Bài 9: Xe đỗ tràn lan, lực lượng chức năng kêu khó
Sau khi đăng loạt bài “Hà Nội với bài toán giảm ùn tắc giao thông”, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã nhận được nhiều phản ánh của người dân về việc tại một số tuyến đường trong nội thành, tình trạng ô tô đậu, đỗ tràn lan trên lòng đường vỉa hè, vạch kẻ dành cho ngư
Những điều trông thấy...
Trên các tuyến phố như Đào Duy Anh, Giảng Võ, Xã Đàn – Phạm Ngọc Thạch, Nam Đồng – Đặng Văn Ngữ… (Hà Nội), PV báo Tuổi trẻ Thủ đô đã ghi nhận nhiều phương tiện đỗ tràn lan trên lòng đường. Đường Đào Duy Anh dù đã có biển cấm đỗ nhưng ngay ở thời điểm lưu lượng phương tiện qua đây rất đông, hàng chục xe ô tô vẫn đậu nối dài bên lòng đường phía khách sạn Kim Liên. Còn tại phố Xã Đàn, PV ghi nhận vào giờ cao điểm buổi chiều tối, xe ô tô đậu chen chúc nhau ngay dưới lòng đường.
Hàng loạt xe ô tô đỗ chiếm hết đường đi cạnh trường THCS Đền Lừ 2 (quận Hoàng Mai, Hà Nội)
Tiếp tục qua một số khu vực trên đường Kim Đồng - Tân Mai mới, Trương Định, khu vực Đền Lừ 1 - 2, chợ tạm Trương Định, trường THCS Đền Lừ 2, Trung tâm dạy nghề quận Hoàng Mai, Hồ Đền Lừ… (thuộc quận Hoàng Mai), chúng tôi tiếp tục chứng kiến tình trạng xe ô tô đậu, đỗ tấp nập ngay trước biển cấm một cách công khai. Đặc biệt, tuyến đường cạnh trường THCS Đền Lừ 2, xe tải, ô tô đậu đỗ thành hàng dài ngay dưới lòng đường, chiếm hết lối đi. Thậm chí, có xe còn như “thách thức” khi đậu che luôn cả bảng tin của tổ dân phố nhưng cũng không thấy ai nhắc nhở.
Các điểm khác là đường Khương Đình, Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển – Khuất Duy Tiến… (thuộc quận Thanh Xuân) tình trạng xe đỗ trước biển cấm cũng xảy ra tương tự. Phổ biến nhất là khu vực ngã ba Khương Đình – Thượng Đình, đường bờ sông Tô Lịch (phường Hạ Đình), suốt nhiều ngày PV khảo sát, tình trạng xe đậu đỗ gây ùn tắc Giao Thông trước biển cấm diễn ra nhan nhản nhưng không thấy lực lượng chức năng kiểm tra, xử lí.
Nơi được nhiều người dân than thở xem là điểm “nóng” khi thường xuyên xảy ra vi phạm (như: Cổng Trung tâm văn hóa quận Hai Bà Trưng, đường Bạch Mai; ngã tư Giải Phóng - Đại Cồ Việt (chân cầu vượt); Tô Hiến Thành – Nguyễn Công Trứ; Lê Đại Hành; Thể Giao, Triệu Việt Vương, Nguyễn Đình Chiểu thuộc quận Hai Bà Trưng) tình trạng vi phạm càng phức tạp. Tại khu vực cổng Trung tâm văn hóa quận Hai Bà Trưng (đường Bạch Mai) gần chục xe ô tô đậu chiếm hết luôn cả vỉa hè dành cho người đi bộ. Tại các tuyến phố như đường Tô Hiến Thành, Hoa Lư, Nguyễn Công Trứ, Lê Đại Hành…, những chiếc xe ô tô nối hàng dài đỗ như “chốn không người”. Cụ thể, tuyến phố Tô Hiến Thành, không chỉ những xe con mà cả ô tô 45 cũng đỗ “chềnh ềnh” rất lâu mà không hề bị xử lí.
Thanh tra giao thông gặp khó
Trao đổi về vấn đề này với PV, ông Lê Quang Vinh – Đội trưởng đội thanh tra giao thông vận tải quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho rằng: “Trên địa bàn Hà Nội nói chung, Hoàng Mai nói riêng do cư dân sinh sống cũng như mô hình kinh tế bám lấy mặt đường, các phường tiện đến đây đậu đỗ tại cửa hàng, cửa hiệu là điều không tránh khỏi. Đoạn đường chợ tạm Trương Định, đã là chợ đương nhiên là có khách đến mua bán, xe cộ đỗ là điều bình thường, cái này đương nhiên là ở quận huyện nào cũng có, khó có thể tránh được”.
Ngoài ra, ông Vinh còn đưa ra các khó khăn như, địa bàn quận Hoàng Mai cũng như trong phố nói chung thì các địa điểm trông giữ phương tiện đang thiếu. Thành phố, quận chưa tổ chức các điểm trông giữ tập trung hay quy hoạch các điểm như vậy.
“Em mới nêu vài điểm chứ quận Hoàng Mai và các quận nội thành hàng trăm điểm đều bức xúc thế này cả. Quân ở đâu mà rải ra khắp các nơi, mỗi điểm cử một người đã không đủ, còn công tác kiểm tra, xử lí nữa. Anh làm tốt khu vực này thì khu vực khác lại phát sinh vấn đề… Những ngày gần đây, Sở rồi thành phố, quận giao cho bọn anh các điểm trông giữ phương tiện vừa thống kê vừa kiểm tra, xử lí. Nói thật, để làm tốt rất khó” – ông Vinh chia sẻ với phóng viên…
Tuy nhiên, khi PV hỏi việc người dân phản ánh Thanh tra Giao thông quận Hoàng Mai “sống chung” với vi phạm tại vì các tuyến phố Đền Lừ 1,2 cách trụ sở chỉ vài chục mét, ông Vinh cho rằng khu vực này đậu xe có phép. Khi PV cho biết tại các khu này, xe đỗ dưới lòng đường chứ không phải là ở bãi trông xe thì ông Vinh vẫn khẳng đinh lòng đường vỉa hè này có phép trông giữ.
Trước thực trạng PV nêu ra, ông Trần Việt Hải – Đội trưởng đội thanh tra giao thông vận tải quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết: Trên địa bàn quận có hơn 100 tuyến phố nên rất thiếu chỗ trông giữ xe. Thực tế, địa bàn đội phụ trách có gần 40 điểm được Sở GTVT Hà Nội cấp phép trông xe dưới lòng đường và khoảng gần 20 điểm trông xe trên vỉa hè do UBND quận Hai Bà Trưng cấp. Tổng số diện tích để trông giữ xe khoảng gần 14.000m2. Cộng với trên địa bàn một số tuyến đường như Thể Giao, Hoa Lư tập trung rất nhiều cơ quan của quận hay Sở… Khi họ tổ chức giao ban, hay sự kiện lớn, các lực lượng kiểm tra cũng rất mệt mỏi. Qua xử lí, lực lượng chức năng gặp một số khó khăn do nhu cầu người dân, công chức tại các Sở này quá lớn mà chỗ đỗ xe, quỹ đất lại quá ít.
Ông Hải cũng nêu ra một số khó khăn như lực lượng của đội chỉ có 20 người chia đều trên 20 phường nên rất hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, một số người đỗ xe chỗ mà lực lượng chức năng không thể kéo đi được, nếu làm cương quyết có thể làm hư hỏng phương tiện lại phải đền gây khó khăn cho công tác xử lí. Bên cạnh đó, vi phạm gia tăng là do chế tài xử lí hiện nay quá nhẹ. Trước đây, lỗi đỗ ô tô sai quy định phạt 1,4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1 tháng, nay hạ xuống 750 nghìn đồng mà không bị giữ giấy tờ.
Cũng theo ông Hải, hàng tuần, đội có phối hợp với lực lượng Công an xử lí cương quyết các trường hợp vi phạm. Toàn bộ các xe đỗ ở đường giao nhau, đè vạch người đi bộ, đội sẽ xử lí trước. Đội còn tự bỏ tiền ra mua một số biển cấm đỗ xe trên vạch người đi bộ cũng giúp cho lực lượng chức năng không phải đứng gác 24/24 và có những chuyển biến tích cực. Tại một số điểm trong khu vực này xe đỗ sai, đỗ ở vị trí cấm đỗ, đội đã xử lí cường quyết được khoảng 60 trường hợp.
Đỗ xe sai quy định là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng ùn tắc trên nhiều tuyến phố, nhất là vào giờ cao điểm. Vì vậy, việc xử lý quyết liệt với các trường hợp vi phạm là giải pháp quan trọng cần được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng như Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông và đặc biệt là chính quyền địa phương…
Theo Văn Việt (TTTĐ)