Ô tô nhập khẩu tiếp tục tràn về 'áp đảo' xe lắp ráp dịp cuối năm
Với gần 8.000 xe ô tô nhập khẩu về trong nửa đầu tháng 10/2019, đây là lượng xe nhập khẩu về nước cao nhất trong nửa tháng kể từ đầu năm.
Xe nhập khẩu đổ dồn về cuối năm
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải Quan, chỉ trong 15 ngày đầu tháng 10 đã có tới 7.917 xe ô tô Nguyên Chiếc các loại được nhậu khẩu về nước với kim ngạch hơn 144 triệu USD. Nếu cộng dồn từ đầu năm, đã có 114.735 xe ô tô được nhập về nước. Lượng ô tô nhập khẩu tăng mạnh tới gần 250% so với cùng kỳ năm 2018.
Ở thời điểm này năm ngoái, chỉ có hơn 45.000 xe ô tô các loại được nhập khẩu về. Tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc cũng tăng mạnh tới hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế từ đầu năm 2019, cả nước đã chi ra tới hơn 2,5 tỷ USD dành để nhập khẩu ô tô nguyên chiếc.
Theo nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá việc nhiều dòng xe nhập khẩu, đặc biệt là các mẫu xe nhập khẩu miễn thuế như Honda CR-V, Ford Ranger hay Mitsubishi Xpander đang chiếm ưu thế là điều đã được báo trước.
Với tâm lý của người tiêu dùng chuộng những mẫu xe nhập khẩu đã giúp loạt xe nhập khẩu kể trên đánh bại các đối thủ Lắp Ráp trong nước ở phân khúc của mình như Mazda CX-5, Toyota Innova. Ngoài ra, việc không bị "đánh" thuế nhập khẩu đã khiến nhiều mẫu xe có mức giá đặc biệt ấn tượng. Đơn cử như mẫu xe MPV giá rẻ bán chạy nhất hiện nay là Xpander chỉ có mức giá khởi điểm 550 triệu đồng rẻ hơn "ông vua" trong phân khúc MPV nhiều năm nay là Innova tới hơn 220 triệu đồng. Đây là khoảng cách quá xa khiến người tiêu dùng đặt chọn niềm tin vào "tân binh" của Mitsubishi.
Kể từ khi xuất hiện (tháng 8/2018), Xpander đã bán ra tới hơn 15.000 xe. Đặc biệt mẫu xe nhập khẩu này đã bán ra tới 12.000 xe chỉ trong 9 tháng đầu năm 2019.
Áp lực đè nặng lên xe lắp ráp trong nước
Cũng theo những báo cáo mới của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), thị trường ô tô trong nước tăng trưởng mạnh khi bán ra 27.767 xe. Với số liệu thống kê của các thành viên VAMA, Doanh Số bất ngờ tăng hơn 29% so với tháng trước và 11% so cùng kỳ năm trước.
Xe Du Lịch vẫn chiếm doanh số chủ đạo của toàn thị trường với 20.916 xe bán ra, xe thương mại xếp sau với 6.532 chiếc và cuối cùng là xe chuyên dụng với 319 xe. Với kết quả trên, đây cũng là một trong số ít tháng mà tất cả các loại xe đều tăng trưởng doanh số khi xe du lịch tăng 37%, xe thương mại và xe chuyên dụng tăng 10% so với tháng trước.
Tính đến hết Tháng 9/2019, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 13% trong khi xe nhập khẩu tăng 150% so với cùng kì năm ngoái. Doanh số xe nhập khẩu chưa thể vượt qua xe lắp ráp trong nước nhưng đang gây sức ép nhất định lên xe lắp ráp.
Những đề xuất mới đây về việc sửa đổi nghị định 116/2017 tiếp tục sẽ làm thị trường ô tô trong nước thêm sôi động. Theo ông Nguyễn Ngọc Khương, Phó Tổng GĐ Ford VN: "Chính phủ đang có ý định sửa đổi nghị định 116/2017 theo hướng tích cực cho thị trường ô tô trong nước. Với tỷ lệ dân số đông và lượng sở hữu xe trên đầu người còn thấp như hiện nay thì thị trường ô tô trong nước chắc chắn sẽ còn tăng mạnh".
Với nguồn cung xe ổn định như hiện nay, nhiều khả năng loạt xe nhập khẩu sẽ tiếp tục dẫn đầu nhiều phân khúc có sự cạnh tranh tại thị trường. Tuy nhiên, nhiều đơn vị lắp ráp cũng đang đầu tư rất mạnh mẽ như THACO, Tc Motor hay VinFast. Với việc đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất phần nào sẽ giúp 3 ông lớn kể trên mang đến nhiều sản hẩm chất lượng với giảm giá thành hợp lý hơn.
Dự kiến, với những quy định mới sắp được ban hành sẽ giúp thị trường ô tô trong nước mở rộng thêm qua đó giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận những sản phẩm chất lượng với giá thành hợp lý.