Thị trường ô tô Việt: VinFast gia nhập nhóm 'Tứ hùng'?
Ngoài 3 ông lớn quen thuộc là THACO, Toyota và TC MOTOR, VinFast đang nổi lên như một thế lực mới trên thị trường ô tô Việt Nam. Thiệu thị trường ô tô Việt đã qua thời 'tam quốc diễn nghĩa'?
THACO, TOYOTA, Tc Motor - "Tam quốc diễn nghĩa"
Đã đi quá nửa năm 2019, thị trường ô tô Việt Nam liên tiếp ghi nhận nhiều sự biến động rất đáng chú ý. Theo Hiệp hội các nhà Sản Xuất ô tô Việt Nam (VAMA), sau 7 tháng đầu năm 2019 các thành viên của hiệp hội bán ra tổng cộng 171.640 xe ô tô Nguyên Chiếc các loại. Đáng chú ý, Doanh Số này tăng mạnh tới 20% so với con số 143.324 xe của Cùng Kỳ năm 2018.
Dẫn đầu về Doanh Số Bán Hàng vẫn là tập đoàn THACO - Trường Hải với tổng 53.657 xe được bán ra. THACO cũng dẫn đầu với 31,3 thị phần của VAMA. Tuy có doanh số dẫn đầu nhưng THACO lại đang có doanh số sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2018. Ở thời điểm này năm trước, THACO bán ra tới 57.906 xe và chiếm tới 40,4% thị phần của VAMA.
Mazda hiện vẫn là nhãn hiệu độc lập có doanh số tốt nhất của THACO với 20.160 xe được bán ra. Mazda hiện cũng đang có tỷ lệ Tăng Trưởng khoảng hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đứng sau Mazda là thương hiệu Hàn Quốc - KIA với 16.496 xe bán ra sau 7 tháng đầu năm 2019.
Đứng sau THACO vẫn là cái tên quen thuộc Toyota Việt Nam (TMV) khi liên doanh này bán ra tới 44.405 xe trong 7 tháng đầu 2019. Đáng chú ý, sau 7 tháng đầu năm doanh số của TMV tăng manh tới 28% so với cùng kỳ. Nhiều Mẫu Xe của Toyota liên tiếp gặt hái thành công trong những tháng vừa qua của năm 2019. Chỉ riêng mẫu sedan Vios đã bán ra tới gần 15.000 xe, Vios cũng đang là mẫu xe bán chạy nhất trên thị trường kể từ đầu năm. Những mẫu xe như Fortuner, Innova hay Camry vẫn liên tục duy trì được vị thế của mình trong phân khúc.
Nửa đầu 2019 cũng là quãng thời gian TMV liên tiếp điều chỉnh các chính sách sản phẩm cũng như bán hàng của mình. Điều chỉnh đáng chú ý nhất là việc chuyển từ Nhập Khẩu (CBU) về Lắp Ráp Trong Nước (CKD) đối với mẫu SUV 7 chỗ ăn khách nhất Fortuner. Tuy nhiên, sau khi chuyển sang CKD giá bán của Fortuner tăng đôi chút khiến làm giảm sút sức cạnh tranh của mẫu SUV này.
Bán ít hơn TMV đôi chút là TC MOTOR với 42.424 xe, kém Toyota gần 2.000 xe. Hai mẫu xe chủ lực của TC MOTOR vẫn là Hyundai Grand i10 và Accent, chiếm gần 50% tổng số xe bán ra của thương hiệu này.
Đây cũng là những con số đặc biệt ấn tượng của TC MOTOR trong 7 tháng đầu của năm 2019. Tổng doanh số của thương hiệu Hyundai năm 2018 tại thị trường Việt Nam là hơn 63.000 xe. Như vậy, sau 7 tháng đầu TC MOTOR đã bán ra gần 70% lượng xe của năm 2018. Mức tăng trưởng của các mẫu xe Hyundai cũng tương đương với mức tăng trưởng của VAMA.
Vinfast tạo thế "Tứ Hùng"?
Đứng sau 3 ông lớn kể trên về doanh số lần lượt các thương hiệu lớn như Honda (19.259 xe), Ford (18.246 xe), Mitsubishi (14.282 xe)....
Tuy nhiên, nhận được sự chú ý nhiều nhất của người tiêu dùng lại là "thương hiệu ô tô Việt" - VinFast. Với bộ ba sản phẩm rất đáng chú ý là Fadil, Lux A2.0 và Lux SA2.0, VinFast đang vươn lên là đối thủ cạnh tranh với nhiều ông lớn trên thị trường.
Tuy doanh số chưa được VinFast chính thức công bố nhưng những đợt giao xe cho khách hàng cũng như những cảm nhận đầu tiên về mẫu xe này đều được đánh giá tích cực. Các giải pháp mới đây giúp thúc đẩy phân phối như kết hợp với FastGo phần nào sẽ giúp đẩy mạnh doanh số các mẫu xe hơi VinFast trong nửa cuối năm 2019.
Theo ông Đỗ Hữu Hào, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương-Chủ tịch Hội kỹ sư ô tô Việt Nam cho biết: "Hiện nay cả nước Việt Nam có khoảng 3 triệu xe ô tô tương đương với chỉ có trên 20 xe/1 nghìn người dân, tỉ lệ rất nhỏ. Đối với thị trường 90 triệu dân thì còn nhiều cơ hội lớn về thị trường cho các hãng xe hơi cũng như ngành công nghiệp ô tô phát triển".
Đồng quan điểm với ông Hào, chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng chia sẻ thêm: "Dân số Việt Nam khá lớn và người trẻ chiếm đa số cùng thu nhập đang tăng, nhưng tỷ lệ người sở hữu ô tô còn rất thấp. Hiện thị trường xe hơi trong nước mới ở giai đoạn đầu phát triển và được dự báo sẽ bùng nổ trong những năm tới. Theo tôi, tiềm năng thị trường ô tô trong nước còn rất lớn để có thể đầu tư phát triển, quan trọng là chúng ta cần có hướng đi phù hợp".
Còn theo ông Nguyễn Hoàng, một người có nhiều năm tham gia kinh doanh ô tô đáng giá: "Cá nhân tôi thì nghĩ nền công nghiệp ô tô Việt Nam muốn phát triển cần có một thị trường đủ lớn. Nếu lượng xe Tiêu Thụ đủ lớn sẽ thuyết phục được các nhà đầu tư rót vốn xây dựng nhà máy sản xuất cũng như công nghiệp phụ trợ kèm theo. Nếu thị trường nhỏ như Việt Nam hiện nay rất khó để những ông lớn đổ tiền vì gần như không thể hồi vốn chứ chưa nói đến kinh doanh có lãi".
Theo những đánh giá mới của Bộ Công thương, tốc độ tăng trưởng trung bình xe sản xuất lắp ráp trong nước giai đoạn 2015-2018 đạt 10%. Năm 2015, sản lượng sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước đạt trên 200 nghìn xe/năm, tốc độ tăng so với 2014 đạt 51%. Năm 2016, sản lượng tiếp tục tăng mạnh, đạt trên 283,3 nghìn xe/năm, tăng 38% so với năm 2015. Năm 2017, sản lượng sản xuất, lắp ráp đạt 258,7 ngàn xe, giảm 9% so với năm 2016; năm 2018 đạt 250 ngàn xe, giảm khoảng 3% so với năm 2017.
Nếu theo những tính toán mới đây của các cơ quan quản lý, để thị trường ô tô Việt Nam tiêu thụ lượng xe gần 2 triệu chiếc sẽ phải mất tới hơn 10 năm. Cũng theo những tính toán của các chuyên gia trong ngành, thị trường phải đạt trên dưới 2 triệu xe/năm mới có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ngoại.
Hiện tại, Quốc hội, Chính phủ thông qua và ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi cho ngành SX, LR ô tô tại các pháp luật về đầu tư, thuế (xuất nhập khẩu, thu nhập doanh nghiệp, tiêu thụ đặc biệt), tín dụng, tiền thuê đất... nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phát triển.
Đây là những tín hiệu tích cực để các doanh nghiệp ô tô như THACO, TC MOTOR và VinFast có thể tin tưởng vào việc đầu tư mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.