Hàng loạt xe Honda, chủ yếu là Civic và Accord đời mới, bị ăn trộm túi khí

| Thị trường
Xếp hạng 3.9 - 9 đánh giá

Túi khí bị ăn trộm của xe Honda thường được tuồn vào các cửa hàng tiêu thụ đồ gian và có thể được bán với giá từ 300 - 500 USD.

Trong nhiều năm qua, Honda vẫn luôn đứng đầu danh sách những mẫu xe bị ăn trộm nhiều nhất tại Mỹ. Nếu như những năm trước, kẻ gian "cuỗm" cả chiếc xe thì giờ đây, chúng lại tập trung nhắm vào túi khí của xe Honda.

Theo trang USA Today, tỷ lệ những chiếc xe Honda cũng như Acura, đặc biệt là Civic và Accord đời mới, bị ăn trộm túi khí tại Mỹ đang tăng đột biến. Được biết, kẻ gian ăn trộm túi khí xe Honda để rao bán trên mạng hoặc tuồn cho các cửa hàng sửa chữa trên thị trường "chợ đen".

Hàng loạt xe Honda, chủ yếu là Civic và Accord đời mới, bị ăn trộm túi khí

Chiếc Honda Civicđời 2017 của Natalie Aviña-Lopez - nữ sinh viên trường Cao đẳng Citrus - bị ăn trộm túi khí người lái khi đang đỗ bên ngoài ngôi nhà ở khu Montclair, thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ

Xu hướng ăn trộm túi khí xe Honda đã thu hút sự chú ý của lực lượng chức năng tại các thành phố Mỹ như Miami, New York và Washington D.C. Cục tội phạm bảo hiểm quốc gia Mỹ (NICB) ước tính có khoảng 5.000 túi khí bị ăn trộm mỗi năm.

Theo dữ liệu của cảnh sát, tại riêng quận Miami-Dade, bang Florida, Mỹ, kẻ gian đã ăn trộm 875 túi khí vào năm 2017, tăng mạnh so với con số 13 túi khí vào năm 2013. Trong khi đó, tại các khu ngoại ô của thủ đô Washington D.C. thuộc bang Virginia, Mỹ, kẻ trộm đã đập vỡ kính cửa sổ của 10 chiếc Honda tại một khu căn hộ để lấy túi khí.

Hàng loạt xe Honda, chủ yếu là Civic và Accord đời mới, bị ăn trộm túi khí

Một chiếc xe Honda bị đập vỡ cửa sổ bên ghế lái và bị ăn trộm túi khí vô lăng tại thành phố Alexandria, bang Virginia, vào hồi tháng 4 năm nay.

Trao đổi với phóng viên kênh Fox địa phương, Thượng tá Jonathan Bryant cho biết, túi khí bị ăn trộm của xe Honda thường được tuồn vào các cửa hàng tiêu thụ đồ gian và có thể được bán với giá từ 300 - 500 USD. Tìm kiếm trên trang eBay, có thể thấy túi khí vô lăng của xe Honda được rao bán với giá lên đến 700 USD. Tuy nhiên, phần lớn túi khí xe Honda đều được bán với giá rẻ hơn vài trăm USD so với con số này. Trong khi đó, giá thay túi khí mới tại đại lý chính hãng của Honda là 1.000 USD.

Nhiều cửa hàng sửa chữa không trung thực sẽ lắp túi khí ăn trộm cho xe rồi bảo khách đó là hàng mới. Điều này khiến khách hàng hoặc công ty bảo hiểm phải chi số tiền như thay túi khí mới. Nói cách khác, đây cũng là một kịch bản lừa đảo bảo hiểm.

Vào năm ngoái, cảnh sát ở Coral Springs, bang Florida, Mỹ, đã đưa ra cảnh báo trên mạng xã hội Nextdoor để khuyên người dân sở hữu xe Honda hoặc Acura nên đỗ ô tô trong gara hoặc khu vực có đủ ánh sáng. "Nếu có một chiếc ô tô khác, hãy đỗ càng sát với cửa bên ghế lái của chiếc Honda hoặc Acura của bạn càng tốt", cảnh sát đưa ra lời khuyên cho người dân.

"Chúng tôi đã nhận thấy tỷ lệ ăn trộm túi khí tăng lên, chủ yếu ở xe Acura và Honda", đoạn cảnh báo của cảnh sát Coral Springs cho biết thêm. "Kẻ gian thường vô hiệu hóa hệ thống chống trộm bằng cách ngắt ắc-quy, sau đó phá khóa cửa hoặc đập vỡ cửa sổ bên ghế lái. Thời gian để kẻ gian ăn trộm túi khí được cho là chỉ dao động từ 5-10 phút".

Một giả thuyết giải thích cho tình trạng ăn trộm túi khí tăng cao tại Mỹ là do những vụ triệu hồi vì lỗi túi khí trong vài năm trở lại đây. Trong đó, có cả vụ triệu hồi gần 50 triệu xe liên quan đến nguy cơ phát nổ của cụm bơm túi khí Takata hiện vẫn đang tiếp tục được tiến hành tại Mỹ. Những vụ triệu hồi này đòi hỏi các nhà cung cấp tranh giành chế tạo linh kiện mới và có thể khiến nhu cầu thay thế túi khí tăng lên.

Hiện vẫn chưa rõ vì sao kẻ gian lại chủ yếu nhắm đến xe Honda. Bản thân hãng Honda cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ scandal đồng thời phải triệu hồi gần 12 triệu chiếc ô tô thuộc 2 thương hiệu Honda và Acura. Ngoài ra, 20 trong số 23 ca tử vong vì lỗi túi khí này đều xảy ra trong xe Honda. Trao đổi với phóng viên USA Today, phát ngôn viên của hãng Honda khẳng định "không có mối liên hệ nào" giữa vụ triệu hồi xe vì lỗi túi khí Takata và làn sóng ăn trộm túi khí hiện nay.

SourceTinXe