Túi khí thay mới của Takata vẫn không hiệu quả
Nhà sản xuất Takata đã phải đệ đơn xin phá sản sau vụ triệu hồi túi khí diễn ra trên toàn cầu.
Túi khí thay mới của Takata vẫn không hiệu quả
Tuy nhiên, sẽ có nhiều người hoang mang hơn nữa sau khi nghe thông tin được tiết lộ bởi Reuters mới đây khi ngay cả những túi khí thay mới của Takata cũng không thể đảm bảo an toàn 100% cho người sử dụng.
Theo các chuyên viên, giải pháp gắn thêm tác nhân làm khô của Takata không hiệu quả bởi nó khó hoạt động hiệu quả ở quãng đường dài nên không thể ngăn chặn việc túi khí nổ ra bất thường.
Thông tin trên được công bố sau khi Ủy ban an toàn giao thông đường bộ Mỹ NHTSA thử nghiệm đối với 2,7 triệu hệ thống kích nổ túi khí mới. Qua đó cho thấy tác nhân làm khô của Takata thực sự không thể hút hết chất ẩm và nhiều khả năng khiến hợp chất ammonium nitrate trong bơm túi khí vẫn có khả năng phát nổ một cách bất thường, rất nguy hiểm cho người dùng.
Công ty túi khí vẫn hy vọng rằng hệ thống đó sẽ giúp bộ phận bơm túi khí an toàn. Song, nếu khẳng định từ phía chính quyền là ngược lại, rất có thể họ sẽ buộc phải triệu hồi lại 100 triệu hệ thống bơm túi khí.
Takata dùng hợp chất amoni nitrat dễ bay hơi vô cùng nguy hiểm trong bơm túi khí - bộ phận quan trọng đẩy túi khí bung. Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết của 17 người và khiến hơn 180 người khác bị thương tính đến thời điểm này. Cụ thể, bơm Túi Khí Takata bị lỗi và nổ quá mạnh làm cho mảnh vỡ kim loại găm vào người trên xe. Được biết, có đến hơn 100 triệu túi khí được lắp trên ôtô ở Mỹ của GM và 16 hãng khác. Do xe hơi ngày nay thường được trang bị cùng lúc nhiều loại túi khí khác nhau nên đã dẫn đến vụ triệu hồi lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp ôtô với trên 100 triệu túi khí được sản xuất bởi Takata. Có tất cả 19 hãng xe khác nhau phải triệu hồi xe, từ Toyota cho đến Ferrari. Trong đó, Honda có lẽ là hãng xe gặp nhiều rắc rối nhất vì có mối quan hệ rộng nhất với Takata.
Tại Mỹ, theo số liệu thống kê mới nhất trước đó, có đến hơn 65% trong số 46,2 triệu xe chịu ảnh hưởng từ đợt triệu hồi do lỗi túi khí Takata chưa được sửa chữa. Có nhiều lý do dẫn đến nguyên nhân trên như việc người dân chưa đến các đại lý, chưa nhận được thông báo, linh kiện không đủ để thay thế và các đại lý chưa thực hiện hết việc thay thế linh kiện.
Từ sau Thế chiến thứ II trở lại đây, vụ việc Takata đã trở thành vụ phá sản lớn nhất tại Nhật Bản. Theo nguồn tin Nikkei, khoản nợ đang bủa vây hãng túi khí này lên đến hơn 1.000 tỷ yên (tương đương 9,02 tỷ USD).