Hãng túi khí Takata đối mặt với nguy cơ phá sản
Theo tin từ trang Nikkei Asian Review của Nhật, hãng sản xuất túi khí Takata sẽ phải làm thủ tục bảo hộ phá sản. Cuộc khủng hoảng triệu hồi xe lớn nhất thế giới do lỗi cụm bơm túi khí của hãng chính là nguyên nhân dẫn tới kết cục này.
Hãng Túi Khí Takata đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản
Hãng Túi Khí Takata đã thừa nhận lỗi sản phẩm và đồng ý bồi thường 1 tỷ USD để khắc phục hậu quả.
Sau chiến dịch triệu hồi xe toàn cầu do lỗi cụm bơm túi khí, gánh nặng tài chính mà Takata phải mang có thể vượt quá con số một nghìn tỷ yên Nhật. Tính đến tháng 10 năm ngoái, đã có 18 trường hợp tử vong do lỗi túi khí do Takata sản xuất, trong đó có 11 trường hợp ở Mỹ và 7 trường hợp ở Malaysia. Túi khí nổ với áp suất lớn đã phá vỡ cụm bơm và gây thương tích cho người ngồi trên xe.
Do Takata cho biết không thể xác định được lỗi nằm ở đâu và không thể đưa ra mức bồi thường hợp lý, các hãng sản xuất ô tô hiện đang tăng thêm sức ép với hãng túi khí này.
Được biết, một công ty đã đề xuất mua lại Takata với giá 180 tỷ yên và sẽ tiếp tục cung cấp túi khí, dây đai an toàn và các sản phẩm an toàn khác. Nếu thương vụ này thành công, Takata sẽ vẫn chịu trách nhiệm với chi phí liên quan đến việc triệu hồi xe. Đồng thời, ngân hàng tín dụng của hãng sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính để thanh toán cho nhà cung cấp và vận chuyển sản phẩm tới tay khách hàng.
Ban đầu, gia đình sáng lập Takata đã đồng ý hoà giải trực tiếp với các chủ nợ, không ra toà, nhưng sau đó, hãng phải đối mặt với nguy cơ phá sản do phải bồi thường thiệt hại quá lớn.
Khách hàng của Takata là các hãng sản xuất xe hơi đã yêu cầu đưa sự việc ra toà để tránh tình trạng mất kiểm soát và để hãng túi khí có cơ hội hồi phục.
Ngoài gánh nặng bồi thường thiệt hại, Takata còn phải đối diện với tương lai bấp bênh do khách hàng quay lưng
Ở Mỹ, trong bản thoả thuận ký với NHTSA hồi cuối năm 2015, hãng túi khí Nhật đã đồng ý loại bỏ bộ kích nổ túi khí dùng ammonium nitrate. Có nhiều ý kiến cho rằng chất này bị biến chất qua thời gian nếu tiếp xúc với hơi ẩm, gây nguy cơ tạo lực nổ quá mạnh và có thể làm nứt vỡ vỏ cụm bơm túi khí, làm văng các mảnh kim loại sắc nhọn vào người ngồi trên xe.
Bên cạnh gánh nặng tài chính do phải đền bù thiệt hại do lỗi túi khí, hãng Takata còn phải đối diện với tương lai bấp bênh khi các khách hàng lần lượt quay lưng.
Các hãng xe Honda, Nissan, Toyota, Ford và Mazda đều đã tuyên bố ngừng sử dụng cụm bơm túi khí đang gây tranh cãi của Takata.
Ở Việt Nam, nhiều hãng xe cũng đã thông báo triệu hồi xe để sửa lỗi túi khí. Đơn cử, Toyota đã tổ chức chiến dịch triệu hồi gần 4.000 chiếc Vios lắp ráp trong nước và Corolla nhập khẩu chính hãng. Nhà phân phối chính thức của Nissan triệu hồi xe bán tải Navara XE và LE nhập khẩu từ Thái Lan. Honda triệu hồi xe Accord, City, Civic và CR-V, trong khi Mitsubishi triệu hồi xe Zinger GLS và Triton.