Cuộc đua công nghệ 'khốc liệt' giữa các xe ôtô phân khúc hạng B
Cuộc đua công nghệ đang giúp những mẫu sedan hạng B tại Việt Nam ngày càng 'xịn' hơn khi có thêm những tính năng hiện đại, trong khi giá bán ngày càng cạnh tranh hơn.
Nếu như trước đây, giá bán được xem là tiêu chí then chốt ảnh hướng đến quyết định chọn mua xe ôtô của khách hàng Việt thì có vẻ như nay đã khác. Bởi khi thị hiếu của người dùng ngày càng cao, những yếu tố khác như kiểu dáng thiết kế hay trang bị tiện nghi, an toàn cũng được cân nhắc kỹ hơn.
Giá rẻ đã không còn hấp dẫn?
Sự “nở rộ” về số lượng mẫu mã đã khiến cuộc đua tranh ở phân khúc sedan hạng B ngày càng Khốc Liệt hơn. Nếu những năm trước đây, đa phần các hãng xe chọn giá bán làm "vũ khí" cạnh tranh khi tung nhiều mẫu xe "tham chiến" thị trường Việt Nam thì ở thời điểm hiện tại, cuộc đua đơn thuần về giá dường như không còn là lợi thế.
Điển hình, “làn gió mới” Kia Soluto là gương mặt mới nhất gia nhập vào phân khúc hạng B nửa cuối năm 2019. Với giá bán từ 399-455 triệu đồng, Kia Soluto trở thành một trong những mẫu xe rẻ nhất phân khúc, hướng đến nhóm khách hàng mua xe theo số lượng lớn hoặc khách hàng mua xe kinh doanh dịch vụ. Mặt khác, Kia Soluto cũng được kỳ vọng sẽ gây sức ép lên 2 "ông trùm" doanh số là Toyota Vios và Hyundai Accent.
Tuy nhiên, có nhiều cái tên trong phân khúc này từng ra mắt với giá bán chạm sàn nhưng vẫn rơi vào cảnh doanh số "thò thụt". Kể từ khi ra mắt, số xe bán ra của KIA Soluto luôn theo sau các "đàn anh" và chỉ duy nhất lọt top 10 vào tháng ra mắt xe.
Tuy giá bán rẻ là một lợi thế nhưng chưa đủ lớn để Kia Soluto cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ, trong khi trang bị trên mẫu xe này cũng chỉ ở mức cơ bản.
Ngoài ra, trong bối cảnh “đất chật người đông”, giữa rất nhiều chọn lựa, khách hàng Việt ngày càng khó tính hơn với nhiều tiêu chí cũng như yêu cầu khi mua xe. Giá xe dù vẫn là yếu tố quan trọng, nhưng chỉ giá bán thôi thì chưa đủ. Người tiêu dùng thời nay còn đòi hỏi những yêu cầu cao hơn về thiết kế và đặc biệt là tiện nghi, độ an toàn. Chính vì vậy, gần đây những mẫu sedan hạng B đã được chú trọng đầu tư nhiều hơn về công nghệ.
Đầu tiên phải kể đến sự xuất hiện của Hyundai Accent phiên bản nâng cấp. Thời điểm ra mắt cách đây gần 2 năm, mẫu sedan này bên cạnh giá bán cạnh tranh còn được hãng xe Hàn “nhồi” khá nhiều công nghệ, tiện nghi so với các đối thủ như Toyota Vios, Mazda2 hay Honda City.
Ở thế hệ mới, mẫu xe này không chỉ sở hữu thiết kế hấp dẫn mà còn khiến đối thủ “gai mắt” với hàng loạt trang bị tiện nghi, an toàn như thiết kế cửa sổ trời, màn hình 7 inch tích hợp kết nối Apple CarPlay, hệ thống định vị AVN dành riêng cho thị trường Việt hay cảm biến lùi, camera lùi, cân bằng điện tử, hỗ trợ lực phanh khẩn cấp, phân bổ lực phanh điện tử, ổn định chống trượt thân xe, kiểm soát lực kéo, khóa an toàn trẻ em Isofix và Cruise Control… Có thể nói là "hàng tá" công nghệ đã được trang bị ở một chiếc xe có giá chỉ khoảng 600 triệu đồng.
Cuộc đua trang bị gay gắt đến mức ngay cả một mẫu xe được xem là “ông hoàng” phân khúc này như Toyota Vios cũng không thể đứng ngoài cuộc.
Trước sự "đe dọa" từ hai đối thủ lớn, Toyota liên tục tung ra Vios thế hệ mới và sắp tới là phiên bản 2020. Thật lạ khi đến một mẫu xe vốn lấy ưu thế về thương hiệu, sự bền bỉ cùng khả năng giữ giá làm “vũ khí” cạnh tranh như Vios giờ đây cũng phải "nhảy" vào cuộc đua công nghệ.
Mẫu xe của Toyota khiến không ít khách hàng bất ngờ với màn “lột xác” hoàn toàn khi có thêm những tính năng hệ thống kiểm soát hành trình (Cruise Control), cân bằng điện tử, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, cảm biến lùi, camera lùi,… thậm chí trang bị đến 7 túi khí, một thay đổi ít người nghĩ tới.
Hãng đua công nghệ, khách hàng hưởng lợi
Như đã nói, chính sự thay đổi trong tiêu chí mua xe của khách hàng mới là yếu tố quyết định tạo nên cuộc đua trang bị, tiện nghi ở phân khúc sedan hạng B tại Việt Nam hiện tại. Và dường như chỉ những mẫu xe “chiều lòng” khách mới có thể “sống khỏe” trên thị trường. Toyota Vios và Hyundai Accent là minh chứng rõ ràng nhất.
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội các nhà sản xuất và lắp ráp ôtô Việt Nam (VAMA), kể từ khi ra mắt phiên bản nâng cấp với nhiều trang bị mới, Hyundai Accent đã gặt hái rất nhiều thành công. Sau hơn một năm ra mắt, mẫu xe của Hyundai đã liên tục "cháy hàng" với doanh số cả năm 2019 đạt 19719 xe. Như vậy, trung bình mỗi tháng có đến hơn 1400 xe Accent đến tay khách hàng, vượt xa Honda City và thậm chí đã có lúc vượt mặt Toyota Vios vào thời điểm tháng 1/2020 với 1.733 xe bán ra (so với 1598 xe từ Vios).
Rõ ràng, bên cạnh thiết kế mới, chính những trang bị “khủng” đã nhanh chóng giúp Accent chinh phục khách hàng Việt. Và sự thành công của mẫu xe tiên phong này đang mở ra một xu hướng, một cuộc đua tranh mới ở phân khúc sedan hạng B. Bài toán mới đặt ra với các hãng xe là làm sao vừa phải cân chỉnh giá bán hợp lý nhưng đồng thời phải tính toán, bổ sung thêm các công nghệ mới để “chạy đua” với các đối thủ.
Hiện tại, những mẫu xe vốn đang cạnh tranh chủ yếu dựa vào giá bán rẻ như Chevrolet Aveo, Suzuki Ciaz, KIA Soluto, hay Nissan Sunny,… sẽ khó có chỗ đứng nếu chỉ dựa vào giá bán, trong khi thua thiệt đối thủ về công nghệ.
Vừa qua, Mitsubishi cũng đã ra mắt người dùng Việt với phiên bản xe Mitsubishi Attrage mới nhất cùng những nâng cấp được cho là cần thiết nhất như hệ thống chiếu sáng bi-LED, đèn hậu LED giao diện 3D, màn hình giải trí 7 inch hỗ trợ Apple CarPlay/Android Auto, ghế lái có bệ tỳ tay, gương chiếu hậu gập điện... kèm theo đó là giá bán vô cùng cạnh tranh, chỉ từ 375 triệu. Dự đoán, đây sẽ là mẫu xe "đáng gờm" khi đối đầu với những ông trùm doanh số trong phân khúc hiện nay.
Rõ ràng, các hãng xe ôtô sẽ phải toan tính nhiều hơn nếu muốn giữ thị phần. Tuy nhiên, ở góc độ nào đó, sự cạnh tranh giữa các hãng xe thì người được hưởng lợi vẫn là khách hàng.
Thị trường ôtô Việt Nam được các chuyên gia trong ngành dự báo sẽ tăng trưởng trong những năm tới, vì vậy thị phần cho phân khúc B sẽ tiếp tục mở rộng. Do đó, những sản phẩm xe được cập nhật nhiều công nghệ, kiểu dáng sẽ có tiềm năng lớn để chinh phục người dùng, tăng doanh số./.