Sẽ luật hóa taxi Grab và Uber?
Bộ GTVT đang dự thảo Nghị định 86/NĐ-CP sửa đổi về kinh doanh vận tải bằng ô tô. Dự thảo này đưa ra quy định, sẽ gắn mào Taxi E cho phương tiện taxi tính tiền qua phần mềm điện tử. Quy định này khiến dư luận cho rằng, Bộ GTVT đang tìm cách luật hóa taxi c
Bộ GTVT tính chuyện gắn mào Taxi E cho Uber và Grab để hợp pháp hóa?
Gắn mào Taxi E cho Grab và Uber?
Điều 6 Dự thảo Nghị định 86/NĐ-CP sửa đổi nêu rõ, xe taxi sẽ gồm taxi truyền thống tính tiền theo đồng hồ và taxi tính tiền thông qua ứng dụng phần mềm điện tử. Taxi truyền thống vẫn giữ nguyên mào taxi như hiện nay và có sơn, logo biểu trưng của doanh nghiệp, trong khi taxi công nghệ sẽ gắn mào Taxi E. Cộng đồng doanh nghiệp taxi truyền thống phản ứng khá dữ dội với quy định này và cho rằng Bộ GTVT đang tìm cách hợp pháp hóa hoạt động của Grab và Uber sau thời gian dài không quản lý được.
Ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, hiệp hội đã nêu rõ quan điểm với Bộ GTVT nhưng không rõ có được ghi nhận hay không. “Dự thảo sửa đổi Nghị định 86/NĐ-CP quy định rất mập mờ đối với loại hình xe được gắn mào Taxi E. Chúng tôi hiểu như vậy có nghĩa là muốn hợp pháp hóa Grab và Uber”, ông Đỗ Quốc Bình đặt vấn đề.
Lãnh đạo Hiệp hội Taxi Hà Nội phân tích, dự thảo Nghị định 86/NĐ-CP sửa đổi vẫn đưa ra các điều kiện rất ngặt nghèo với doanh nghiệp taxi truyền thống như phải có trụ sở kinh doanh, giấy phép kinh doanh; có bộ phận theo dõi, giám sát; lái xe phải được tập huấn, có chứng chỉ hành nghề…
Hơn nữa, taxi truyền thống bị ràng buộc rất nhiều quy định như xe chỉ được hoạt động 8 năm; phải gắn thiết bị giám sát hành trình để theo dõi, quản lý; đồng hồ tính tiền phải in được hóa đơn, được kẹp chì và chịu sự kiểm tra của cơ quan chức năng… “Vậy loại hình taxi tính tiền qua phần mềm điện tử thì ai kiểm soát, ai kiểm định?”, ông Đỗ Quốc Bình bức xúc.
Đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, sau gần 20 năm phát triển nhưng đến nay, Hà Nội mới có khoảng 18.000 xe taxi do bị khống chế bởi quy hoạch của thành phố. Tuy nhiên, việc cho phép gắn mào Taxi E cho taxi Grab và Uber sẽ khiến số lượng xe taxi chính thức của Hà Nội tăng vọt, thậm chí rơi vào tình trạng mất kiểm soát.
Ông Nguyễn Anh Quân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Taxi Thành Công bày tỏ: “Chúng tôi là những doanh nghiệp taxi làm ăn bài bản nhưng phải chịu rất nhiều ràng buộc, trong đó có sự khống chế về số lượng xe. Nếu Bộ GTVT hợp pháp hóa cho Grabtaxi và Ubertaxi dễ dàng như vậy thì không công bằng”.
Vi phạm sẽ phải dừng thí điểm
Theo ông Nguyễn Anh Quân, dù Bộ GTVT đã cho phép thí điểm ứng dụng phần mềm điện tử trong hoạt động xe khách hợp đồng với Grab nhưng thực chất là hoạt động taxi. “Tại sao đang thí điểm đã đưa vào quy định pháp luật? Đáng lẽ phải có đánh giá xem mô hình đó có phù hợp hay không rồi mới tiến hành hợp pháp hóa”, ông Nguyễn Anh Quân đặt vấn đề.
Ông Đỗ Quốc Bình cũng cho biết, hiện nay, có tình trạng doanh nghiệp là đối tác của Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam làm không đúng như đề án thí điểm được Bộ GTVT cho phép nhưng lại không bị tuýt còi.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng thừa nhận, Bộ GTVT đã yêu cầu Uber và Grab thống kê số lượng lái xe tham gia mạng lưới nhưng đến nay các doanh nghiệp này vẫn chưa cung cấp. “Bộ sẽ yêu cầu lực lượng Thanh tra GTVT kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm trong quá trình thí điểm của Grab, Bộ sẽ xử lý nghiêm, thậm chí cho dừng đề án”, ông Lê Đình Thọ cho biết.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cũng tỏ ra băn khoăn: “Phải làm rõ thế nào là Taxi E. Và nếu đã là taxi thì phải chấp hành đầy đủ các quy định như taxi truyền thống thì mới đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng. Nếu quy định mập mờ sẽ không tránh khỏi việc dư luận nghi ngờ”.
Dù thừa nhận hay không thừa nhận thì hiện tại, ngành GTVT vẫn chưa thể quản lý được hoạt động của Grab và Uber tại Việt Nam. Cơ quan quản lý cũng không thể nắm được số lượng xe cá nhân tham gia mạng lưới này và cũng không hay biết các xe này hoạt động ra sao...
Theo Ngân Tuyền (ANTĐ)