Xe nội, xe ngoại xếp hàng chờ khách
Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, thị trường ô tô Việt Nam đang ở giai đoạn cạnh tranh chưa từng có từ trước tới nay. Hiện nguồn cung rất dồi dào khi cả xe nội, xe ngoại đều đồng loạt ra mắt, giới thiệu nhiều phiên bản mới với giá rất… dễ chịu.
Nhiều lựa chọn ô tô cho khách hàng dịp cuối năm
Nguồn cung dồi dào
Liên tục trong các tháng qua, số lượng ô tô Nhập Khẩu vào Việt Nam đã tăng gấp 5-6 lần so với trước đó. Đáng kể nhất là Xe Nhập từ các nước ASEAN. Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, lượng xe nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia đạt 66.000 chiếc, trong đó xe Thái Lan đạt trên 46.000 chiếc. So với cùng kỳ từ 2015 - 2017, lượng xe nhập từ Thái Lan tăng từ 27.000 - 35.000 chiếc.
Dòng xe Indonesia tăng khoảng 10.000 - 20.000 chiếc. Nguyên nhân lớn nhất của đột biến này là tác động của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Theo đó, thuế xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước thuộc khu vực ASEAN sẽ giảm từ 30% về 0% với xe có tỷ lệ nội địa hóa trong khối từ 40% trở lên.
Ngoài 2 thị trường này, Việt Nam còn nhập khẩu ô tô từ Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản… Cuối tháng 6-2019, Chính phủ liên bang Nga đã đề xuất cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu xe nguyên chiếc vào Việt Nam ngay trong năm 2019. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp ô tô nước ngoài đang tìm mọi cách để xuất ô tô vào thị trường đầy tiềm năng như Việt Nam.
Đáng kể nhất trong các thương hiệu nổi tiếng tràn vào thị trường Việt Nam thời gian qua là Toyota và Honda. Vốn đã quen thuộc với thị trường Việt Nam, Toyota không đứng ngoài cuộc chạy đua nhập xe hưởng thuế 0%. Nếu như năm 2017, xe nhập khẩu của hãng này chỉ chiếm 26% doanh số thì đến đầu năm 2018, tỷ lệ xe nhập của Toyota đã chiếm tới 36%.
Những mẫu xe nhập khẩu mới nhất của hãng này là Wigo, Avanza và Rush. Tương tự, Honda Việt Nam năm 2017 chỉ nhập 13% trên tổng doanh số, nhưng đến hết tháng 4-2018 con số này đã tăng đột biến lên 70%. Ngoài ra, các hãng xe như Nissan, Ford, Suzuki đều tăng nhập khẩu xe so với trước đây.
Trong khi xe nhập khẩu tăng mạnh thì xe sản xuất trong nước cũng có nhiều khởi sắc với 3 trụ cột chính là Hyundai Thành Công, Trường Hải và VinFast. Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, trong 8 tháng qua sản lượng sản xuất ô tô trong nước ước đạt 215,6 nghìn chiếc, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2018. Theo các chuyên gia, việc VinFast ra mắt những chiếc xe đầu tiên sau chưa đến 2 năm bắt tay vào thực hiện đã cho thấy những kỳ vọng mới trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam.
VinFast Fadil được sản xuất dựa trên nền tảng của mẫu Chevrolet, phân khúc xe đô thị hạng A, cạnh tranh với các đối thủ như KIA Morning, Hyundai Grand i10, Toyota Wigo và Honda Brio. So với các đối thủ, VinFast Fadil có lợi thế “sân nhà”, sản phẩm mang thương hiệu Việt nên dễ lấy được lòng người tiêu dùng. Không lâu sau khi VinFast Fadil ra thị trường, hãng xe Việt này lại tiếp tục giới thiệu các mẫu xe mới cao cấp hơn, cạnh tranh trực tiếp với xe nhập khẩu ở cùng phân khúc.
Những chiếc xe VinFast đầu tiên được người dùng đánh giá có chất lượng tốt, tiện nghi không kém xe nhập khẩu. Hiện tại, các hãng xe đang dồn lực để đón đợt mua sắm cuối năm, mà trước mắt là phục vụ cho kỳ triển lãm Vietnam Motor Show diễn ra vào tháng 10 tới. Trong đó, VinFast đã hoàn tất quá trình đầu tư và cho ra những sản phẩm đầu tiên. Trường Hải và Thành Công ngày một củng cố vị trí dẫn đầu với hàng loạt sản phẩm mới lắp ráp trong nước khá phong phú, mức giá ngày một cạnh tranh.
Khách hàng được lợi
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, do nguồn cung xe ô tô thời điểm hiện tại rất dồi dào nên giá đã giảm ở hầu hết các phân khúc. Theo quy luật, từ tháng 5-2019, các hãng xe đã bắt đầu giảm giá, khuyến mại một số mẫu để khách hàng “mua xe đón hè”. Thị trường đặc biệt giảm sâu khi bước vào tháng 7 Âm lịch do tâm lý không thích mua sắm trong tháng ngâu. Cụ thể, ngày đầu tiên của tháng 7, một loạt mẫu xe như Toyota Vios, Nissan Xtrail, Honda CR-V... đã được các đại lý giảm giá mạnh đến bất ngờ. Theo đó, mẫu xe chủ lực của Toyota là Vios giảm đến 40 triệu đồng/chiếc, kéo giá bán của xe xuống chỉ còn từ 480 triệu đồng đến dưới 600 triệu đồng/chiếc.
Cụ thể, bản Taxi - Limo có mức giá thấp nhất 480 triệu đồng/chiếc. Bản cơ sở có giá 490 triệu đồng, được giảm 41 triệu đồng so với mức giá niêm yết trước đây. Phiên bản số tự động (CVT) có mức giá mới 540 triệu đồng, giảm 29 triệu so với mức giá tháng 6-2019. Phiên bản cao cấp nhất của Vios cũng giảm từ 606 triệu đồng/chiếc xuống 570 đồng/chiếc.
Tương tự, với mẫu xe Toyota Corolla Altis, khách mua trong tháng 7 và tháng 8-2019 sẽ được hỗ trợ phí trước bạ lên tới 40 triệu đồng/chiếc. Các chuyên gia về ô tô cho rằng, với mức ưu đãi như trên, Toyota Corolla Altis đang dần thu hẹp khoảng cách giá với các mẫu xe đối thủ như Mazda3 hay Kia Cerato cùng phân khúc.
Không nằm ngoài cuộc đua giảm giá để kích cầu trong tháng 7 vừa qua, Nissan cũng giảm giá đến 150 triệu đồng/chiếc đối với mẫu X-Trail bản cao cấp nhất (2.5 SV Luxury) đời 2018 nhằm thanh lý hàng tồn kho. Như vậy, giá sau khi giảm của Nissan X-Trail 2.5 SV Luxury là 875 triệu đồng/chiếc. Trên thực tế, từ tháng 5-2019, hãng xe này đã giảm sâu đến 100 triệu đồng/chiếc đối với Nissan Terra. Ngoài ra, Honda CR-V, Chevrolet Trailblazer giảm 100 triệu đồng, Mazda CX-5 giảm từ 50 triệu, Ford Everest giảm đến 130 cho bản 2018, Honda Jazz giảm 100 triệu đồng... trong những tháng qua.
Anh Nguyễn Nhật Minh (nhân viên kinh doanh của đại lý ô tô trên đường Phạm Hùng) cho biết: “Nếu khách hàng không quá kiêng kỵ thì lựa chọn mua xe trong tháng 7 và tháng 8 sẽ tiết kiệm được khá nhiều tiền. Các loại xe vẫn đạt tiêu chuẩn như nhau, còn vận hành gặp vấn đề gì không thì do người sử dụng nữa”.
Theo một chuyên gia về thị trường, chưa bao giờ thị trường xe ô tô Việt Nam cạnh tranh khốc liệt như bây giờ. Bởi lẽ, cũng chưa từng có một doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất ô tô nào của Việt Nam có tốc độ, quy mô sản xuất “đáng gờm” đối với cả doanh nghiệp nước ngoài như VinFast. Do đó, người tiêu dùng Việt hiện tại không chỉ thấy cuộc đua “giảm giá” xe như thường lệ, mà họ còn có thêm rất nhiều lựa chọn, từ mẫu mã đến chất lượng, thương hiệu. “Dự báo cuối năm, giá xe có thể tăng lên so với hiện tại do nhu cầu của thị trường, nhưng các hãng xem cũng phải “nhìn mặt” đối thủ trước khi quyết định mức tăng giá. Người tiêu dùng sẽ có lợi khi nguồn cung xe luôn dồi dào như bây giờ” - vị chuyên gia nói.
Theo một chuyên gia về thị trường, chưa bao giờ thị trường xe ô tô Việt Nam cạnh tranh khốc liệt như bây giờ. Bởi lẽ, cũng chưa từng có một doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất ô tô nào của Việt Nam có tốc độ, quy mô sản xuất “đáng gờm” đối với cả doanh nghiệp nước ngoài như VinFast. Do đó, người tiêu dùng Việt hiện tại không chỉ thấy cuộc đua “giảm giá” xe như thường lệ, mà họ còn có thêm rất nhiều lựa chọn, từ mẫu mã đến chất lượng, thương hiệu. |
Hà Linh (ANTĐ)