Buýt nhanh (BRT) vẫn bị lấn làn
Mặc dù các phương tiện truyền thông đã liên tục thông báo về lộ trình cũng như phần đường dành riêng cho tuyến xe buýt nhanh (BRT), nhưng sau 2 tuần chính thức ra mắt, làn đường của BRT vẫn bị các phương tiện khác chen lấn
Làn đường dành riêng cho buýt BRT vẫn bị các phương tiện khác chen lấn
Theo tính toán ban đầu, BRT tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa sẽ hoàn thành cung đường trong 40 phút – 45 phút. Tuy nhiên, kể từ thời điểm xuất phát, hầu hết các xe này phải cần tới 60 phút - 65 phút, thậm chí còn nhiều hơn mới có thể về đến bến cuối.
Lấn cả giờ thấp điểm
Anh Nguyễn Gia Trường - nhân viên lái xe của Xí nghiệp xe buýt nhanh (Tổng công ty vận tải Hà Nội) cho biết, việc các phương tiện Giao Thông khác như ôtô, xe máy đi vào làn đường BRT là khá phổ biến. Không chỉ có xe tư nhân, ngay cả xe biển xanh của các cơ quan Nhà nước cũng liên tục đi vào làn dành riêng cho buýt BRT.
Anh Trường than phiền: “Gọi là xe buýt nhanh, nhưng thực tế nhiều khi xe của tôi chỉ có thể di chuyển với tốc độ 30-35km/h bởi ở phía trước là đủ loại phương tiện cản đường. Trước khi buýt BRT đi vào hoạt động, tôi nghĩ rằng việc kẻ vạch sơn và lắp biển báo suốt dọc tuyến rõ ràng như vậy thì việc Lấn Làn là rất hãn hữu. Do đó, ban đầu thấy những tình huống như vậy tôi cũng khá bức xúc khi không thể đảm bảo tốc độ như quy định. Nhưng đến bây giờ, mỗi khi bị phương tiện khác lấn làn thì các lái xe BRT chỉ còn biết thở dài rồi nháy đèn báo hiệu cho họ. Nói thực là sự coi thường quy định giao thông của người dân vốn đã thành thói quen cố hữu và rất khó có thể thay đổi được trong ngày một, ngày hai”.
Anh Nguyễn Gia Trường - nhân viên lái xe của Xí nghiệp xe buýt nhanh (Tổng công ty vận tải Hà Nội)
Cũng theo anh Trường, bên cạnh những người điều khiển phương tiện giao thông vô tình đi vào làn dành riêng cho BRT do từ tỉnh xa đến và chưa biết các quy định mới thì cũng có cả những người biết rõ nhưng cố tình vi phạm. Bằng chứng là họ mặc cho lái xe BRT liên tục báo hiệu bằng cả còi và đèn nhưng vẫn đủng đỉnh chạy phía trước cả chục phút rồi mới chịu rẽ hoặc nhường đường.
“Chúng tôi vẫn gọi vui những chiếc xe đó là “xe dẫn đoàn” bởi đằng sau họ đôi khi có đến 3 chiếc buýt BRT khác đang kiên nhẫn bám đuôi nhau với tốc độ rất chậm. Việc đi vào làn buýt BRT không chỉ gây nguy hiểm cho chính họ mà còn khiến hành trình của các “nốt” BRT đang chờ tại bến bị chậm dây chuyền vì lỡ chuyến” - anh Trường nói.
Trong khi đó, anh Trần Văn Hùng - một nhân viên đã từng có 7 năm kinh nghiệm lái xe buýt trước khi chuyển sang BRT thẳng thắn cho biết: “Việc các phương tiện lấn làn của BRT diễn ra cả trong giờ thấp điểm là điều rất khó chấp nhận. Bên cạnh đó, có những nút giao thông thường xuyên bị lấn và tắc như nút Nguyễn Tuân - Hoàng Đạo Thúy khiến chúng tôi muốn đi qua cũng phải mất tới 15 phút. Chính vì thế hiện nay công ty chưa đưa ra quy định về thời gian đảm bảo lộ trình cho lái xe”.
Liên tục chậm chuyến vì sự thiếu ý thức
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT) cho biết: “BRT đến nay đang hoạt động theo đúng phương án đã vạch ra và đảm bảo được tần suất, an toàn trong suốt quá trình vận hành. Tồn tại đáng kể nhất vẫn là tình trạng nhiều phương tiện khác lấn làn, chiếm dụng làn đường của BRT mà chủ yếu là xe máy. Vị trí hay bị lấn nhất là các nút giao thông khi tất cả các loại phương tiện đều phải dừng chờ tín hiệu giao thông. Trong khi đó, tính hấp dẫn của BRT đối với hành khách chính là tốc độ và thời gian đảm bảo lộ trình sẽ được thu hẹp, nhưng tất cả đang có nguy cơ bị phá vỡ do sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông”.
Có một thực tế là hiện nay, khi dừng đèn đỏ tại các nút giao thông, các phương tiện nếu muốn rẽ trái vẫn có thói quen đứng tràn sang làn của BRT thay vì đứng sát về bên trái phần đường của mình, bất chấp vạch kẻ phân làn và cả biển báo rất rõ. Thói quen này cũng là một tác nhân khiến cho BRT liên tục chậm chuyến vì phải chờ đến khi các phương tiện di chuyển hết thì mới tiếp tục được hành trình.
“Chúng tôi đã báo cáo Sở GTVT, UBND thành phố và tới đây cơ quan chức năng sẽ có một số biện pháp thí điểm để tách làn nhằm giảm xung đột giữa BRT với các làn xe khác. Cụ thể, từ nay đến trước Tết Nguyên đán sẽ lắp các dải phân cách có kết cấu nhẹ, cơ động trên làn BRT tại một số điểm chờ như Khuất Duy Tiến, Nguyễn Tuân, Hoàng Đạo Thúy và Giảng Võ. Khi đã có phân cách thì kể cả ùn tắc giao thông nhưng làn đường BRT vẫn có thể đảm bảo hoạt động được. Sau thời gian thí điểm, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét, đánh giá tính hiệu quả để lên phương án có nhân rộng hay không” - ông Nguyễn Hoàng Hải nói.
Nguyễn Long (ANTĐ)