Lạm dụng rượu, bia, nhiều người tử vong vì tai nạn giao thông

| Tin ảnh
Xếp hạng 4.4 - 9 đánh giá

Dù TNGT trong 8 tháng đầu năm vẫn giảm trên cả 3 tiêu chí, nhưng riêng tháng 8, tình hình TNGT lại diễn biến phức tạp khi số vụ TNGT và số người chết gia tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Một trong những nguyên nhân khiến tai nạn gia tăng được cho là liên qu

Lạm dụng rượu, bia, nhiều người tử vong vì tai nạn giao thông

Khoảng 4.000 vì TNGT mỗi năm có liên quan tới rượu, bia

Đầy bụng bia, rượu vẫn điều khiển xe

Ủy ban ATGT Quốc gia thông tin, trong tháng 8-2016 toàn quốc xảy ra 1.760 vụ TNGT, làm chết 705 người, làm bị thương 1.495 người. So với cùng kỳ năm 2015 tăng 48 vụ (2,8%), tăng 51 người chết (7,8%), giảm 96 người bị thương (-6,03%). Như vậy, trong 8 tháng qua, cả nước xảy ra 13.612 vụ, làm chết 5.728 người, làm bị thương 11.781 người. So với cùng kỳ năm 2015 giảm 1.010 vụ (-6,91%), giảm 93 người chết (-1,6%), giảm 1.456 người bị thương (-11%). 

Tại cuộc họp về công tác bảo đảm trật tự ATGT tháng 8, triển khai nhiệm vụ tháng 9-2016 diễn ra sáng 7-9, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia đánh giá, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của lực lượng chức năng, 8 tháng đầu năm nay, TNGT đã giảm trên cả 3 tiêu chí, tiếp tục kéo giảm về số vụ, số người chết, số người bị thương. Tuy nhiên, tình hình trật tự ATGT lại có chiều hướng diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản, xảy ra nhiều sự cố uy hiếp an toàn, an ninh hàng không.

Về nguyên nhân gia tăng TNGT, Phó Thủ tướng cho rằng, còn tình trạng buông lỏng trong quản lý Nhà nước về ATGT đối với kết cấu hạ tầng, kinh doanh vận tải, trong đó tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo và của lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT chưa quyết liệt; hạ tầng tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn còn tồn tại các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn; còn hiện tượng xuê xoa và có dư luận về tiêu cực trong một bộ phận lực lượng thực thi công vụ. “Ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao. Đặc biệt, tình trạng người tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia là nguyên nhân gây ra TNGT nghiêm trọng”, Phó Thủ tướng cho biết.

Mặc dù theo thống kê, số vụ TNGT liên quan đến lái xe sử dụng rượu, bia chỉ chiếm 2,13%, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, nhiều vụ TNGT xảy ra do lái xe đã sử dụng rượu, bia nhưng không được kiểm tra nồng độ cồn nên không có số liệu chính xác. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, trung bình một năm, Việt Nam có dưới 9.000 người  tử vong vì TNGT thì số liên quan đến rượu, bia phải chiếm tới 40%, tương đương khoảng 4.000 người. “Ở nước ngoài, khi đã uống rượu, bia là không lái xe, nhưng tại sao nước ta vẫn vô tư điều khiển phương tiện. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân như thế nào, việc thực thi công vụ của lực lượng chức năng ra sao?”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề. 

Khó kiểm tra người say

Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết: “Nghị định 46/2016/NĐ-CP đã được tuyên truyền rộng rãi và thực tế đa số người dân đã có ý thức về uống rượu, bia khi điều khiển xe do chế tài nặng. Trong tháng cao điểm vừa qua, lực lượng CSGT đã xử lý gần 10.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó tập trung ở 4 thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ”.

Cũng theo Thiếu tướng Trần Sơn Hà, để xử lý được lái xe uống rượu, bia thì phải huy động cả cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động, CSGT. Hơn nữa, Luật Giao thông đường bộ quy định, khi xử lý vi phạm phải chứng minh được lỗi vi phạm, trong khi không có camera đối chiếu, nên nhiều trường hợp đã xảy ra mâu thuẫn giữa người thực thi công vụ và đối tượng vi phạm.

Liên quan đến việc xử lý điểm đen TNGT, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin, hiện còn tồn tại 876 điểm đen. Trong năm 2016 và 2017 sẽ xử lý được khoảng 550 điểm với kinh phí khoảng 500 tỷ đồng. “Các điểm khác trước mắt xử lý tạm thời bằng biển báo, gờ giảm tốc, phát quang, gương cầu. Các điểm còn lại (sau khi đã xử lý tạm) 293 điểm (kinh phí 1.224 tỷ đồng) sẽ xử lý dần trong kế hoạch bảo trì hàng năm hoặc bằng các dự án xây dựng cơ bản”, ông Nguyễn Văn Huyện cho hay.

Để tiếp tục kiềm chế, kéo giảm TNGT trong những tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự ATGT trong tình hình mới; siết chặt quản lý điều kiện kinh doanh vận tải và ATGT đối với vận tải hành khách, hàng hóa, đặc biệt là xe khách giường nằm, xe container…        

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu: Duy trì kiểm soát vi phạm nồng độ cồn  

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các lực lượng chức năng phải thực hiện kiên quyết, triệt để, không do dự hay chần chừ theo đúng quy định trong Nghị định 46/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và công an các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền và xử phạt theo quy định tại Nghị định 46, chú trọng xử lý các hành vi: Nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, chở hàng hoá quá tải trọng cầu đường, chở quá số người quy định, sử dụng phương tiện thủy hết niên hạn, phương tiện chở khách đường thủy không trang bị thiết bị cứu sinh; tăng cường kiểm soát, xử lý đối với xe hết niên hạn sử dụng và quá hạn kiểm định… Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tổng kết, đánh giá kết quả đợt cao điểm bảo đảm trật tự ATGT, trật tự xã hội, trong đó trọng tâm là cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn từ ngày 16-8 đến hết 15-9; chỉ đạo cảnh sát giao thông các địa phương duy trì thực hiện kiểm soát vi phạm nồng độ cồn từ giờ đến hết năm âm lịch.

Hải Dương (ANTĐ)

SourceXeHay