Hiểu đúng về quy định xe gắn máy không được đi quá 40 km/h
Thông tin Thông tư 31/2019/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 15/10 đã gây hoang mang trong dư luận về quy định xe gắn máy không được chạy quá 40km/h.
Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT thay thế Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ. Thông tư mới có hiệu lực từ ngày 15/10 và nhận được sự quan tâm của người dân. Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều người đang hiểu sai về một số nội dung này.
Tại Điều 8 Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT có nêu rõ tốc độ tối đa cho phép đối với xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự trên đường bộ (trừ đường cao tốc), khi tham gia giao thông thì tốc độ tối đa được xác định theo báo hiệu đường bộ và không quá 40 km/h.
Thực chất, các quy định này đã có trong Thông tư 91/2015/TT-BGTVT và được kế thừa tại Thông tư mới nhất. Như vậy, việc xe gắn máy bị giới hạn tốc độ ở 40 km/h đã được áp dụng từ ngày 1/3/2016 chứ không phải đến ngày 15/10 như đa số người lầm tưởng.
Xe môtô và xe gắn máy khác nhau thế nào?
Tại khoản 3.39 và 3.40 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN - 41:2016/BGTVT được ban hành kèm theo Thông tư 06/2016/TT-BGTVT quy định về xe môtô và xe gắn máy.
Theo đó, xe môtô là xe cơ giới hai hoặc ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, di chuyển bằng động cơ có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên, trọng lượng không quá 400kg đối với môtô hai bánh hoặc sức chở từ 350kg đến 500kg đối với môtô 3 bánh. Định nghĩa này không bao gồm xe gắn máy.
Xe gắn máy là phương tiện chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h. Nếu động cơ dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không được lớn hơn 50 cm3.