Chứng bệnh nan y nằm trong ý thức
“Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi” là tục ngữ Việt nói về sự phát triển bình thường của một đứa trẻ từ khi lọt lòng cho đến lúc đứng thẳng trên đôi chân của mình đi những bước đầu tiên. Đó là về mặt sinh học. Đứa bé ấy mai sau đi đứng thế nào lại là chuyện khác hẳn. Có đứa lái tàu vũ trụ. Cũng có đứa tập đi bộ suốt đời vẫn chưa xong.
Buồn thay, có những thói quen tham gia Giao Thông rất… khác thường?!
Huyền sử kể lại rằng Thánh Gióng, một trong “Tứ bất tử” của nước Việt mãi cho đến tận 3 tuổi vẫn chưa biết nói biết cười. Dĩ nhiên chưa thể biết đi. Vậy là quá chậm. Thế nhưng khi nghe tin có giặc xâm phạm bờ cõi cần người đi đánh, Ngài đã vùng dậy chén một bữa mấy trăm bát cơm với hàng chục vại cà và lớn nhanh như thổi.
Khi vua cho mang ngựa sắt phun lửa và roi sắt cùng giáp sắt đến, Ngài nhảy phắt lên mình ngựa ra roi đánh một trận là quân giặc tan tành. Dấu vết còn lại đến bây giờ là những lốt chân ngựa sắt lớn như những ao chuôm kéo dài suốt từ vùng Kim Anh, Đa Phúc lên mãi tận chân núi Sóc.
Thế rồi, Ngài bèn cho ngựa phóng thẳng lên trời chẳng bao giờ quay lại nữa. Không biết có phải vì thế mà con cháu bây giờ - quê hương Hà Nội của Ngài cũng có những thói quen tham gia giao thông rất khác thường nhưng lại không phi thường được như Ngài.
Lịch sử giao thông đường bộ của Hà Nội có chiều dài đúng bằng lịch sử Hà Nội hơn 1.000 năm là một niềm tự hào lớn nhất nước. Thời phong kiến ngựa xe đi đứng thế nào chẳng ai chép lại. Chỉ biết sơ qua về việc xa giá nhà vua đi ngoài đường thì dân đen phải tránh cho xa. Còn lại thì đâu có đường là dân có thể đi. Chưa có đường thì cứ “đi mãi khắc thành đường” như văn hào Lỗ Tấn bên Tàu đã đúc kết.
Ngoài Luật Giao thông đường bộ do Nhà nước quy định, mỗi người hình như có cách đi đứng của riêng mình. Tất cả đều muốn vượt lên trước một ai đó. |
Kể từ khi thực dân Pháp cho quy hoạch lại nhà cửa đường sá vào quãng đầu thế kỷ trước, Hà Nội mới tạm có bộ mặt giao thông như ngày nay chúng ta thấy.
Thế nhưng luật lệ giao thông của người Pháp gần như chẳng cần áp dụng chặt chẽ lắm ở xứ thuộc địa vắng vẻ xa xôi này. Vài chiếc ô tô trong thành phố, mươi chiếc xe máy và vài trăm xe đạp hồi ấy đi không thể hết đường. Chẳng cần đèn tín hiệu cũng như biển báo làm gì.
Mãi cho đến quãng những năm 50 thế kỷ trước Hà Nội mới bắt đầu lắp đèn tín hiệu giao thông. Có một công an ngồi trong bốt gác bật tay công tắc điện theo quan sát trực tiếp bên ngoài. Tất nhiên người dân tuân thủ chặt chẽ. Bởi trên đường phần lớn là xe đạp có tốc độ rùa bò uể oải cũng chẳng ai cố vượt đèn đỏ làm gì.
Đến sau ngày thống nhất đất nước, Hà Nội mới được chứng kiến những cảnh tắc đường đầu tiên trên phố. Lúc ấy chiếc xe đạp được mang từ miền Nam ra khá nhiều. Không còn phụ thuộc vào chế độ phân phối xe đạp, người Hà Nội ai cũng cố sắm cho mình một chiếc.
Họa sĩ Bùi Xuân Phái còn ghi ở mặt sau một bức tranh vẽ dở dòng chữ như để nhắc nhở mình: “Tiến tới cần một xe đạp riêng và một đồng hồ”. Những đoạn đường thường xuyên xảy ra tắc nghẽn nằm ở những giao cắt với đường sắt phố Khâm Thiên, phố Nguyễn Khuyến. Phố Hàng Bột kéo dài ra Nam Đồng. Đèn tín hiệu và kể cả cảnh sát giao thông đều tỏ ra bất lực trước lối đi lại chen lấn xô đẩy cốt được việc mình. Ý Thức giao thông đô thị đã bắt đầu có những đổ vỡ từ ngày ấy. Kéo dài cho đến bây giờ.
Sẽ có người đặt câu hỏi rằng “Người Hà Nội tham gia giao thông theo luật nào?” khi đi trên đường phố. Tất nhiên câu trả lời không dễ. Bởi ngoài Luật Giao thông đường bộ do Nhà nước quy định, mỗi người hình như có cách đi đứng của riêng mình. Cả người phố và khách ở quê ra. Tất cả đều muốn vượt lên trước một ai đó. Thậm chí dừng xe chờ đèn đỏ ở ngã ba có anh còn bấm còi quát tháo nhặng xị đòi người khác dẹp vào cho anh ấy vượt trước. Ngoái đầu lại thấy một anh xăm trổ những hình “cá chép om dưa” khắp người mà hãi. Đành dẹp vào chiều ý Thiên Lôi vậy thôi.
Không ở đâu cần đến nhiều cảnh sát giao thông hơn Hà Nội. Người Hà Nội cũng tự biết điều này khi có dịp du lịch sang các nước châu Á. Ngay cạnh ta là Lào và Campuchia đi cả ngày may lắm mới gặp được một cảnh sát giao thông. Hà Nội thì sao? Tất cả những ngã tư ngã ba nếu vắng bóng cảnh sát thì hầu như trật tự giao thông trở nên... xa xỉ(?!). Mạnh ai nấy đi. Tạt đầu, vượt đèn đỏ, thậm chí đi cả vào đường ngược chiều. Người ta còn chẳng quan tâm đến luật nói gì đến chuyện nhường nhau một bánh xe.
Ngoài nhà máy sản xuất còi phải thử trước khi xuất xưởng, có lẽ Hà Nội là nơi tiếng còi xe nhiều nhất quả đất. Nguyên nhân khách quan cũng có do người đi trên đường lơ đễnh thiếu quan sát. Nhưng chủ quan nhiều hơn. Người ta bóp còi cả khi chỉ để giục giã người đi trước. Mấy chú shipper thì thường trực còi để lướt mớ hàng cồng kềnh sau xe, vượt sát sạt người đi đường. Vài bác tài taxi tranh đón khách còi chí chóe, lạng lách kinh hồn. Xe biển xanh cũng nằm trong số những chiếc xe hay phải sửa còi nhất. Và cuối cùng là đám trẻ ban đêm chạy với “tốc độ bàn thờ” bấm còi liên tục.
Thực ra thì chứng bệnh nan y của giao thông đường phố chính là nằm trong ý thức của mỗi người. Cả khách lẫn chủ. Chứng bệnh này sẽ không được chữa khỏi nếu như chút lòng tự trọng hiu hắt trong mỗi con người không sớm thức dậy.
Ngủ lâu thế chẳng biết có còn hay không nữa?
ANTĐ