Bài 4: Báo động về ý thức người điều khiển phương tiện
Thời gian qua, để nâng cao ý thức về thực hiện luật giao thông, thành phố Hà Nội đã tiến hành nhiều biện pháp như ra quân tuyên truyền đến từng người dân, sử dụng camera phạt nguội… nhưng nhiều người, đặc biệt một số thanh thiếu niên vẫn “vô tư” vi phạm.
Va chạm dùng mũ, dao “nói chuyện”
Trong những ngày khảo sát thực tế, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã tới nhiều điểm “đen” mà người dân từng phản ánh về tình trạng ùn, tắc Giao Thông. Trong nội đô, Hà Nội vẫn còn nhiều đoạn đường hẹp, mật độ lưu lương giao thông đông hoặc đang trong quá trình thi công xây dựng các công trình giao thông khác khiến tình trạng ùn ứ khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, tại nhiều điểm như ngã tư Xã Đàn – Giải Phóng, Nguyễn Chí Thanh – Láng, Cầu Giấy – Nguyễn Phong Sắc… dù không ùn tắc nhưng khi có tín hiệu đèn đỏ dừng phương tiện, người tham gia giao thông vẫn cứ “nhao” lên đậu xe lên phía trước vạch kẻ dành cho người đi bộ. Thậm chí, tại ngã tư Chùa Bộc – Tây Sơn, Kim Mã – Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Chí Thanh – Láng… nhiều thanh niên không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định vẫn cố vượt đèn cắt ngang trước mặt dòng phương tiện đang lưu thông gây nguy hiểm cho mọi người.
Người tham gia giao thông dừng đỗ sai quy định tại ngã tư Xã Đàn – Giải Phóng
Có mặt tại Trung tâm điều khiển đèn giao thông Hà Nội, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô được tận mắt xem tình trạng kiểm soát giao thông tại tất cả các điểm giao lộ trong thành phố. Qua quan sát các màn hình lớn từ hình ảnh của 400 camera giao thông ghi lại, phóng viên thấy có nhiều điểm nút giao lộ, người tham gia giao thông đi lại khá lộn xộn. Ngoài việc lấn làn, chen ngang hay đậu đỗ trên vạch kẻ dành cho người đi bộ, có trường hợp xe ô tô đang lưu thông xuống gần cổng hầm chui hướng Đại Cồ Việt về Xã Đàn vẫn cố rẽ lên phía trên khiến gây ùn tắc cục bộ.
Bên cạnh đó, nhiều người tham gia giao thông, khi va chạm với phương tiện khác lại ứng xử rất thiếu văn hóa. Chị Hương (phường Định Công, Hà Nội), người từng bị và chứng kiến nhiều vụ va chạm giao thông kể: “Dù mình đi đúng làn đường nhưng nhiều lần bị các xe ô tô khác đâm vào đuôi xe. Họ không xin lỗi mà còn giương mắt nhìn như muốn “ăn tươi, nuốt sống” người khác. Có lần một cô gái còn rất trẻ đâm vào đuôi xe làm mình bị ngã, không nhận lỗi cô ta định đi tiếp bỏ mặc mình đang bị xe đè lên người. Khi bị người đi đường giữ lại, cô gái rút 500 ngàn đồng ra đưa cho mình mà không quan tâm xem mình có bị đau chỗ nào không. Thậm chí, nhiều trường hợp khi va chạm giao thông, họ sẵn sàng “nói chuyện” với đối phương bằng mũ bảo hiểm hay dao, gậy như phim hành động”.
Cũng theo chị Hương, giờ sợ nhất là ra đường va chạm với mấy cậu thanh niên choai choai tóc xanh, tóc đỏ hay những anh có sẵn tí “men” trong người. “Tôi đã không ít lần “thót tim” thấy họ sau khi va quệt giao thông liền lao vào chém nhau giữa phố”, chị Hương kể lại.
Liên quan đến việc hành xử theo kiểu côn đồ khi va chạm giao thông, khoảng 13h30 chiều 11/3/2016 tại khu vực cổng chợ Xanh (đường Trần Nguyên Hãn, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội), sau va chạm giao thông, người đàn ông đi xe máy đuổi theo chiếc ô tô rồi cầm dao tấn công tài xế. Bị chém nhiều nhát vào người, lái xe ô tô liền cầm điếu cày đánh lại khiến đối phương bất tỉnh, phải nhập viện cấp cứu.
Nói về vấn đề này, anh Nguyễn Chí Cường, Việt kiều định cư hơn 20 năm tại Nhật Bản chia sẻ, mỗi lần về Việt Nam, anh rất “ngại” ra đường. Ngoài việc ùn tắc giao thông, một số người ý thức kém đi xe lạng lách, chen nhau lấn làn xe rất dễ gây tai nạn.
Phạt nhiều… nhưng chưa hiệu quả
Theo số liệu của phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hà Nội, trong năm 2015, lực lượng CSGT đã kiểm tra xử lí 501 nghìn trường hợp vi phạm, phạt tiền 147 tỉ đồng, tạm giữ 21 nghìn phương tiện và 171 nghìn bộ giấy tờ, tước giấy phép lái xe 28 nghìn trường hợp vi phạm. Qua hệ thống camera giám sát, phòng CSGT xử lí 1603 trường hợp vi phạm.
Từ 1/1/2016 đến 15/3/2016, lực lượng CSGT lại tiếp tục xử lí 62.515 trường hợp vi phạm (trong đó, xe ô tô 15.082, xe mô tô 46.116, người đi bộ 867). Riêng từ 1/12/2015 đến 15/3/2016, qua camera giám sát, Phòng CSGT Công an Hà Nội đã phát hiện, lập biên bản 1.787 trường hợp vi phạm giao thông. Tuy số lượng trung bình vi phạm giao thông giảm so với năm 2015 nhưng mới chỉ 2,5 tháng đã có tới hơn 62 nghìn trường hợp vi phạm vẫn là con số “khủng khiếp”, đáng báo động.
Con số vi phạm nêu trên chắc chắn vượt xa nhiều quốc gia trên thế giới. Ngay tại Hungary, đất nước thuộc dạng tầm tầm bậc trung, tỉ lệ vi phạm giao thông cũng không đến mức như Hà Nội. Anh Nguyễn Anh Tuấn – một người Việt Nam sinh sống, làm việc lâu năm tại thành phố Budapest (Hungary) cho biết: Vi phạm giao thông ở đây là khá ít. Các trường hợp vi phạm chủ yếu là sai làn, còn các các lỗi như vượt đèn đỏ hay uống rượu bia hầu như không xảy ra.
Bên cạnh đó, để đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã “căng mình” làm nhiều việc như huy động lực lượng các đơn vị chốt trực 361 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố; dán đề can tuyên truyền lên xe taxi; phối hợp với các Sở, ban ngành khác đẩy mạnh công tác giáo dục về an toàn giao thông cho đoàn viên, thanh niên, sinh viên, học sinh… Tuy nhiên, con số vi phạm vẫn ở mức báo động. Đơn cử như tại quận Cầu Giấy, Nam và Bắc Từ Liêm, huyện Mê Linh thuộc đội CSGT số 6 quản lí, mới từ đầu năm đến giữa tháng 3/2016, đơn vị này đã phải xử phạt 10.197 trường hợp vi phạm giao thông chủ yếu là các lỗi “nặng” gây nguy hiểm cao như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, quá tốc độ… Hay tại đội CSGT số 3 phụ trách quận Đống Đa cũng xử phạt tới 6.444 trường hợp, đội CSGT số 7 phụ trách 2 quận Thanh Xuân và Hà Đông xử phạt đến 5.352 trường hợp với các lỗi tương tự.
Rõ ràng, ý thức tham gia giao thông kém là nguyên nhân không nhỏ gây tình trạng tắc đường tại Hà Nội. Đại úy Phạm Văn Chiến - Phó đội trưởng đội CSGT số 3 Công an TP Hà Nội kể: “Nhiều lần, mình đi xe, đèn báo tín hiệu đỏ, mình dừng xe đúng vạch. Vậy mà có người đằng sau cứ bấm còi inh ỏi. Sau đó, họ lách xe lên trước mặt bảo: Sao không đi, đường không có ai, hâm à”.
Qua đó, có thể thấy việc dù các cấp ban ngành có cố gắng đến mấy mà người dân vẫn không thay đổi về ý thức khi tham gia giao thông thì tình trạng trên vẫn còn là điều nan giải… Vì thế, ngoài việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, quản lí chặt các phương tiện thì nâng cao ý thức người tham gia giao thông là vấn đề có tính then chốt trong việc giải bài toán ùn tắc giao thông ở Hà Nội…
Theo Văn Việt (TTTĐ)