Mạng con người - Sự cố mất phanh - Khen thưởng và sự "dắt mũi" dư luận
Mấy hôm lùm xùm vụ xe khách mất phanh may mắn được xe tải dìu đỗ an toàn, tôi có ý kiến như thế này, dựa vào kinh nghiệm nghề nghiệp và số km đã chạy trên đường, khoảng 8 vòng trái đất.
Trước tiên chúng ta cần hiểu rõ cơ cấu và nguyên lý hoạt động của hệ thống phanh khí nén xe Hyundai Space thì “các thánh” mới “chém” được.
Một hệ thống phanh khí nén cơ bản sử dụng trên xe khách, xe tải cần có 5 phần:
1. Một máy nén để bơm khí và bộ điều áp để điều chỉnh áp suất máy nén.
2. Một bình chứa hay thùng chứa để dự trữ khí nén.
3. Một phanh chân để điều khiển dòng không khí nén từ bình chứa khi cần phanh.
4. Bầu phanh và đòn quay để truyền lực được sinh ra từ khí nén đến hệ thống cơ khí.
5. Má phanh và bố phanh hoặc đĩa để tạo ma sát nhằm dừng bánh xe.
Và phần này rất quan trọng: Phanh tay, hay còn gọi là "Lóc-kê" trong hệ thống. Phanh tay phục vụ hai mục đích: Thứ nhất là dùng để giữ cho xe đứng im khi dừng đỗ xe, thứ hai là đóng vai trò của hệ thống phanh khẩn cấp.
Nếu việc mất khí xảy ra trong mạch sơ cấp (xanh) và chúng ta thực hiện quá trình phanh, khí điều khiển từ tổng phanh được đưa tới van điều biến. Khi không có áp suất khí cung cấp để duy trì sự cân bằng trong van điều biến, do sự mất khí ở mạch sơ cấp, van điều biến sẽ thoát khí khỏi phanh tay.
Lượng khí thoát ra bằng với lượng khí được cung cấp nhờ tổng phanh. Việc xả khí trong mạch phanh tay sẽ làm cho trục dẫn động bị phanh bởi lò xo áp suất. Khi nhả phanh, khí cung cấp từ mạch thứ cấp (mầu đỏ) đi đến phanh tay để đưa xe thoát khỏi trạng thái phanh.
Việc phanh có thể lập lại cho đến khi tất cả khí từ mạch thứ cấp thoát hết ra ngoài. Tùy nhiên khi áp suất khí rơi xuống dưới 85 PSI, phanh tay sẽ không về vị trí ban đầu trước khi phanh, thực tế, chúng sẽ bắt đầu bị trượt.
Tại áp suất xấp xỉ 35 PSI, van điều khiển phanh tay trên bảng tap-lô sẽ thải khí tồn tại trong mạch thứ cấp, và phanh tay thực hiện chức năng phanh.
Chỉ có một cách để xe di chuyển sau khi tất cả khí bị mất là sửa chữa mạch bị hỏng và nạp lại hệ thống hoặc nén lò xo phanh tay.
Vậy khả năng mất phanh khi bị mất áp suất khí nén là rất ít. Bởi vì thông thường nổ máy khi đủ áp suất 7-8kg thì phanh tay mới nhả được, nếu không đủ, phanh tay tự đóng "hãm" lại.
Hôm trước phát biểu trên báo chí, chủ xe có nhắc tới là do phanh nhiều, áp suất khí nén còn có 4kg nên mất phanh.
Điều này không đúng!
Vậy nếu phanh không tác dụng cũng như không vào được số "phanh bằng số" là do đâu???
- Thứ nhất là do lái xe chủ quan, đường xuống đèo dốc dài, đệm phanh nhiều ở các khúc cua dẫn đến má phanh sinh nhiệt, cháy đỏ, không có ma sát "bị lì" nên có tác dụng rất ít, nhất là xe nặng, vận tốc lớn thì coi như “về mo”. Trường hợp này tôi đã gặp rất nhiều.
- Thứ hai là do mất áp suất, phanh tay "Lóc-kê" tự đóng nhưng do má phanh đang cháy đỏ cũng không có tác dụng.
- Thứ ba không dồn được số để hãm xe lại là do không đồng tốc, hệ thống trợ lực hơi mất áp nên rất khó vào, cộng tâm lý của lái xe, hành khách.
Nói gì thì nói, trong sự việc ở đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng, cái may mắn nhất là mọi người đều bình an vô sự. Còn chuyện danh lợi, tiền bạc, lòng tham đã khiến con người ta đi quá xa, và một số phóng viên nóng vội, thiếu hiểu biết, thiếu cái tâm đang "dắt mũi" những độc giả kém hiểu biết.
Gần như tất cả nguyên nhân các vụ Tai Nạn đều do lỗi chủ quan của con người. Ngày xưa đào tạo lái xe có môn “Đạo đức lái xe”, bây giờ bỏ rồi thì phải. Cho nên bạn “Hãy Lái Xe Bằng Cả Trái Tim”.
Hải Âu (ANTĐ)