Thiếu nợ 2 tỷ tiền điện, hầm Hải Vân có nguy cơ dừng hoạt động
Thâm hụt trong thời gian dài dẫn đến thiếu nợ 2 tỷ đồng tiền điện, hai hầm đường bộ lớn nhất Việt Nam là Hải Vân và Đèo Cả đứng trước nguy cơ đóng cửa.
Thâm hụt 7,3 tỷ đồng mỗi tháng
Theo chia sẻ của ông Lưu Xuân Thủy – Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, phương án tài chính của BOT Đèo Cả hiện đang không được đảm bảo. Dự án này tiến hành thu phí từ 3/9/2017 nhưng bởi quy định hiện hành Thông tư 35/2016, Hầm Đèo Cả phải áp dụng giá vé thấp hơn rất nhiêu so với đề xuất trong phương án tài chính đã được Bộ Giao thông Vận tải thông qua.
Cụ thể, phướng án tài chính của dự án được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt tại Quyết dịnh 3107 ngày 5/10/2016 đã chỉ rõ mức phí áp dụng tại Trạm Thu Phí Đèo Cả giai đoạn từ 1/1/2018 – 31/12/2020 từ 60.000 đồng/vé/lượt cho xe nhóm 1 đến 288.000 đồng/vé/lượt cho xe nhóm 5. Tuy nhiên, hiện tại hầm Đèo Cả có giá vé từ 52.000 đồng/vé/lượt cho xe nhóm 1 đến 200.000 đồng/vé/lượt cho xe nhóm 5.
Thống kê lại trong khoảng thời gian từ 1/1/2018 đến 1/10/2018, ông Thủy cho hay, dự án đã thâm hụt nguồn thu khoảng 65,7 ty đồng, tính trung bình mỗi tháng 7,3 tỷ đồng. Ông cũng đã nhiều lần trình văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải hóa giải khó khăn nhưng trong thời gian dài vẫn chưa có hướng đi giải quyết, khiến dự án không đủ nguồn thu để duy trì vận hành hầm Cổ Mã, hầm Đèo Cả và đường dẫn.
Ngày 15/10/2018, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả tiếp tục đề xuất Bộ Giao thông Vận tải thống nhất và áp dụng mức thu phí theo phương án tài chính trước đó đồng thời cho biết nếu hiện trạng này không có biện pháp giải quyết, đơn vị này sẽ đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để thực hiện việc tiếp nhận lại hầm Đèo Cả để tiếp tục vận hành tránh gây ảnh hưởng đén người dân.
Hầm Hải Vân đứng trước nguy cơ đóng cửa vì nợ tới 2 tỷ đồng tiền điện
Nằm trong dự án Đèo Cả, hầm đường bộ dài nhất Việt Nam có khả năng bị cắt điện, dừng hoạt động do hụt thu với trạm thu phí Phước Tượng – Phú Gia (trạm Bắc Hải Vân) với tổng số tiền điện chậm thanh toán lên tới hơn 2 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng cũng đã phát văn bản yêu cầu hoàn trả đầy đủ ngành điện lực nếu không sẽ buộc phải ngừng cung cấp điện.
Không chỉ vậy, Công ty CP Đèo Cả còn chưa thanh toán được chi phí quản lý vận hành bao gồm tiền lương cho công nhân và chi phí bảo dưỡng hầm đường bộ Hải Vân 1. Do vậy, ngày 18/10 vừa qua nhà đầu tư Đèo Cả tiếp tục đề xuất Bộ Giao thông Vận tải hỗ trợ kinh phí để đảm bảo duy trì vận hành hầm Hải Vân 1 và tuyến QL1 qua đèo Hải Vân từ ngày 5/11/2018 để tránh việc gián đoạn hoạt động của hầm.
“Hiện nay, Bộ GTVT đang vi phạm hợp đồng dự án, kéo theo việc vi phạm hợp đồng tín dụng giữa nhà đầu tư với ngân hàng tài trợ vốn, do đó buộc Nhà đầu tư sẽ phải xem xét đến phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ GTVT tiếp nhận lại dự án Đèo Cả, Hải Vân để vận hành khai thác” là nội dung được nêu rõ trong văn bản đệ trình.
Trước đó, phương án tài chính được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt tại Quyết định 3107 ngày 5/10/2016 cho phép trạm thu phí Nam Hải Vân được thu phí từ ngày 1/1/2017 để có nguồn kinh phí thực hiện công tác quản lý vận hành và hoàn vốn cho hạng mục sửa chữa nâng cấp hầm Hải Vân 1 và tuyến QL1 qua đèo Hải Vân. Nhưng khi đi vào hoạt động sau đó, Bộ Giao thông Vận tải lại áp dụng phương án sử dụng chung trạm Bắc Hải Vân để thu phí hoàn vốn cho cả 2 dự án khiến phương án tài chính bị thâm hụt, mất cân đối nghiêm trọng.
Theo Báo Lao Động