Ô tô 'made in Vietnam' sẽ chạy đầy đường Myanmar và Philippines

| Thị trường
Xếp hạng 3.8 - 9 đánh giá

Cơ hội xuất khẩu ôtô của Việt Nam sang ASEAN đang rộng mở vào năm 2018. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là để được hưởng thuế suất 0%, ôtô sản xuất tại Việt Nam phải nội địa hóa 40% trở lên.

Ô tô 'made in Vietnam' sẽ chạy đầy đường Myanmar và Philippines

Cửa đã mở: cần bước qua rào cản

Từ năm 2018, ô tô từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ có thuế nhập khẩu là 0% theo lộ trình của Hiệp định Thương Mại hàng hóa ASEAN. Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng ô tô tiêu thụ tại Việt Nam năm 2016 đã đạt đến mức quy hoạch của năm 2020. Điều này đã đặt ra thách thức lớn đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan cung cấp, trong tháng 3/2017, có 6.700 ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống nhập về Việt Nam, với mức giá trung bình 394 triệu đồng/chiếc (chưa bao gồm các loại thuế, phí). So với cùng kỳ năm 2016, lượng xe nhập khẩu về Việt Nam tăng gấp hơn 2 lần (3 tháng năm 2016 chỉ có 6.900 chiếc nhập về Việt Nam) và giá thấp hơn 90 triệu đồng/chiếc (giá trung bình 3 tháng đầu năm 2016 là hơn 418 triệu đồng/chiếc).

Những con số này nói lên xu hướng thị trường ô tô Việt Nam đang chuyển dịch sang nhập khẩu xe nguyên chiếc. Khi giá xe ngày càng rẻ do những thay đổi chính sách về thuế và nhập khẩu. Cụ thể là chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, tính theo dung tích từng dòng xe (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016), đã tác động khá mạnh đến giá bán lẻ.

Ô tô 'made in Vietnam' sẽ chạy đầy đường Myanmar và Philippines

Theo lộ trình cắt giảm thuế của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, đến năm 2018, thuế suất nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN vào Việt Nam mới về mức 0% nhưng từ cuối năm 2016, đầu năm 2017 lượng xe ô tô dưới 9 chỗ từ Indonesia, Thái Lan vào Việt Nam đã tăng chóng mặt. Chưa kể, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu cũng quy định thuế suất nhập khẩu ô tô từ Châu Âu về Việt Nam sẽ giảm còn 0% sau 10 năm nữa. Tương tự, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc quy định ô tô tải và xe con dung tích từ 3 lít trở lên nhập khẩu từ Hàn Quốc giảm thuế về 0%. 

Áp lực “mở cửa” đang đến gần, vì vậy ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam phải xóa bỏ rào cản và đẩy mạnh phát triển hơn nữa.

Theo thông tin mới đây, Công ty cổ phần ô tô Trường Hải đã khởi công Dự án sản xuất, lắp ráp 100.000 xe Mazda/năm với số vốn 500 triệu USD, tại Khu công nghiệp Chu Lai (Quảng Nam).

Tương tự, Tập đoàn Thành Công, hợp tác với Hyundai (Hàn Quốc) đã xúc tiến đầu tư một nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô mới tại Gia Viễn (Ninh Bình). Với công suất 120.000 xe/năm, tổng vốn 500 triệu USD. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa năm 2019. Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty Hyundai Thành Công, cho biết sẽ đầu tư một dây chuyền dập chi tiết thân vỏ xe từ thép tấm, đồng thời sản xuất một số linh kiện khác, dưới sự chuyển giao công nghệ của Hyundai Hàn Quốc. Tất cả xe Hyundai sản xuất tại đây sẽ phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây cũng là mục tiêu của Hyundai Hàn Quốc, biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất ô tô Hyundai tại Đông Nam Á.

Đây là một số tín hiệu đáng mừng cho ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam với sự đầu tư phát triển của những thương hiệu lớn.

Ô tô 'made in Vietnam' sẽ chạy đầy đường Myanmar và Philippines

Hiện tỷ lệ nội địa hóa ô tô Hyundai Thành Công đạt 19%. Khi sản xuất được toàn bộ thân vỏ xe cùng một số linh kiện, sẽ nâng tỷ lệ nội địa hóa lên trên 40%. Như vậy, sẽ mở ra hướng xuất khẩu ô tô sang thị trường các nước trong khu vực Đông Nam Á, nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan 0%.

Dự kiến, nhà máy ô tô mới sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2019. Tất cả xe Hyundai sản xuất tại đây sẽ phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây cũng là mục tiêu của Hyundai Hàn Quốc, biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất ô tô Hyundai tại Đông Nam Á.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty ô tô Trường Hải, cũng cho hay, nhà máy Mazda tại Chu Lai sẽ có xưởng sản xuất thân vỏ xe. Hiện Mazda có tỷ lệ nội địa hóa là 18%, khi sản xuất được thân vỏ xe cùng một số linh kiện khác, con số này sẽ được nâng lên trên 40%. Ngoài Lào, xe 'made in Vietnam' lắp ráp tại nhà máy Chu Lai tới đây sẽ được xuất khẩu sang Myanmar, Campuchia, Philippines,...

Cần có sự đột phá trong phát triển

Theo ông Đức (Tổng giám đốc công ty Hyundai) nhận định, không doanh nghiệp nào đầu tư vào sản xuất ô tô lại chỉ tập trung vào mỗi thị trường nội địa. Mà đồng thời phải hướng tới xuất khẩu. Vì vậy ngành công nghiệp ô tô Việt Nam muốn phát triển bền vững trong điều kiện thông quan mở cửa thì cần phải có những đột phá mạnh mẽ hơn.

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt quy mô sản xuất chế tạo trong nước 30-40% dòng xe dưới 9 chỗ ngồi. Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Công Thương đã đề xuất nghiên cứu hỗ trợ thị trường bằng các hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại trong khai báo thuế, gian lận C/O (xuất xứ hàng hóa) nhằm hưởng các ưu đãi thuế quan. Cùng với đó là hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn linh kiện, phụ tùng… và phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất phụ tùng, linh kiện.

Ô tô 'made in Vietnam' sẽ chạy đầy đường Myanmar và Philippines

Tới 2018, khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô về 0%, xe nhập sẽ rẻ hơn xe sản xuất lắp ráp trong nước. “Chúng tôi đã tính toán kỹ, các dự án ô tô sẽ đi theo hướng nội địa hóa các chi tiết cồng kềnh, tốn kém chi phí vận chuyển, sử dụng nhiều nhân công như thân vỏ xe, ghế ngồi, các chi tiết nhựa,... vốn là lợi thế ở Việt Nam. Khi các nhà máy này đi vào hoạt động, đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 40%, chắc chắn giá ô tô bán ra sẽ rẻ hơn hiện nay nhiều,” ông Đức nhận xét.

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các bộ, ngành đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhất là đối với nhà đầu tư lớn, doanh nghiệp đầu tàu. Bên cạnh đó, đánh giá toàn diện thị trường ô tô Việt Nam trong mối tương quan với thị trường khu vực và thế giới; tập trung vào cơ hội, khó khăn, thách thức đối với sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước từ thời điểm năm 2018; dự báo cung - cầu ô tô trong nước và khu vực…

Để có thể xuất khẩu ô tô sau năm 2018, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, chuẩn bị hạ tầng bán hàng và dịch vụ hậu mãi. 

Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu ô tô, để hỗ trợ cạnh tranh với xe giá rẻ sản xuất từ các nước Thái Lan, Indonesia,...

SourceTinXe