Trung Quốc và giấc mơ bá chủ ngành công nghiệp xe hơi thế giới
Bằng việc mua lại cổ phần của một số tập đoàn ô tô lớn trên thế giới, người Trung Quốc đang cho thấy rõ "mưu lược" của họ trong việc xâm chiếm bản đồ ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu. Và việc Trung Quốc chiếm được ngành công nghiệp này có lẽ sẽ không còn là giấc mơ trong tương lai.
Trung Quốc, nền kinh tế đứng thứ hai thế giới đang có tốc độ phát triển nhanh như vũ bão. Điều đó cũng góp phần tạo ra cho đất nước tỷ dân này sự gia tăng các tỷ phú, triệu phú USD theo cấp số nhân hàng năm. Và để thể hiện sức mạnh của một cường quốc đúng nghĩa, các đại gia Trung Quốc không ngừng thâu tóm cổ phần của các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới, trong đó có cả ngành công nghiệp xe hơi.
Trong những năm trở lại đây, rất nhiều các thương hiệu xe hơi, xe máy đình đám thế giới đã rơi vào tay các tỷ phú Trung Quốc như Volvo, MG, Benelli và gần đây nhất là cả Daimler. Điều này đã cho thấy sức mạnh khủng khiếp của các đại gia tới từ nền kinh tế số 2 thế giới. Tuy nhiên, việc rơi vào tay người Trung Quốc không hẳn đã là điều xấu mà trái lại, bằng chứng từ rất nhiều hãng xe đã cho thấy các đại gia Trung Quốc rất giỏi trong việc điều hành và vực dậy cả một thương hiệu "đã ngủ quên".
Hãng xe Thuỵ Điển - Volvo
Đầu tiên có lẽ phải nhắc tới thương vụ mua lại hãng xe Thuỵ Điển - Volvo của Tập đoàn ô tô Trung QuốcGeely. Cụ thể, Geely đã chi không dưới 10 tỷ USD để tái thiết lại Volvo, đưa thương hiệu xe phổ thông vốn đang bị cho là lạc hậu, lỗi thời ở Bắc Âu trở thành một thương hiệu xe sang đúng nghĩa, cạnh tranh trực tiếp với những "ông lớn Đức" như Mercedes-Benz, BMW...
Còn nhớ khi Geely mua lại Volvo, người tiêu dùng đã có gì đó e ngại trước thương vụ này bởi họ lo ngại xe Volvo sẽ bị "Tàu hoá" và mất đi sự mộc mạc vốn có. Tuy nhiên, sau một thời gian về tay Geely, Volvo đã thực sự cho thấy cú bứt phá mạnh mẽ và quyết liệt. Bằng chứng là việc hãng xe Thuỵ Điển này liên tục dành các giải thưởng uy tín trên thế giới về độ an toàn và khả năng bảo vệ người dùng khi va chạm. Ngoài ra, khâu thiết kế cũng được các kỹ sư đẩy mạnh với sự "lột xác" rõ rệt mà trong đó, đặc trưng chính là cụm đèn hình "Búa Thor" ấn tượng và sắc nét.
Quả thực mà nói, dưới thời Geely,Volvo đã hoàn toàn thay đổi và trở thành một biểu tượng mới cho tầng lớp doanh nhân trẻ, hiện đại trên thế giới.
Hãng xe Malaysia - Proton
Thương vụ mua lại hãng xe có nguồn gốc Malaysia- Proton này của Tập đoàn Geely mới chỉ từ giữa năm 2017. Theo đó, sau khi "đánh chiếm" thị trường châu Âu bằng việc mua lại và vực dậy Volvo, Geely tiếp tục "nhòm ngó" sang "sân sau" Đông Nam Á. Tuy nhiên, thị trường Đông Nam Á dường như không có nhiều thiện cảm dành cho các hãng Xe Trung Quốc. Chính vì vậy, Geely đã quyết định mua lại 49,9% cổ phần của công ty Proton, một đơn vị sản xuất xe nội địa có tiếng ở Malaysia. Thực chất, thương vụ mua lại một nửa Proton của Geely cũng mang lại lợi ích không nhỏ cho ban lãnh đạo của Proton. Vấn đề không chỉ nằm ở tiền mà còn ở những công nghệ hiện đại của châu Âu mà Protonsẽ được "hưởng sái" từ Volvo.
Hãng xe Anh Quốc - MG
Thương vụ mua lại MG một trường hợp khá hi hữu trong thị trường xe hơi toàn cầu. Theo đó, vào những năm 1990 của thế kỷ trước, hãng xe có nguồn gốc Anh Quốc- MG lâm vào tình trạng phá sản và phải bán đi các trang bị, máy móc lẫn công nghệ sản xuất... Tháng 2/1994, Tập đoàn BMW chi 800 triệu bảng Anh để vực dậy MG nhưng có vẻ như con số đó vẫn không nhằm nhò gì so với một doanh nghiệp xe hơi trên bờ vực phá sản. Đến năm 2000, BMW quyết định bán MG lại cho Phoenix Consortium với hy vọng vớt vát lại được chút ít tiền vốn đã bỏ ra. Sau đó một thời gian, MG tiếp tục về tay "ông lớn" ngành xe hơi Trung Quốc - Tập đoàn ô tô Nam Kinh. Tuy nhiên, ít người biết rằng, MG vốn không phải lựa chọn đầu bảng của Nam Kinh mà chẳng qua MG chỉ là một sự lựa chọn thay thế, kiểu thôi mua cho đủ... Thực chất, Nam Kinh khi đó muốn mua lại Land Rover nhưng lại chậm chân hơn Ford. Và giống như một "đứa con ghẻ", sau hơn 20 năm gian truân dưới trướng Tập đoàn Nam Kinh, MG đến nay vẫn chỉ được biết tới là một hàng xe nhỏ trong nội địa Trung Quốc.
"Ông lớn" ngành xe nước Đức - Daimler
Thương vụ giữa Tập đoàn Geely và Daimlerđược xem là bản hợp đồng kinh tế tốn nhiều giấy mực nhất của giới truyền thông quốc tế. Cụ thể, Geely đã chi khoảng 9 tỷ USD để có được 9,69% cổ phần trong Tập đoàn Daimler (công ty mẹ của các thương hiệu Mercedes-Benzvà Smart). Sau thương vụ đình đám này, Geely trở thành cổ đông lớn nhất của Daimler. Được biết, Geely đang chuẩn bị kế hoạch tiến đánh thị trường châu Âu bằng chính "đứa con đẻ" Lynk & Co. Và thương vụ mua lại cổ phẩn ở Daimler sẽ là tiền đề rất tốt cho việc này.
Chủ tịch Tập đoàn Geely, tỷ phú Trung Quốc Li Shufu
Hãng motor nước Ý - Benelli
Một showroom Benelli ở Argentina
Benelli mà một thương hiệu xe motor có tiếng của người Ý. Tuy nhiên, sau khi về tay công ty Quianjiang - công ty sản xuất xe máy lớn thứ 2 Trung Quốc thì chất lượng của các mẫu xe Benelli thường xuyên bị phản ánh thậm tệ. Điều này được lý giải là do Quianjiang đã mang dây chuyền sản xuất các mẫu xe của Benelli về nội địa Trung Quốc sản xuất. Đi kèm với đó là việc sử dụng các loại vật liệu sản xuất nội địa, kém chất lượng dẫn tới việc chất lượng không đảm bảo. Điều này đã gây ra không ít tai tiếng cho chính Benellitrên toàn cầu.
Tuy nhiên, thật bất ngờ là mới đây, chủ sở hữu của Benelli đã không còn là Quianjiang nữa mà là một cái tên quen thuộc - Geely. Theo đó, Geely đã mua lại 29,77% cổ phần của Quianjiang và trở thành cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này. Người tiêu dùng và đặc biệt là các fan của Benelli đang rất hy vọng vào sự thay đổi mang tính "lột xác" của Benelli dưới thời Geely, giống như cách mà Geelyđã vực dậy Volvo.
Xe thể thao nguồn gốc Anh Quốc - Lotus
Lotus là một thương hiệu xe thể thao có nguồn gốc Anh Quốc. Tuy nhiên, cũng giống như MG, Lotus cũng có một "tuổi trẻ" đầy biến động khi qua tay nhiều ông lớn trong ngành. Năm 1993, Lotus chứng kiến cuộc khủng hoảng trong nền công nghiệp xe hơi và phải bán mình cho General Motors (Mỹ) để tồn tại. Sau đó một thời gian, General Motors lại tiếp tục bán Lotus cho một tỷ phú người Ý có tên Romano Artioli.
Sau vài năm dưới trướng vị tỷ phú Ý, Lotus bị bán lại cho công ty Proton (Malaysia) với mức giá khá rẻ. Hiện tại, Lotus đã yên vị dưới sự bảo trợ vững chắc từ Proton và cụ thể hơn là "ông lớn Trung Quốc" Geely. Thương vụ mua lại Proton của Geely vẫn thường được ví như một vụ làm ăn kiểu "tậu trâu được cả nghé" khi mà Geely chỉ phải mua lại Proton với 49,9% mà được tặng kèm cả 51% cổ phần của Lotus. Đây thực sự là một thương vụ "béo bở" mà ban lãnh đạo Geely đã có sự tính toán vô cùng hợp lý.
Ngoài ra, cũng có thể kể tới thương vụ Tập đoàn công nghệ Trung QuốcTencent chi 1,8 tỷ USD mua 5% cổ phần của hãng xe điện Tesla (Mỹ) hay thương vụ Tập đoàn Đông Phong (Trung Quốc) mua 14% cổ phần của Tập đoàn xe hơi Pháp PSA (đơn vị chủ quản của nhiều thương hiệu như Peugeot, Citroen hay DS) với giá 1,1 tỷ USD...
Hoàng Đạt (Tuoitrethudo)