Theo lời kể của những người chứng kiến vụ việc, mâu thuẫn xảy ra xuất phát từ cái vỉa hè nơi cả hai cụ đang chiếm dụng làm của riêng để bán quán nước chè.

Bác Nguyễn Thị H. một người dân sống gần đó kể lại: Trên con đường Nguyễn Trãi này, nhà nào có mặt tiền đều tận dụng để kinh doanh buôn bán hoặc cho thuê lại kiếm lời. Hai cụ già cũng vậy, cụ ông là Vũ Văn T. năm nay ngoài 70 tuổi, còn cụ bà là Trần Thị M. tuổi cũng gần 80. Hai cụ đều là người dân sống trên địa bàn nên lâu nay vẫn tận dụng vỉa hè là nơi để kiếm thêm chút tiền sinh hoạt cho gia đình.

Lẽ ra câu chuyện chẳng đáng gì nếu như hai cụ biết nhường nhịn nhau, nhìn nhau mà sống. Ấy vậy mà ở cái tuổi “gần đất xa trời” rồi, họ vẫn cãi cọ nhau, để ý nhau, cạnh khóe nhau suốt ngày. Nguyên nhân bắt đầu từ 50cm vỉa hè mà hai cụ đều đang chiếm dụng để bày bán nước chè hàng ngày. 

Nhà cụ M. ở sâu trong con ngõ nên hàng ngày cứ tầm 8h sáng cụ lại chuẩn bị đồ nghề, bưng bê vài cái ghế nhựa cùng mấy cái thùng xốp ra ngồi đầu ngõ bán quán nước. Cụ T. cách đấy một nhà, nhà lại nằm ngay ngoài mặt đường nên cũng quyết định bày cái tủ kính nho nhỏ để bán nước chè, thuốc lá và vài gói bánh, kẹo. Hàng ngày, hai cụ cũng hay hậm hực với nhau vì bên này đông khách, bên kia vắng nhưng “chiến tranh” thực sự nổ ra khi một hôm cụ T. quyết định cho thuê lại 50cm vỉa hè cho người bán hoa để lấy 500.000 đồng/ ngày.

Cuộc chiến vỉa hè: Vấn đề cốt lõi nằm ở ý thức người dân

Mặc dù vừa bị lực lượng chức năng xử phạt nhưng quán nước của hai cụ già vẫn tiếp tục lấn chiếm vỉa hè.

Chậm rãi, bác H. kể tiếp: “Khi cụ T. cho hàng hoa thuê địa điểm để bán hàng, cụ M. đã nhắc khéo rằng: “Có vài chục centimet vỉa hè, đã tận dụng để bán quán nước chè rồi, bây giờ lại cho hàng hoa thuê lại, họ thì nhiều đồ nghề, làm sao bày gọn gàng trong vài chục centimet, nhỡ an ninh trật tự họ đi kiểm tra lại ảnh hưởng cả đôi bên”. Cụ M. nhắc là vậy nhưng cụ T. vẫn một mực không nghe còn mắng lại, hai cụ lời qua tiếng lại cả ngày khiến người dân chúng tôi sống gần đấy cũng mất vui”, bác H. nói.

Thế rồi, lời nhắc nhắc nhở của cụ M. cũng nhanh chóng trở thành hiện thực. “Mới hôm trước cụ M. nhắc nhở thì buổi sáng hôm sau (7/3), an ninh trật tự của phường đi kiểm tra và thu gom toàn bộ những nhà vi phạm, trong đó có cả hàng hoa và quán nước của hai cụ già. Cụ M. tỏ vẻ hậm hực rồi lại bắt đầu to tiếng với cụ T. Cũng chỉ vì mấy chục centimet vỉa hè mà tỉnh cảm đôi bên bị sứt mẻ, nghĩ mà buồn”, bác H. thở dài nói.

Cố gắng bám trụ nhờ may rủi

Sau khi trò chuyện với bác H. tôi tiến lại gần chỗ cụ M. để hỏi chuyện. Như kiểu vẫn còn bực tức trong lòng nên ngay khi có người lại gần, cụ đã đem hết những bức xúc ra kể. Cụ bảo: “Tôi vốn là một viên chức đã nghỉ hưu, bản thân tôi sinh hoạt đảng và tham gia các đoàn thể tại đây nên tôi rất sợ bị ảnh hưởng. Cũng vì muốn kiếm thêm chút thu thập cho gia đình nên tôi phải lặn lội sớm tối, biết là mình vi phạm nội quy của thành phố về quản lý và sử dụng vỉa hè nhưng vẫn cố vì nghĩ nếu mình khéo léo, không lấn chiếm quá nhiều diện tích thì cũng chẳng sao. Thế nhưng ông lão nhà bên, cậy mình không nằm trong đoàn thể nào nên rất ngang ngạnh, không coi ai ra gì”.

Cụ M. khẳng định chắc chắn: “Nếu không vì ông lão bên cạnh cho hàng hoa thuê lại địa điểm để họ bầy tràn lan ra vỉa hè thì an ninh cũng không thu giữ, tôi cũng không bị liên lụy. Đã nhiều lần góp ý chân thành với ông ấy rồi mà không chịu nghe, cứ nghĩ mình cản trở, gây sự với ông ý. Giờ bị thu hết như vậy mới biết phải trái thì cũng đã muộn”.

Ngẫm nghĩ một lúc, cụ M. tiếp tục nói: “Bây giờ đang là khoảng thời gian cao điểm các lực lượng chức năng ra quân giải tỏa những vi phạm, lấn chiếm vỉa hè. Từ sáng tới giờ, an ninh trật tự đi lại kiểm tra ba lần rồi, tôi bị thu hết ghế ngồi. Tính ra cũng mất mấy trăm nghìn nhưng vẫn phải cố bám trụ thôi, con cái đứa nào cũng vất vả, lương hưu chẳng được là bao, bây giờ mà bỏ vỉa hè biết lấy gì mà sống”.

Theo cụ M., để tồn tại và kiếm ăn trên vỉa hè, hầu hết người dân đều học được những “kĩ năng” phản xạ nhanh. “Bình thường vẫn bầy bàn ghế ra vỉa hè để bán nhưng hễ thấy bóng dáng của lực lượng an ninh trật tự là phải vội vàng dẹp vào ngay, đợi họ đi qua mới dám bày ra bán tiếp. Nhiều khi chạy không kịp, bị thu hết bàn ghế nhưng cũng đành thôi, vì lên phường xin lại phức tạp lắm, nhiều thủ tục, mất thời gian lại phải nộp tiền phạt nên đành đi sắm đồ mới cho nhanh”, cụ M. nói.

Câu chuyện của hai cụ già trên đường Nguyễn Trãi không phải là hiếm, đâu đây quanh xã hội của chúng ta vẫn thường xuyên xảy ra những câu chuyện đáng buồn như vậy. Chỉ vì chút lợi ích cá nhân, nhiều người dân sẵn sàng lấn chiếm, vi phạm các quy định về quản lý sử dụng vỉa hè. Đã có nhiều trường hợp bị xử lý vi phạm, tuy nhiên với những người sống nhờ vỉa hè vẫn cố tình bám trụ. Bằng cách này hay cách khác, hàng ngày họ vẫn vừa sống, vừa phải đối phó với các lực lượng chức năng.

Cần xác lập những nếp sống mới

Nhà sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc  cho rằng: Cần phải thay đổi suy nghĩ, nhận thức của những người dân có nhà mặt phố, bởi đây là một trong những yếu tố đóng vai trò không nhỏ trong việc giữ được vỉa hè thông thoáng.

Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, vỉa hè không phải của những gia đình có mặt tiền lấn chiếm kinh doanh. “Tôi nghĩ rằng bên cạnh việc xác lập những nếp sống mới, khắc phục cả những cái cũ do quản lý không tốt, phải giải quyết đồng bộ chứ nếu chỉ tính đối phó với nhau thì bao giờ nhà nước cũng thua dân”.

“Tôi lấy câu chuyện Hội An rõ nhất, họ giải quyết tốt vì người dân nhận ra rằng vỉa hè thông thoáng thì mình có lợi, đô thị phát tiển, kinh doanh mở mang thu lợi nên người dân cùng làm, cùng giữ gìn. Ta nên học người xưa, nhất là quản lý của người Pháp khi xây dựng đô thị buổi đầu ở đây. Luật lệ, lối sống đô thị được xác lập từ rất sớm, không lộn xộn như thế này. Bây giờ phải lồng ghép tất cả những yếu tố, tránh chuyện tư duy nhiệm kỳ để không xảy ra chuyện cái dễ thì làm, khó để đấy cho nhiệm kỳ sau”, Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

(còn nữa)

Thanh Tùng (Tuoitrethudo)

SourceXeHay