Sản xuất ô tô trong nước hay nhập khẩu?
Tăng trưởng doanh thu bán hàng là cơ sở để nhiều thương hiệu ô tô triển khai kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam, nhưng trên thực tế, nhập khẩu vẫn tiếp tục lấn át.
Người mạnh dạn, kẻ toan tính
Trong lễ kỷ niệm 25 năm hoạt động tại Việt Nam vào tháng 9/2019, đại diện Công Ty Mitsubishi Việt Nam (MMV) đã tuyên bố kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất để phù hợp với việc đưa vào sản xuất dòng xe Xpander tại Việt Nam. Dự kiến tháng 5/2020, xe Xpander lắp ráp tại Việt Nam sẽ được xuất xưởng.
Thông báo của MMV xuất phát từ thực tế bán hàng của mẫu xe này tại Việt Nam. Thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, trong năm 2018, MMV đã bán được 990 xe Xpander trong 10.278 xe Mitsubishi được bán ra. 9 tháng đầu năm 2019, lượng xe Xpander được bán ra là 11.985 trong 19.985 xe Mitsubishi. Dẫu vậy, tất cả các xe Xpander này đều được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia.
Trước đó, vào tháng 1/2018, ông Kozo Shiraji, Phó chủ tịch Tập đoàn Mitsubishi Motors cho hay, Tập đoàn đang nghiên cứu kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ô tô thứ 2 ở Việt Nam với quy mô 250 triệu USD, công suất 50.000 xe/năm.
Cùng chung mong muốn gia tăng lượng ô tô sản xuất tại Việt Nam còn có Toyota. Sau gần 25 năm có mặt tại Việt Nam, Toyota đã có 500.000 xe ô tô được xuất xưởng tại Nhà máy ở trong nước và muốn sản xuất 1 triệu, thậm chí 2 triệu xe tại Việt Nam.
Một tên tuổi khác là Ford cũng đã đưa thêm mẫu xe 7 chỗ đa dụng Ford Tourneo vào lắp ráp ở Việt Nam. Ông Phạm Văn Dũng, Tổng giám đốc Ford Việt Nam cho biết, hàng năm, sẽ có thêm các sản phẩm được lắp ráp tại Nhà máy của Ford ở Hải Dương nhằm nâng tỷ trọng sản xuất tại Việt Nam. Sau Tourneo, năm 2020, sẽ có thêm 2 dòng xe nữa được lắp ráp tại đây.
Đột phá nhất phải kể tới một số thương hiệu được các doanh nghiệp nội địa là Thaco và Tc Motor phân phối tại Việt Nam. Giữa tháng 9/2019, Thaco chính thức đưa vào hoạt động Nhà Máy Kia mới có công suất 50.000 xe/năm, vốn đầu tư 450 tỷ đồng. Trước đó, đầu năm 2018, Nhà máy sản xuất ô tô Mazda mới của Thaco có quy mô lớn nhất khu vực ASEAN cũng đã đi vào hoạt động với công suất giai đoạn I là 50.000 xe/năm.
Nhập khẩu vẫn lấn át
Với doanh số đạt 1.000 - 1.200 xe Xpander/tháng hiện nay, kế hoạch lắp ráp dòng xe này ngay tại chỗ của MMV được cho là hợp lý.
Tuy nhiên, đáng nói là, cùng với kế hoạch lắp ráp tại Việt Nam, Mitsubishi Motors cũng có kế hoạch tăng nhanh sản lượng xe sản xuất tại Indonesia.
Mitsubishi Motors tuyên bố sẽ tăng công suất sản xuất tại nhà máy ở Bekasi để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ cho dòng xe Xpander tại Indonesia và xuất khẩu. Năng lực sản xuất xe Mitsubishi sẽ được nâng lên 220.000 xe/năm vào năm 2020, trong đó, riêng Xpander sẽ tăng lên 160.000 xe/năm, thông qua khoản đầu tư khoảng 4 tỷ Yên.
Trong 12 thương hiệu ô tô vừa nhập khẩu, vừa sản xuất tại Việt Nam hiện nay, có tới 6 hãng thu hẹp sản xuất, nhưng lại tăng nhập khẩu.
Đột biến về nhập khẩu phải kể tới Honda Việt Nam. Năm 2017, sản lượng sản xuất trong nước chiếm tới 87% tổng số xe, nhập khẩu chỉ chiếm 13%. Tuy nhiên, hết tháng 4/2019, lượng xe sản xuất tại Việt Nam của Honda chỉ còn 30% và xe nhập khẩu đã chiếm tới 70%. Từ chỗ nhập khẩu 3 mẫu xe (Civic, Accord, Odyssey) và lắp ráp trong nước 2 mẫu (City, CR-V) hồi năm 2017, tới nay, Honda chỉ còn lắp ráp duy nhất xe City. Các mẫu xe được nhập khẩu giờ có thêm CR-V, Honda Jazz, HRV và mới đây là Brio.
Nissan Việt Nam dù có nhà máy tại Đà Nẵng, nhưng mới đây cũng đã nhập khẩu xe Terra, bên cạnh hai mẫu xe đang được lắp ráp tại Việt Nam là X-Trail và Sunny.
Còn tại Ford Việt Nam, năm 2017, tỷ trọng xe nhập là 14%, xe lắp ráp chiếm tới 86% doanh số. Nhưng đến hết tháng 4/2019, lượng xe nhập khẩu đã chiếm tới 52%. Suzuki với doanh số khiêm tốn nhất thị trường, giờ đây đã nhập khẩu cả 5 mẫu xe là Celerio, Ciaz, Vitara, Ertiga và Swiff.
Trong khi đó, với việc bỏ kiểm tra theo lô, rào cản sẽ không còn, xe nhập giá rẻ sẽ tràn vào, báo hiệu thời kỳ khó khăn của xe trong nước và ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công Ty Tc Motor cho rằng, chính sách với ngành ô tô thay đổi liên tục đang làm khó các doanh nghiệp. Đơn cử, Nghị định số 116/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ đầu 2018, nhưng mới thực hiện chưa được 2 năm lại thay đổi.
“Ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, khi nhập khẩu một số linh kiện như gương, kính, đèn... đều phải mang đi kiểm tra chất lượng theo lô. Trong khi xe nhập giờ đây chỉ kiểm tra mỗi kiểu loại lần đầu và chấp nhận kết quả với các lô sau. Điều này tạo ra sự bất công bằng với xe sản xuất, lắp ráp trong nước”, ông Đức nói.
Về vấn đề này, chính CEO của Toyota Việt Nam cũng cho rằng, nếu không có những biện pháp hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước, thì tỷ trọng xe sản xuất trong nước sẽ có chiều hướng giảm”.