Ngành ô tô Úc bị khai tử, bài học nào cho Việt Nam?
Úc là 1 trong 13 nước có ngành công nghiệp ô tô hoàn thiện nhất thế giới. Song, việc không sở hữu một thương hiệu ô tô nội địa nào đã đẩy nước Úc vào thế bị động sau khi hàng loạt hãng xe ngoại rút khỏi quốc gia này. Điều này đã đặt dấu chấm hết cho ngành công nghiệp ô tô ở xứ sở chuột túi.
Ngành ô tô Úc bị khai tử, bài học nào cho Việt Nam?
Việc dừng hẳn hoạt động sản xuất của ngành công nghiệp ô tô đã làm cho 200.000 lao động ở Úc mất việc. Đồng thời, những thành tựu, kinh nghiệm và công nghệ trong tương lai của ngành ô tô cũng biến mất hoàn toàn khỏi nước Úc. Cái chết của ngành công nghiệp ô tô Úc phần nào giáng một đòn mạnh mẽ vào những quốc gia chỉ tập trung vào dây chuyền sản xuất, lắp ráp, trong khi thương hiệu ô tô riêng của quốc gia lại không có.
“Cái chết” của ngành công nghiệp ô tô Úc
Nissan và Mitsubishi là hai hãng xe Nhật đã rút hoạt động sản xuất của mình ra khỏi nước Úc. Tiếp ngay sau đó, đại diện khác của Nhật là Toyota cũng chấm dứt hoạt động của các nhà máy ở quốc gia này vào ngày 3/10/2017.
Cũng trong tháng 10/2017, Fordđã cho đóng cửa các nhà máy ở Úc. Đến ngày 20/10/2017, General Motors Holden (công ty con của GM) cũng đã tuyên bố ngưng hoạt động khi đã xuất xưởng chiếc sedan cuối cùng. Sự kiện này đã đặt dấu chấm hết cho hoạt động của bộ 3 hãng xe lớn nhất ở nước Úc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, ngành công nghiệp ô tô nước Úc đã bị “khai tử”.
Trước đó, nước Úc đã được xếp thứ 16 trong danh sách các thị trường ô tô lớn của thế giới với doanh số năm 2016 là 1,18 triệu chiếc. 90% trong số này là xe nhập khẩu từ các thị trường khác như Nhật, Hàn, Thái và các nước đã ký Hiệp định Thương mại tự do với Úc. Như vậy, tỷ trọng nhập khẩu ô tô và linh phụ kiện vào quốc gia này sẽ tiếp tục tăng, đưa đến sự chênh lệch cán cân thanh toán lớn.
“Cái chết” của ngành công nghiệp ô tô Úc không chỉ khiến cho người dân lao động bị mất việc làm mà còn xóa bỏ tất cả kinh nghiệm và thành tựu trong ngành ô tô ở nước Úc khi cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới ngày càng tăng nhanh.
Theo ông Dave Smith, Hiệp hội công nghiệp sản xuất Úc, xứ sở chuột túi sẽ bị đẩy xa khỏi dòng chảy của công nghệ xe tự lái và các phương tiện tương lai trong ngành ô tô.
Bài học nào cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam?
Báo cáo 6 tháng đầu năm của Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô của các doanh nghiệp ở tỉnh vẫn tiếp tục tăng trưởng. Song, việc Honda Civic ngưng sản xuất và nhập khẩu 1.200 xe, Toyota Fortunercũng nhập khẩu 7.700 xe đã làm cho ngân sách của tỉnh chỉ đạt 11.660 tỷ đồng, chiếm khoảng 38% dự toán năm.
Theo đó, một chuyên gia kinh tế nhận định rằng việc lắp ráp, sản xuất ô tô nước ngoài tại các địa phương đã đóng góp rất lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, chỉ cần một thay đổi nhỏ mang chiều hướng tiêu cực như tình hình của Honda Civicvà Toyota Fortuner ở trên cũng sẽ tạo ra ảnh hưởng đáng kể. Vị chuyên gia nói rằng: “Câu chuyện của nước Úc phần nào cho thấy hiện thực rõ ràng khi một thương hiệu ô tô ngoại quốc cắt giảm sản xuất hay rút khỏi thị trường cũng sẽ là thiệt hại nặng nề cho kinh tế. Không chỉ tổn thất về tiền bạc với ngân sách hao hụt hàng chục nghìn tỷ đồng mà còn làm cho hàng trăm nghìn lao động mất việc.”
Cũng nhận xét về vấn đề này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cho biết, ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam hiện tại đang phụ thuộc vào các tập đoàn lớn trên thế giới. Mỗi doanh nghiệp khi bước vào ngành này sẽ trở thành một mắt xích trong chuỗi dây chuyền sản xuất của các thương hiệu lớn. Cùng với việc phụ thuộc vào khâu sản xuất, thị trường và tiêu thụ ô tô cũng sẽ chịu chi phối của các hãng lớn. Theo đó, ông Cung khẳng định rằng một khi có thương hiệu ô tô nội địa, các doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ không còn lệ thuộc như hiện nay nữa.
Nhận thấy thực trạng trên, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách mạnh mẽ nhằm hỗ trợ tích cực cho ngành công nghiệp ô tô thương hiệu Việt. Và sự ra đời của Vinfastcó thể là khởi đầu cho thương hiệu ô tô Việt trong tương lai. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng khẳng định điều này trong lễ khởi công dự án sản xuất ô tô của tập đoàn Vingroup trong thời gian vừa qua.
Khi có thương hiệu ô tô riêng, Việt Nam sẽ nắm quyền tự chủ trong ngành công nghiệp ô tô, kéo theo đó là đảm bảo việc làm cho số lượng lớn nhân công đang làm việc cho các nhà máy lắp ráp ô tô liên doanh với các hãng xe ngoại quốc. Lợi ích khác nữa là ngân sách của đất nước sẽ tăng sau khi thương hiệu ô tô nội địa có thể tạo ra hàng tỷ USD trực tiếp và gián tiếp và hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước.
Tất cả kỳ vọng đang đặt vào VinFast. Sau 2 tháng ra mắt, thương hiệu này đã có những việc làm khá thiết thực như hợp tác với các nguồn cung, mở cổng bình chọn bản thiết kế concept,…
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nói rằng: “Hướng phát triển của VinFast thể hiện sự khác biệt và cho thấy ước mơ lớn hướng đến việc tạo ra một thương hiệu ô tô cho Việt Nam.”
>> Vinfast mua bản quyền BMW, công bố ra mắt Xe Hơi Việt tháng 10 năm nay tại triển lãm Paris