Sự trỗi dậy và sụp đổ của Duesenberg - Nhà sản xuất xe đua sang nhất lịch sử Mỹ
Kể cả nếu tên tuổi của họ có bị che khuất bởi Ford và Chevrolet, Duesenberg vẫn có thể yên nghỉ trong lịch sử khi biết rằng không ai sẽ có thể tạo ra đẳng cấp tốc độ và sự sang trọng như thế nữa.
Văn hóa xe thời kỳ tiền Suy Thoái ở Mỹ là một thứ thật sự phi thường và đáng để ngưỡng mộ. Các công ty ô tô đã nổi lên ở khắp mọi nơi, và những trí óc sáng tạo đã có thể hiện thực hóa giấc mơ và ý tưởng của họ bằng cách chế tạo ra những chiếc xe tiêu dùng của riêng mình. Các đế chế toàn cầu dường như có thể bùng nổ qua một đêm để rồi sau đó lại sụp đổ thành đống gạch vỡ trong vài một thập kỷ sau đó.
Một trong những nhà sản xuất đó là Duesenberg. Sau khi cân nhắc một số mẫu Xe Mỹ vĩ đại nhất trong lịch sử, hai anh em August và Frederick Duesenberg đã có một giấc mơ. Tại thành phố Saint Paul, bang Minnesota năm 1913, hai người đã bắt tay chế tạo những động cơ và xe đua mà sẽ biến họ trở thành một hiện tượng toàn cầu và phổ biến hóa câu nói “it’s a doozy”. Tất cả là bởi họ quyết định tìm hiểu chuyện gì có thể xảy ra nếu họ đưa một chút xăng vào những chiếc xe đạp mà họ đang làm.
Duesenberg là nhà sản xuất ô tô đã chế tạo ra những tuyệt tác máy móc như thế này
Hai anh em Duesenberg vốn chỉ là những người thợ hàn không có học hành chính thống, nhưng có lẽ vì thế mà họ đã nảy ra các ý tưởng thật khác lạ không có trong sách vở. Những chiếc xe của họ đều được làm thủ công, đẹp mắt, và không giống bất cứ gì ngành công nghiệp ô tô đã thấy trước đó.
Nhưng lúc này, họ vẫn chưa toàn tâm toàn ý cho ngành ô tô. Anh em Duesenberg đã thành lập văn phòng công ty ở Des Moines, Iowa với một cửa hàng thứ hai ở Elizabeth, New Jersey. Họ chủ yếu là sản xuất động cơ, từ ô tô cho tới máy bay và tàu thủy. Đó dường như là cách thức hiệu quả nhất để bắt đầu một công ty và kiếm tiền. Suy cho cùng, ô tô thời điểm đó vẫn chỉ là một thị trường nhỏ lẻ so sánh với ngày nay.
Nhưng vào năm 1920, mọi thứ đã thay đổi. Sự lôi cuốn của việc chế tạo một chiếc xe sang cho những người mua giàu có đột nhiên trở thành một khía cạnh đáng chú ý. Anh em Duesenberg đã bán những tài sản chuyên dụng trong động cơ hàng thủy và hàng không của họ và dùng số tiền đó để mua một cửa hàng gần đường đua Indianapolis Motor Speedway. Mặc dù họ vẫn chưa đặt trọng tâm vào chế tạo một mẫu xe đua, nhưng vận mệnh đã gọi tên.
Eddie Rickenbacker, một tay đua và phi công chiến đấu Thế Chiến I, đã lái một chiếc Duesenberg lọt vào top 10 ở Indianapolis Motor Speedway. Một chiếc Duesenberg đã lập kỷ lục trên cạn với tốc độ 251 km/h ở Daytona trong năm 1920. Jimmy đã trở thành người Mỹ đầu tiên chiến thắng giải Grand Prix Pháp khi lái một chiếc Duesenberg trong năm 1921.
Duesenberg Model A
Thậm chí chính Frederick Duesenberg đã lái mẫu Model A Touring Car trên những vòng đua tốc độ của giải Indianapolis 500 năm đó. Thật dễ để hiểu Duesenberg đã bắt đầu thu hút ánh mắt của thế giới đua xe như thế nào.
Model A là mẫu xe đầu tiên thời hậu Thế Chiến I đã được đưa vào sản xuất bởi Duesenberg. Nó lẽ ra là được trở thành một mẫu xe du lịch hạng sang với những tính năng như trục cam kép trên nắp máy, đầu ống xi-lanh 4 van, và bộ phanh thủy lực đầu tiên. Nó sẽ có trọng lượng nhẹ, kích thước nhỏ, và cực nhanh.
Nhưng cho dù các tính năng trên có hấp dẫn là thế, đưa tất cả chúng vào một mẫu xe là một bước đi kinh doanh tệ hại. Model A đã trở nên quá đắt để bán, và anh em nhà Duesenberg lại không có kỹ năng marketing để tìm các khách hàng sẽ sẵn sàng chi ra một khoản tiền lớn. Có một số người nổi tiếng đã mua Model A, một số tay đua thi đấu bằng nó, nhưng thế là không đủ.
Tuy nhiên, những cuộc đua thắng đã mang tới một sức ảnh hưởng tốt. Sau khi Duesenberg bị phá sản trong năm 1922, ông Errett Lobban Cord, chủ sở hữu Cord Automobile, đã nhìn thấy tiềm năng của những cỗ máy đẹp đẽ đó, và mua lấy công ty trong năm 1925. Và chỉ như thế, với dòng tiền mặt mới và một số kinh nghiệm marketing, August và Frederick Duesenberg đã được trao cơ hội thứ hai.
Ông Cord có trong đầu một kế hoạch rất đơn giản. Ông ấy muốn Duesenberg chế tạo nên một mẫu ô tô sang trọng nhất, tốt nhất, nhanh nhất mà thế giới từng được chứng kiến.
Duesenberg Model J
Vì thế, Model J đã được ra đời. Đây là chiếc xe đã đặt cái tên Duesenberg lên bản đồ thế giới ô tô và củng cố họ trong vai trò một nhãn hiệu mà mọi người muốn mua. Giờ đây, người ta có nói trong thế giới của những nhà sưu tập xe rằng: “Bạn không bao giờ có thể trả quá nhiều cho một mẫu Duesenberg, chỉ quá sớm mà thôi”.
Ra mắt tháng 12 năm 1928, Duesenberg Model J có trang bị động cơ trục cam kép I8, dung tích 7.0 lít bằng nhôm to lớn mà có thể khiến người khác phải trợn tròn mắt kinh ngạc. Không có phần nào của chiếc xe dài hơn 6 m là không giống như đã được tạo ra bởi danh họa Michelangelo.
Thân vỏ xe là sự kết thành của những đường cong vô cùng quyến rũ khiến bạn nhìn mải miết, và dưới nắp capô là một động cơ không giống bất kỳ thứ gì của thời đại này. Nó được sơn màu xanh lục Duesenberg, hoàn thiện với chi tiết bằng nhôm bóng loáng khiến bạn chỉ sờ tay vào ngay lập tức.
Model J không chỉ đẹp mắt, mà còn là một “quái vật” tốc độ ở thời điểm đó nữa. Với công suất 250 mã lực, cỗ máy nặng hơn 1,8 tấn này có thể chạy ở tốc độ 186 km/h. Ở cuối thập niên 1920’, con số đó đồng nghĩa rằng nó có thể vượt mặt bất kỳ mẫu xe sang nào khác trên thị trường. Và sau vài chiếc thắng của Duesenberg ở giải Indianapolis 500 trong 1924, 1925, và 1927, dường như chắc chắn rằng mẫu xe mới hơn, nhanh hơn này sẽ là thứ “hot” nhất trên thị trường.
Ở những năm tháng sau đó, công ty Duesenberg đã tồn tại được gần hết thời kỳ Đại Suy Thoái, bất kể các mẫu xe của họ có giá đắt như thế. Frederick Duesenberg đã thậm chí có thể giới thiệu Model SJ trong năm 1932, một phiên bản siêu nạp của J mà có thể sản sinh khoảng 320-400 mã lực, tùy thuộc vào cách bạn cấu hình xe.
Duesenberg Model SJ
Mẫu SJ cũng đẹp như J, nhưng một lần nữa nó lại đặt ra tiêu chuẩn mới cho khía cạnh hiệu suất. Chiếc xe mới đã được báo cáo là có thể đạt tốc độ 225 km/h một cách dễ dàng ở số 3. Nó còn có thể gia tốc từ 0-160 km/h trong vòng 17 giây. Con số này thật tầm thường so với những gì chúng ta thường nghe đến ngày nay, nhưng ở thời xưa, hầu hết xe ô tô còn chẳng thể gia tốc lên nổi 160 km/h dù bạn có cho chúng bao nhiêu thời gian đi nữa.
Ad Jenkins, một tay đua sức chịu đựng nổi tiếng thời đó, đã lấy một mẫu SJ trong kho với thân vỏ chất liệu nhẹ đến Bonneville Salt Flats để thử sức của cỗ máy này. Không những nó vượt qua được bài kiểm tra sức chịu đựng 24 giờ, mà Jenkins còn có thể khiến nó đạt tốc độ trung bình 218 km/h.
Ở bài kiểm tra chạy nước rút trong 1 giờ, ông ấy đã có thể vượt qua tốc độ 257 km/h trong phút chốc và đạt tốc độ trung bình là 244,7 km/h. Mẫu Duesenberg SJ đã được chứng minh là mẫu xe thương mại nhanh nhất từng tồn tại trong lịch sử tính tới thời điểm đó. Nó không hề có một đối thủ nào cả.
Nhưng nó không tồn tại lâu dài. Ông Frederick Duesenberg đã đâm một trong những đứa con tinh thần của mình xuống núi Ligonier và thiệt mạng. Em trai của ông, August lại có hứng thú với khía cạnh kinh doanh xe đua hơn là xe thương mại. Và với cuộc Đại Suy Thoái ảnh hưởng lên các nhà sản xuất ô tô, Duesenberg đã là một trong những nhãn hiệu trở thành nạn nhân của một nền kinh tế sụp đổ.
Duesenberg Model SSJ
Trong nỗ lực cứu vãn cuối cùng, Duesenberg đã tạo ra hai mẫu SSJ, Short Supercharged J, để bán cho hai ngôi sao Hollywood là Gary Cooper và Clark Gable. Nó sử dụng một khung gầm sắt-xi ngắn cỡ 125-inch và lắp đặt một thân vỏ kiểu roadster bằng chất liệu nhẹ. Nhưng thế là hết.
Ông Cord đã cố gắng cứu lấy đế chế Duesenberg. Ông ấy đã cố gắng cho sản xuất các phiên bản rẻ tiền hơn của xe Duesenberg, và toàn lực để duy trì kinh doanh, nhưng không gì có thể cứu lấy nhãn hiệu ô tô lừng danh. Trong giữa năm 1937, trang sử hào hùng của công ty Duesenber đã được gấp lại với những nỗ lực thất bại trong việc phục sinh nhãn hiệu trong thập niên 1960’ và 1970’. Không gì có thể so sánh được với nguyên bản.
Duesenberg không phải là một cái tên quen thuộc đối với những người không có một niềm đam mê say đắm cùng ngành ô tô thế giới. Nhưng sự ảnh hưởng lên thế giới của công ty là lớn đến độ câu nói “it’s a doozy (Deusy)” đã trở thành một câu tiếng lóng trong văn hóa xe Mỹ.
Thật khó để có thể tưởng tượng một công ty có thể sản xuất xe vừa lộng lẫy và lại vừa mạnh kinh người như Model J ngày nay. Nhưng kể cả nếu tên tuổi của họ có bị che khuất bởi Ford và Chevrolet, Duesenberg vẫn có thể yên nghỉ trong lịch sử khi biết rằng không ai sẽ có thể tạo ra đẳng cấp tốc độ và sự sang trọng như thế nữa.