Hồng Kông - Mảnh đất dữ cho những mẫu xe cũ bởi giá "nuôi" cực cao
Nói đi nói lại, người ta có thể rút ra một kết luận cơ bản rằng xe cũ thường không có đất sống ở Hồng Kông, bởi văn hóa và chi phí cao gắn liền với chuyện sở hữu xe, đặc biệt là xe đã qua sử dụng rồi.
NSX, Nissan Skyline, Evo, Silvia, Lotus, hay Porsche đều là những chiếc xe được nhiều người nâng niu và cố gắng gìn giữ tốt nhất qua từng năm tháng. Nhưng ở Hồng Kông, nơi một chỗ đỗ/gửi xe có thể có giá thuê nhất như một căn hộ ở những nơi khác trên thế giới, bạn có thể thấy chúng bị bỏ không bên vệ đường, trong thùng công ten nơ và chất đống ở bãi phế liệu.
Nếu có dịp đến thăm Hồng Kông, bạn sẽ không hiếm gặp các cảnh tượng thế này
Để hiểu tại sao có nhiều chiếc xe tuyệt vời như thế lại bị rơi vào tình cảnh chết dần chết mòn, phóng viên của trang Jalopnik đã liên hệ với một số cư dân địa phương thân thuộc với thị trường xe Hồng Kông. Thông qua lời kể chuyện của anh Victor Ma, một người sưu tập xe có tiếng, Brian Lam, một người mê xe, và nhóm nhiếp ảnh Black Cygnus Photography, người dân của đất Hương Cảng không có mấy tình yêu cho những chiếc Xe Cũ, ít phổ biến.
Một phần lí do là bởi văn hóa ưa chuộng những gì mới mẻ và coi xe là một biểu tượng địa vị, và một nguyên nhân khác có liên quan tới sự thực rằng những người có thể mua xe ở Hồng Kông cũng thường đủ giàu để sắm sửa một chiếc xe mới mỗi 2 – 3 năm. Đó là bởi chi phí “nuôi” một chiếc xe ở nơi này là đắt đến nực cười. Bên cạnh chuyện thuế cao hay nhiên liệu đắt, có lẽ điều quan trọng nhất là chi phí cho một chỗ đỗ xe ở mức trên trời, thậm chí lên tới 600.000 USD, như anh Victor Ma có chia sẻ “một chỗ gửi xe ở Hồng Kông có thể mua lấy một chiếc Ferrari ở Mỹ.”
Người ta có thể thấy bóng dáng của không ít mẫu xe cũ đáng giá đang bị mục nát ở một bãi phế thải ở Hồng Kông
Nhóm nhiếp ảnh Black Cygnus có chia sẻ thêm rằng: “Nhiều chỗ gửi xe đơn lẻ có thể tốn ngang ngửa số tiền thuê hàng tháng của một căn họ tại những thành phố khác trên thế giới.” Một điều nữa làm rào cản cho thú vui chơi xe cũ ở Hồng Kông chính là bảo trì bảo dưỡng. Các xe cũ ở đây phải vượt qua một bài kiểm tra hàng năm khó khăn, và nếu chúng thất bại, chi phí sửa chữa chúng có thể cực kỳ đắt, đặc biệt là nếu càng có nhiều bộ phận phải thay thế.
“Tìm kiếm một thợ máy tài năng và đáng tin trong thành phố này là một chuyện khó. Vậy nên bất cứ xe nào cần sửa chữa và phục chế nhiều thì sẽ thường bị bỏ đi luôn. Những chiếc xe đã bị bỏ không trong một thời gian dài có thể chịu ảnh hưởng rất xấu bởi sự ăn mòn và mục nát bởi nhiệt độ cao, trời mưa và độ ẩm ướt của Hồng Kông,” Black Cygnus tiếp tục nói.
Hơn nữa, với không gian có giá cao như ở Hồng Kông, các gara xe cũng thường không thích sửa chữa những chiếc xe mà họ cần phải giữ trong một thời gian dài và họ thà có tỷ lệ lượt khách ra vào theo số lượng hơn là chất lượng. Cộng thêm một sự thực hiển nhiên khác là bởi hệ thống di chuyển công cộng của Hồng Kông có độ bảo phủ kín và đạt chất lượng cao nên hầu hết mọi người chẳng buồn mua hoặc níu giữ một chiếc xe cũ làm gì.
Vì giá cả cho một vị trí gửi xe ở Hồng Kông là cực cao, không ít chủ xe cũ đã lựa chọn vứt luôn xe đi khi không sử dụng nữa
Vì lí do tại sao có nhiều xe bị bỏ hoang thay vì mang đi bán lại cho bãi phế liệu, các nhân vật được phỏng vấn bởi Jalopnik cũng không hề biết rõ. Anh Brian Lam nói rằng giá trị của một số xe là quá thấp nên các bãi phế liệu cũng sẽ không muốn nhận chúng. Black Cygnus còn đồn đoán cho rằng các chủ xe phải trả tiền cho bãi phế liệu để nhận xe cũ, do vậy bỏ xe là một giải pháp tài chính tốt nhất.
Tại sao các bãi phế liệu không muốn nhận xe cũ cũng là một vấn đề khó lí giải, cho dù nhóm nhiếp ảnh có nói rằng có khả năng liên quan tới giá thép rẻ nhập từ Trung Quốc khiến cho việc tái chế trở nên vô nghĩa. Vì thế, giá trị duy nhất nằm ở các phụ tùng của xe, chủ yếu là những mẫu phổ biến và có phụ tùng dễ bán lại như Corolla chẳng hạn. Bởi thị trường phụ tùng xe cũ ở đây cũng không phải to lớn gì.
Anh Victor Ma cũng đưa ra nhận xét tương tự cho vấn đề này, nói :”Xe trong bãi phế thải không có giá trị gì cả, nếu họ có giao xe cho bãi, chủ bãi cũng không muốn nhận. Bởi vì không ai sửa chữa mẫu xe đó ở Hồng Kông…, đó là lí do tại sao không có thị trường xe cũ địa phương.”
Vừa vì văn hóa sử dụng xe, vừa vì chi phí nuôi xe cao ngất trời, Hồng Kông là một mảnh đất dữ dành cho những ai mê xe cũ
Nói đi nói lại, người ta có thể rút ra một kết luận cơ bản rằng xe cũ thường không có đất sống ở Hồng Kông, bởi văn hóa và chi phí cao gắn liền với chuyện sở hữu xe, đặc biệt là xe đã qua sử dụng rồi. Thêm vào đó, các bãi phế thải cũng không hưởng nhiều lợi lộc khi nhận về những chiếc xe này bởi tái chế thì không đáng là bao, và số lượng người mua phụ tùng xe cũ thì cũng khan hiếm.
Đó là những nguyên nhân dẫn tới chuyện vô số chiếc xe cổ, có giá trị ở nước ngoài nhưng lại bị bỏ hoang không ai thèm nhòm ngó tới ở Hồng Kông. Kể ra cũng thật đáng tiếc cho số phận của những chiếc xe bị trôi vào quên lãng và ngày một tàn tạ theo thời gian.
>>> Ares Design - Hãng xe độ dám làm những điều người khác không dám