Hà Nội với bài toán giảm ùn tắc giao thông

| Thị trường
Xếp hạng 4.0 - 9 đánh giá

Thời gian qua, Hà Nội xác định giao thông là khâu quan trọng nhất của kết cấu hạ tầng, ưu tiên đầu tư phát triển giao thông là đi trước một bước, tạo tiền đề để kinh tế phát triển. Mặc dù đã nỗ lực rất lớn tạo nhiều bước đột phá về lĩnh vực giao thông như

Bài 1: Bức tranh giao thông  

Hà Nội đang là một điểm sáng trong sự phát triển kinh tế của cả nước. Giống như nhiều thành phố khác trên thế giới, Hà Nội cũng phải đối mặt với bức tranh đô thị nóng bỏng luôn trong cảnh giao thông xảy ra ùn tắc thường xuyên. Nguyên nhân của tình trạng trên, ngoài ý thức của người tham gia giao thông kém còn đó là những tồn tại do quy hoạch và hạ tầng yếu kém từ lịch sử để lại. 

Hạ tầng đã thiếu… lại yếu! 

Nhìn một cách thấu đáo, Hà Nội hôm nay không những là chứng nhân mà còn là chủ thể hàn gắn vết thương chiến tranh suốt từ thời kỳ thực dân Pháp, phát xít Nhật đến chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc Việt Nam. Giai đoạn thăng trầm lịch sử đó đã biến một Hà Nội đẹp nên thơ, cổ kính trở nên hoang tàn, đổ nát và gặp phải muôn vàn khó khăn chồng chất trong việc phát triển kinh tế - xã hội suốt một thời gian dài. Cũng từ đó, lịch sử để lại cho Hà Nội những tồn dư về năng lực phát triển giao thông đô thị đã thiếu lại yếu về hạ tầng trong bối cảnh hội nhập, phát triển kinh tế thế giới. Sau chiến tranh, Hà Nội trở thành trung tâm kinh tế chính trị của cả nước có sức hút lớn với nguồn nhân lực từ các địa phương khiến cho lưu lượng phương tiện giao thông tăng cao, tình trạng ùn tắc trở thành sức nặng của Thủ đô. Điển hình về vấn đề này, trước ngày giải phóng, Hà Nội chỉ có duy nhất cây cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, do nhu cầu phát triển, hiện nay đã có tới 5 cây cầu kết nối với các tuyến đường phía bắc và vùng sông Hồng.

Hà Nội với bài toán giảm ùn tắc giao thông

Cảnh tắc đường ở Hà Nội. Ảnh: Minh Việt.

Bên cạnh đó, do Hà Nội là nơi “hội tụ” của nguồn nhân lực và giao thoa của nhiều nền văn hóa khiến cho việc thực thi tuyên truyền về “văn hóa giao thông” cũng là một vấn đề khó khăn trong quản lí đô thị.   
 
Để có được bộ mặt đô thị như hiện nay, từ năm 1954 đến năm 2011, Hà Nội đã trải qua 7 lần thay đổi quy hoạch tổng thể cùng hàng trăm quy hoạch phân khu, chi tiết khác được điều chỉnh. Từ một Thủ đô hơn 30 vạn dân, đến nay Hà Nội đã có hơn 7 triệu dân với 5,5 triệu phương tiện giao thông các loại mà trong đó có tới 5 triệu mô tô, xe máy.

Qua thời gian, Hà Nội được kế thừa những nền tảng cơ sở vật chất hạ tầng giao thông của lịch sử để lại nhưng cũng lộ rõ những vấn đề tồn tại so với sự phát triển mạnh mẽ của KT-XH. Đặc biệt là nhu cầu phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh, quy hoạch cũ, hạ tầng trước đây không đáp ứng được yêu cầu mới, thậm chí còn gây khó khăn cho năng lực quản lí Nhà nước về giao thông. Kết cấu hạ tầng giao thông mới được đầu tư nhưng thiếu sự đồng bộ về khiến Hà Nội luôn phải đối diện với nạn quá tải về xe.

Ông Lê Vinh - Viện trưởng Quy hoạch xây dựng Hà Nội, phân tích: Nhiều tuyến đường chậm triển khai, buông lỏng giao thông công cộng, xe cá nhân phát triển quá ồ ạt… dẫn tới nhiều bất cập. Bây giờ chúng ta mới phát triển giao thông công cộng dù là muộn song đúng hướng… 

Năm 1996, Hà Nội dự kiến giãn dân đô thị lõi xuống 800 nghìn người với thực tế là 1,2 triệu người, song qua 15 năm không đạt mong muốn. Một phần do việc xây dựng khu di dân chậm và công tác tư tưởng cho người dân chưa được quan tâm. Thành phố hiện có dự án giãn dân phố cổ sang Long Biên song tiến độ thực hiện rất chậm…

Tạm liên hệ với Nhật Bản, để có được như hiện nay, hệ thống hạ tầng giao thông của Nhật Bản đã được chú trọng phát triển từ những năm đầu thế kỷ 20, với hệ thống xe điện đưa vào hoạt động vào những năm 1927 và đường cao tốc vào năm 1963. Cùng với đó, Chính phủ Nhật Bản cũng rất coi trọng việc phân chia hệ thống giao thông đường bộ. Các tuyến đường phần lớn được phân chia theo làn, trong đó xe buýt luôn có làn ưu tiên, cùng với ý thức tốt của những người tham gia giao thông nên việc chen làn, vượt làn hầu như không xảy ra. Do đó, việc tắc đường ở Nhật Bản rất hiếm.

Ý thức tự giác người dân chưa cao

Nhiều năm qua, Hà Nội đã tập trung nghiên cứu và đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng nêu trên. Các giải pháp được thực thi như: Tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông; tăng cường lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông tại các điểm chốt thường xảy ra ùn tắc; tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm; phân luồng, phân tuyến… Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất, ngoài sự nỗ lực của các ngành chức năng, người dân phải có sự “nhập cuộc” với việc chấp hành luật giao thông tốt, sẻ chia khó khăn cùng thành phố trong việc giải phóng mặt bằng khi thực hiện xây dựng các công trình giao thông. 

Ở góc độ này, ông Lê Vinh - Viện trưởng Quy hoạch xây dựng Hà Nội, cho biết: Lý do khiến nhiều công trình không đúng như quy hoạch đề ra là do mâu thuẫn giữa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp nên thực thi quy hoạch khó khăn. Nhà nước muốn mở đường song người dân đòi giá cao, chính sách bồi thường lại không cho phép. Để làm một cây số đường nội thành thường phải mất tầm 10 năm. Đó là những cái khó trong triển khai quy hoạch song vẫn phải làm. Cùng với đó, cần thay đổi cơ chế chính sách cũng như nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích các công trình này.

Mặt khác, Hà Nội hiện có hơn 8 triệu dân kể cả người nhập cư. Bộ mặt thành phố thay đổi rất nhiều song cũng còn nhiều vấn đề chưa kiểm soát được như ách tắc giao thông, môi trường, dân số cơ học gia tăng vượt quá quy hoạch. Trên địa bàn có cả trăm trường đại học, hàng năm tuyển hàng vạn sinh viên đã làm tăng dân số cơ học rất lớn. Nếu chúng ta không kiểm soát được tăng dân số, ý thức người dân không cao thì dù làm đường rộng 100m hay hơn nữa thì… vẫn tắc.

Bên cạnh đó, ý thức người dân trong ứng xử văn hóa giao thông còn chưa cao, thậm chí một số ít còn rất kém. Không phải đâu xa, ngay tại các khu phố cổ Hà Nội, vỉa hè vốn chật hẹp lại luôn bị lấn chiếm làm địa điểm kinh doanh “đẩy” người đi bộ xuống lòng đường. Ngã ba, ngã tư dù đã kẻ sơn lối đi dành cho người đi bộ nhưng một số người vẫn vượt đèn đỏ hoặc đậu xe giữa vạch.

Nỗi ám ảnh thực sự với mọi người là ùn tắc giao thông, vốn thường xuyên xảy ra vào giờ cao điểm, ngày cuối tuần hoặc dịp lễ, Tết. Cứ mỗi lần tắc đường, người dân thường không nhường nhịn nhau mà lao lên lấn làn, chặn dòng phương tiện ngược chiều khiến càng ùn tắc hơn. Nhiều người còn đi lên vỉa hè, đi ngược chiều khiến lực lượng chức năng bất lực.

Để giải quyết triệt để này, ngoài việc quy hoạch có tầm nhìn sâu rộng, trước hết, thành phố cần ưu tiên đầu tư và đẩy nhanh tiến độ cho hệ thống hạ tầng như đường sắt trên cao, tàu điện ngầm; các hầm và cầu đường bộ; hệ thống bãi đỗ xe; quy hoạch hành lang an toàn giao thông; lắp đặt thêm hệ thống camera tại các nút giao thông nhằm giám sát tình trạng ùn tắc, phục vụ công tác xử lý vi phạm bằng hình ảnh do các camera này ghi lại; dành quỹ đất cho giao thông đô thị khoảng 18 -20% diện tích đất đô thị (trong đó giao thông tĩnh 4-6%), riêng các quận nội thành cũ đạt khoảng 10-12%. Hà Nội sẽ liên kết đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh bằng đường sắt ngoại ô và xe buýt.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu một cách chiến lược thực trạng giao thông Hà Nội và kinh nghiệm của thủ đô khác trên thế giới, đặc biệt cần tuyên truyền nâng cao hơn nữa ý thức của người tham gia giao thông thì tình trạng ùn tắc giao thông chắc chắn sẽ được cải thiện.

(còn nữa)

Theo Văn Việt (TTTĐ)

SourceXeHay