Đại gia hàng hiệu Jonathan Hạnh Nguyễn muốn tăng giá phục vụ tại sân bay Cam Ranh

| Thị trường
Xếp hạng 3.8 - 9 đánh giá

Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, chưa đủ cơ sở pháp lý để thẩm định hồ sơ phương án giá phục vụ hành khách và giá cho thuê mặt bằng của CHK quốc tế Cam Ranh.

Cục Hàng không vừa báo cáo Bộ GTVT về đề nghị tăng giá phục vụ hành khách tại nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh.

Theo đó, cơ quan này cho rằng chưa đủ cơ sở pháp lý để thẩm định hồ sơ phương án giá phục vụ hành khách và giá cho thuê mặt bằng của CHK quốc tế Cam Ranh mà CTCP nhà ga quốc tế Cam Ranh (CRTC) đề xuất.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, việc quản lý, sử dụng chi phí, khấu hao tài sản cố định… tuỳ thuộc vào hình thức đầu tư dự án. Kết luận thanh tra của Bộ GTVT cũng nêu rõ hình thức đầu tư của dự án nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh cần được xem xét lại theo hướng dự án đối tác công tư (PPP). 

Hiện tại, Bộ GTVT cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về hình thức đầu tư dự án này.

CRTC cũng chưa có báo cáo về việc cập nhật tổng mức đầu tư, phương án tài chính và thời gian hoàn vốn.

Trước đó, trong văn bản gửi Bộ GTVT, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT CRTC đề xuất được cho phép nâng giá phục vụ khách quốc tế tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh từ 14 USD/khách lên 20 USD/khách, bằng với giá phục vụ hành khách quốc tế tại CHK quốc tế Đà Nẵng.

Theo ông Jonathan Hạnh Nguyễn, đây là giá phục vụ thu của hành khách quốc tế đi lại tại các cảng hàng không quốc tế tại Việt Nam. Hiện công ty này đã ký hợp đồng nhượng quyền khai thác nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với mức phí là 12% trên tổng doanh thu tính từ thời điểm bắt đầu khai thác.

Nhà ga quốc tế Cam Ranh được đưa vào khai thác từ ngày 30/6/2018 với tổng vốn đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng có công suất khai thác giai đoạn 1a là 2,5-4,5 triệu hành khách/năm, sau khi lắp đặt thiết bị giai đoạn 1b, công suất sẽ nâng lên 6-8 triệu hành khách/năm.

CRTC có các cổ đông sáng lập là ACV, CTCP Giao nhận hàng hóa Nasco, CTCP Hàng không Vietjet, CTCP Việt Xuân Mới và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP).

Hải Dương (ANTĐ)

SourceXeHay