Sau bê bối, các hãng xe Nhật Bản siết chặt kiểm tra chất lượng

| Thị trường
Xếp hạng 3.8 - 10 đánh giá

Cuộc khảo sát của Reuters cho thấy, gần một nửa các công ty Nhật, trong đó các hãng xe đang tăng cường siết chặt kiểm soát nội bộ sau loạt bê bối chất lượng và làm giả dữ liệu.

Sau bê bối, các hãng xe Nhật Bản siết chặt kiểm tra chất lượng

Sau bê bối, các siết chặt kiểm tra chất lượng

Theo đó, cuộc khảo sát của Reuters đã được thực hiện từ ngày 21/11 - 4/12. Kết quả khảo sát cho thấy, có 9 trong 10 công ty Nhật đang lo lắng về các bê bối thời gian qua sẽ tác động tiêu cực đến uy tín về chất lượng sản xuất của họ cũng như của toàn nước Nhật trên thị trường thế giới. Cụ thể, có đến 28% số công ty tỏ ra khá lo ngại về vấn đề này, trong khi có 61% lại nói rằng họ lo lắng ở mức độ nhất định. 

Sau khi theo dõi kết quả khảo sát, Trưởng ban quản lý quỹ cổ phần Nhật Bản tại Nikko Asset Management và cũng là một chuyên gia quản trị doanh nghiệp, ông Jiro Nakano cho biết, những vụ bê bối năm nay chỉ là trường hợp đặc biệt.

Đồng thời, ông cũng nhận xét rằng chính những vụ bê bối bị lật tẩy lần này đã làm rõ các điểm tiêu cực trong văn hóa sản xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản. Từ đó, họ cần phải thay đổi các quy cách nhằm tuân thủ các quy chuẩn quốc tế.

Ông chia sẻ: “Phải tăng cường giám sát đến tận các tầng của nhà máy, cũng cố hơn nữa các nhãn hiệu của Nhật Bản. Đặc biệt là các hãng liên quan đến sản xuất truyền thống và chế tạo công nghệ.”

Một quản lý công ty xây dựng Nhật cũng cho rằng: “Niềm tin về sản phẩm Nhật chất lượng cao đã bị lung lay và sẽ cần thời gian để lấy lại niềm tin đó."

Để giảm thiểu tác hại từ vụ scandal, gần một nửa số công ty (44%) và các nhà sản xuất (48%) cho biết họ đã triển khai hoặc đang lập kế hoạch thắt chặt quy chế kiểm tra chất lượng. Đặc biệt các hãng liên quan trực tiếp đến vụ bê bối cho biết, họ đã siết chặt quy trình đảm bảo tuân thủ gắt gao và sẽ để ý cao độ đến các nội dung trong hợp đồng ký với người tiêu dùng. Một số hãng còn thừa nhận sẽ xét lại các quy định nội bộ và tăng cường mức độ giám sát kiểm tra chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, họ cũng sẽ siết chặt kiểm tra tại chỗ trong dây chuyền sản xuất.

Được biết, cuộc khảo sát của Reuters đã được Nikkei Research tiến hành thăm dò trên 547 công ty có mô hình kinh doanh lớn và vừa và có yêu cầu giấu tên. Theo đó, có khoảng 240 hãng đã trả lời các câu hỏi liên quan đến đến vụ làm giả dữ liệu.

Trước đó, giai đoạn nửa cuối năm 2017 đã chứng kiến loạt bê bối trong ngành công nghiệp Nhật Bản và gây chấn động thế giới. Những nhà cung cấp vật liệu là Kobe, Mitsubishi và Toray đều đã thừa nhận hành vi làm giả thông tin sản phẩm. Còn hãng sản xuất ô tô Nissan và Subaru cũng lần lượt bị điều tra về việc để nhân viên chưa đạt chuẩn kiểm tra chất lượng xe cuối cùng trước khi đến tay khách hàng. 

Để bạo biện cho sai lầm của mình, Kobe đã lấy cớ bị áp lực phải tăng lợi nhuận, trong khi Nissan đưa ra lý do thiếu hụt lao động. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng việc chuyển hướng tuyển dụng nhân công hợp đồng ngắn hạn của các hãng sản xuất Nhật là một nguyên nhân chủ chốt gây ra giảm chất lượng nhân công, tăng tỉ lệ xảy ra tai nạn, sự cố.

SourceTinXe