TOP 10 mẫu xe "ế ẩm" nhất tháng 8/2019 tại Việt Nam
Trong bảng xếp hạng lần này, những cái tên "đội sổ" đa phần là các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài. Bên cạnh đó, cũng có những mẫu xe được coi là có thâm niên trong lịch sử "ế ẩm" tại thị trường Việt Nam.
1. "Thủ khoa" Toyota Alphard- 04 xe.
Ảnh minh hoạ: Toyota Alphard 2019
Việc mẫu MPV hạng sang Nhật Bản - Toyota Alphard nắm giữ ngôi vị cao nhất trong bảng xếp hạng tháng này được xem là không có gì đáng ngạc nhiên bởi Alphard vốn là... "khách quen" trong bản danh sách TOP 10 xe bán chậm nhất tại thị trường Việt Nam nhiều tháng liên tiếp.
Đánh giá xe Toyota Alphard 2016
Nguyên nhân khiến mẫu MPV to lớn Alphard thường xuyên rơi vào tình trạng "ế ẩm" đến từ nhiều khía cạnh. Đầu tiên là vấn đề giá bán, với mức giá trên 4 tỷ VNĐ cộng với thiết kế hầm hố, khá đặc biệt, chắc chắn Alphard không phải mẫu xe dành cho đại đa số người tiêu dùng có thể tiếp cận. Tiếp tới, Alphard là một mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc, do đó mức thuế mà xe phải chịu cũng không hề nhẹ nhàng. Ngoài ra, cũng bởi yếu tố là xe nhập khẩu nên thời gian mà khách hàng phải chờ để nhận xe cũng ít nhiều bị kéo dài. Với nhiều nguyên nhân cộng dồn như vậy, khiến Toyota Alphard - mẫu MPV sang trọng Nhật Bản khó lòng "thoát ế" tại Dải đất hình chữ S.
2. Ford Focus- 10 xe.
Với chỉ 10 xe bán ra trong tháng 8/2019, Ford Focus đã có màn "thăng hạng" thành công so với tháng trước đó (Đứng thứ 3 trong TOP 10 xe bán chậm nhất tháng 7/2019 với 31 xe bán ra).
Nguyên nhân khiến Focus, một mẫu hatchback/sedan hạng C từng rất được ưa thích tại thị trường Việt Nam rơi vào cảnh "ế ẩm" như hiện nay, mặc dù đã được giảm giá khá nhiều trong thời gian qua nhưng vẫn không mấy tác dụng được cho là bởi sức ép quá lớn từ các đối thủ Nhật Bản và Hàn Quốc, cụ thể là những cái tên đang làm mưa làm gió trong phân khúc C như Mazda3, Hyundai Elantra hay Kia Cerato...
Hiện tại, Ford Việt Nam đang bán Focus với mức giá niêm yết từ 626 - 770 triệu VNĐ cho 4 phiên bản khác nhau.
3. "Người quen" Isuzu D-Max - 22 xe.
Việc Isuzu D-Max nắm giữ vị trí số 3 trong danh sách TOP 10 xe bán chậm nhất tháng 8/2019 được đánh giá là điều không hề lạ lẫm bởi thực chất, Isuzu D-Max không những chỉ là "khách quen" mà còn thường xuyên nắm giữ các vị trí "tốp đầu" của của bản danh sách đáng buồn này.
Nguyên nhân dẫn tới việc mẫu bán tải Nhật Bản Isuzu D-Max luôn có doanh số rất thấp được cho là bởi điểm yếu về thương hiệu của Isuzu tại thị trường Việt Nam. Tiếp đến, lý do quan trọng phải kể tới là về phần thiết kế. Không thể phủ nhận một điều rằng khi so sánh với các đối thủ trong phân khúc xe bán tải như Ford Ranger, Mitsubishi Triton... Isuzu D-Max thực sự không sở hữu ngoại hình và các trang bị bắt mắt bằng. Lối thiết kế thực dụng đến bảo thủ của người Nhật bị áp dụng quá nặng nề lên mẫu xe này khiến nó khó lòng chiếm được thiện cảm từ người tiêu dùng Việt Nam.
4. Isuzu mu-X - 29 xe.
Tương tự như "người anh em" D-Max, mẫu SUV Nhật Bản Isuzu mu-X cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi liên tục xuất hiện trong bản danh sách những mẫu xe bán chậm nhất tháng nhiều tháng liền và cũng thường xuyên "cầm top".
Và cũng giống như Isuzu D-Max, nguyên nhân dẫn tới việc "ế kinh niên" của mu-X vẫn đến từ những lý do cố hữu như vấn đề thương hiệu, về thiết kế và tính cạnh tranh trước các đối thủ trong phân khúc.
5. Toyota Land Cruiser- 31 xe.
Tuy đứng thứ 5 trong bảng danh sách những mẫu xe bán chậm nhất tháng 8/2019 nhưng cũng phải dành một lời khen cho mẫu SUV Full-size Nhật Bản này khi đã có sự cải thiện thứ hạng thành công so với các tháng trước đó. Tại thị trường Việt Nam, Toyota Land Cruiser là một thương hiệu SUV rất mạnh và tên tuổi của dòng xe này đã in đậm trong tâm trí không ít người tiêu dùng. Với lợi thế về khả năng vận hành bền bỉ, tiết kiệm và không gian nội thất rộng rãi, Land Cruiser vẫn thường được ưu tiên để sử dụng trong các hoạt động chở VIP hay doanh nghiệp.
Dù nổi tiếng như vậy nhưng nguyên nhân chính khiến Toyota Land Cruiser vẫn thường nằm trong danh sách "ế ẩm" tại thị trường Việt Nam được lý giải bởi vấn đề giá bán còn cao do là xe nhập khẩu nguyên chiếc. Tuy sở hữu cho mình một lượng "fan" trung thành nhất định nhưng với sự lười thay đổi là bản chất vốn có, cùng mức giá bán lẻ trên 3,9 tỷ VNĐ, thực sự Toyota Land Cruiser sẽ khó lòng cạnh tranh với các đối thủ trong cùng tầm giá đang ngày một lớn mạnh đến từ châu Âu.
6. Toyota Prado- Phong độ sụt giảm với 34 xe.
So với các tháng liền trước, doanh số bán ra của mẫu SUV Prado đang cho thấy sự sụt giảm rất nghiêm trọng. Đỉnh điểm, khi so với tháng 5/2019, Toyota bán ra tổng cộng 327 xe Prado trên toàn quốc. Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau, con số này giảm còn 34 xe. Bên cạnh đó, Prado cũng là mẫu xe thường rất ít xuất hiện trong các bản danh sách "ế ẩm" hàng tháng do phong độ ổn định. Chính vì vậy, việc chỉ bán ra 34 xe trong tháng 8 vừa qua thực sự rất đáng báo động đối với Toyota Prado.
7. Honda Jazz- 46 xe.
Sau hai tháng liên tiếp xuất hiện trong bảng danh sách những mẫu xe bán chậm nhất tháng (tháng 7 và 8), Honda Jazz đã chứng kiến sự tăng trưởng nhẹ trong tháng 8 vừa qua với doanh số đạt 46 xe, cao hơn 11 xe so với cùng kỳ tháng trước.
Tuy mức năng còn khá nhẹ và không mấy rõ rệt nhưng dù sao đó cũng là cú "lội ngược dòng" thành công của mẫu hatchback Nhật Bản trong tháng ngâu vừa qua.
8. Toyota Avanza- "Chàng tân binh lạ mà quen" với 47 xe.
Sở dĩ nói Toyota Avanza là cái tên lạ mà quen là bởi mẫu Urban-MPV này mới chỉ ra mắt thị trường Việt Nam khoảng nửa năm nhưng đã liên tục xuất hiện trong bản danh sách những mẫu xe bán chậm nhất tháng. So với những tháng trước đó, doanh số tháng 8/2019 của Avanza không có sự tăng trưởng nào đáng kể và được xem là đang "dậm chân tại chỗ".
Nguyên nhân dẫn tới sự "ế ẩm" của Avanza được đánh giá là bởi mẫu xe này đang chịu sức ép rất lớn từ đối thủ truyền kiếp Mitsubishi Xpander. Tuy có cùng xuất phát điểm là xe nhập khẩu từ Indonesia và giá bán cả 2 mẫu xe đều không quá chênh lệch nhưng điểm yếu "chết người" của Avanza đang được nhìn nhận là từ khâu thiết kế nội ngoại thất quá bảo thủ so với đối thủ đồng hương Xpander.
9. Mitsubishi Mirage- 49 xe.
Trái ngược với người anh em Xpander vốn đang "làm mưa làm gió" trong phân khúc của mình, Mirage lại không có may mắn như vậy. Doanh số các tháng gần đây của mẫu xe cỡ nhỏ đến từ Nhật Bản này thường khá đều nhau và loanh quanh ở mức dưới 70 xe/tháng. Điều đó đã đẩy Mirage trở thành "vị khách quen bất đắc dĩ" của bảng xếp hạng những mẫu xe bán chậm nhất nhiều tháng liền.
10. Ford Explorer - 57 xe.
Hai tháng liên tiếp, mẫu SUV đầu bảng của Ford tại thị trường Việt Nam - Explorer rơi vào bảng xếp hạng những mẫu xe bán chậm nhất tháng. Trùng hợp thay, so với tháng trước, Ford Explorer vẫn giữ nguyên "phong độ" khi trụ hạng thành công ở vị trí số 10 với 57 xe bán ra, thấp hơn 8 xe so với tháng 7/2019.
Hoàng Vũ (Tuoitrethudo)
Ảnh: wallpapersdsc.net; wallpapercave; wall.alphacoders; hdcarwallpapers