Bài 2: Đột phá về giao thông với những công trình tầm cỡ

| Thị trường
Xếp hạng 4.2 - 9 đánh giá

Trong những năm qua, người dân cả nước và khách quốc tế khi đến Hà Nội không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến sự phát triển vượt bậc của hạ tầng giao thông thành phố với những công trình quy mô, tầm cỡ như: Cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, nhà ga T2 Quốc

Những công trình mang hơi thở cuộc sống

Đây là những tầm vóc được xây dựng bằng tâm sức, trí tuệ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô . Những công trình giao thông trọng điểm này đã phát huy hiệu quả làm thay đổi diện mạo, nâng cao năng lực giao thông, giải quyết đáng kể tình trạng ùn tắc trên địa bàn thành phố.

Bài 2: Đột phá về giao thông với những công trình tầm cỡ

Cầu Đông Trù, Hà Nội. Ảnh: Vương Đức

Trước đây, nhiều người từng chứng kiến tại các nút giao Ngã Tư Sở, Giải Phóng – Xã Đàn hay đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, mỗi khi đến giờ tan tầm, những ai cần qua đoạn đường này không khỏi “kinh hoàng” bởi dòng phương tiện “chật” như “nêm” lại ùn ứ tắc nghẽn. Muốn vượt qua những đoạn ngã tư dài chưa đầy nửa cây số này, người tham gia giao thông phải mất đến cả tiếng đồng hồ chờ  đợi len lỏi từng xen-ti-mét. Tuy nhiên, từ ngày thành phố Hà Nội khánh thành hầm chui tại ngã tư Giải Phóng – Xã Đàn, bắc cầu thép tại Ngã Tư Sở hay mở rộng các đoạn đường giao nhau tại nút Kim Liên – Ô Chợ Dừa việc đi lại đã thông thoáng và ít bị ùn tắc như trước. Đặc biệt, mới đây, tại nút giao Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi được đưa vào sử dụng đã góp phần giảm hơn nữa ùn tắc tại trục đường này. Đồng thời, dự án trọng điểm này giải quyết tình trạng ùn tắc từ phía Tây về Trung tâm thành phố.
 
Một số tuyến đường quan trọng khác đã đưa vào sử dụng tạo hiệu ứng tốt với giao thông Thủ đô. Điển hình nhất như tuyến đường vành đai 3 trên cao, sau khi đưa vào sử dụng đã giảm tải đáng kể cho đường vành đai 3, kết nối giao thông nội đô, giao thông liên vùng, tạo điều kiện cho thành phố phát triển về hướng Tây và Tây Nam. 
 
Bên cạnh đó, Thủ đô Hà Nội đã có nhiều công trình mang tính đột phá về công nghệ tạo hiệu quả rất cao như cầu vượt tại nút giao Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng là cây cầu vượt nhẹ dài nhất Thủ đô khi đưa vào khai thác đã góp phần giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng và đường Láng... Hàng loạt cầu vượt khác như Chùa Bộc - Thái Hà -Sơn Tây, Thái Hà - Láng Hạ, Lê Văn Lương - Láng, cầu vượt Nguyễn Chí Thanh-Trần Duy Hưng là giải pháp hiệu quả góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại các điểm nóng giao thông nội đô.
 
Cùng với đó, các cây cầu vượt sông như Đông Trù, Vĩnh Tuy, Vĩnh Thịnh có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng lực giao thông, kéo nông thôn lại gần với thành thị và khéo nối các vùng miền. Cầu Vĩnh Thịnh nối thị xã Sơn Tây với tỉnh Vĩnh Phúc là cầu chính trên tuyến vành đai 5 kết nối các đô thị vệ tinh, các khu công nghệ cao, các điểm du lịch, góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa các tỉnh Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội, các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và cả nước. Qua đó, tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và thu hẹp khoảng cách phát triển của khu vực Tây Bắc so với mặt bằng chung của cả nước.
 
Phó Giáo sư Nguyễn Văn Thụ, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý giao thông từng nhận định, bộ mặt giao thông của Thủ đô trong vài năm qua khởi sắc rất nhiều so với trước. Nhiều tuyến đường vành đai và hàng loạt các cây cầu vượt trên cao trong nội đô được xây dựng và đưa vào khai thác... Điều này đã góp phần giúp cho Thủ đô thông thoáng hơn và giảm hẳn tình trạng ùn tắc giao thông. Đây thực sự là một thành công rực rỡ của ngành giao thông, góp phần làm thay đổi bộ mặt của Thủ đô.
 
Một diện mạo mới…
 
Khi hạ tầng giao thông luôn trong tình trạng vừa thiếu, vừa yếu, đường chật hẹp, manh mún trong suốt một thời gian dài thì việc ra đời những đại lộ, tuyến đường cao tốc, cây cầu hiện đại là một bước tiến vượt bậc góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Không ít những công trình mới này làm nên sự “thay da, đổi thịt” của hạ tầng giao thông Thủ đô như cụm công trình cầu Nhật Tân - đại lộ Võ Nguyên Giáp, cầu Đông Trù nối quốc lộ số 5 tạo nên sự giao thương nhanh chóng cho Hà Nội và các tỉnh phía bắc. Trước đây, mỗi khi các phương tiện từ Thủ đô Hà Nội muốn đi lên các tỉnh phía Bắc phải đi qua cầu Thăng Long hoặc cầu Đuống thì nay đã có thể qua nhiều cây cầu kết nối với con đường cao tốc mới to đẹp này.
 
Đường Nhật Tân - Nội Bài là trục giao thông đô thị chính phía Bắc sông Hồng, tạo nền tảng phát triển các khu đô thị phía Bắc. Đặc biệt, cầu Nhật Tân còn trở thành điểm nhấn kiến trúc, cảnh quan cho thành phố, là cây cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á.

Mặt khác, ngoài tuyến đường cao tốc Hà Nội – Ninh Bình là tuyến kết nối quan trọng trong khu vực đồng bằng Bắc bộ, nối thủ đô Hà Nội và đất Cố đô Ninh Bình, để kết nối với phía đông thành phố, Hà Nội vừa đưa vào sử dụng tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hiện đại nhất Việt Nam, dài hơn 105 km, có 6 làn xe với tốc độ thiết kế tối đa 120 km/giờ và tổng mức đầu tư 45.487 tỉ đồng xuyên qua các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Việc đưa tuyến đường này vào sử dụng là khâu đột phá để phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của khu vực; tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo an toàn, chống ùn tắc giao thông cho các phương tiện vận tải trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng.

Ngoài ra, tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài 245km, đi qua 5 tỉnh và thành phố là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai mới đưa vào sử dụng kết nối với toàn bộ khu vực phía Bắc. Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, dự án thuộc hành lang đường bộ Côn Minh - Hải Phòng, nằm trong chương trình hợp tác giữa 6 nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông, đó là Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma và Trung Quốc...

Để chứng minh cho những thành tựu trong phát triển giao thông của Hà Nội, người viết dẫn lời đồng chí Nguyễn Thế Thảo, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nộ, từng phát biểu: Chỉ từ năm 2008 đến nay, chúng ta đã cải tạo, mở rộng và xây dựng mới được một hệ thống đường giao thông lên tới 7.365km, trong đó có 20% là tuyến đường chính, 7 trục hướng tâm và 3 tuyến vành đai cùng nhiều cây cầu vượt ở các nút giao thông… Đó là những thành quả hết sức to lớn…

(còn nữa)

Theo Văn Việt (TTTĐ)

SourceXeHay