Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có thể vận chuyển 20.000 khách/ngày đêm
Theo tính toán, trong 3 năm đầu, khi đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành, ước tính, mỗi năm sẽ vận chuyển từ 30-40 triệu khách/năm, năm tiếp theo là 50-60 triệu hành khách và có thể đạt 90 triệu hành khách/năm trong trung hạn.
Ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc Công ty TNHH MVT Đường sắt Hà Nội - Metro Hà Nội) thông tin, tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông gồm 13 đoàn tàu, mỗi đoàn gồm 4 toa, mỗi toa chở được 240 hành khách.
Khi chính thức đi vào vận hành, sẽ đạt tần suất trung bình 10 phút/chuyến, giờ cao điểm là 5-6 phút/chuyến, thời gian chạy tày từ ga Cát Linh tới ga Yên Nghĩa là 23 phút, tốc độ khai thác 35km/h, trong khi tốc độ kỹ thuật đạt 80km/h. Thời gian đường sắt đô thị hoạt động từ 5h sáng đến 23h đêm.
Mỗi chuyến vận chuyển được 960 hành khách, mỗi ngày có 144 chuyến tàu, tương đương 288 lượt tàu chạy, như vậy có thể vận chuyển 217.000 hành khách/ngày đêm, cao điểm có thể vận chuyển 19.000-20.000 hành khách/h, đáp ứng 55%-60% lưu lượng hành khách đi lại trên tuyến.
Trong 3 năm đầu khi đường sắt Cát Linh- Hà Đông đi vào vận hành, ước tính mỗi năm vận chuyển từ 30-40 triệu khách/năm, năm tiếp theo là 50-60 triệu hành khách, và có thể đạt 90 triệu hành khách/năm trong trung hạn.
Cũng theo ông Trường, trước đó vào ngày 5/3, UBND TP Hà Nội đã họp và thông qua phương án giá vé tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông. Cụ thể, giá vé lượt là 8.000-15.000 đồng/tùy cự ly; giá vé ngày là 30.000 đồng/ngày; giá vé tháng là 2000.000 đồng loại phổ thông, giá vé ưu tiên là 100.000 đồng/tháng.
Ông Trường cũng cho hay, Công ty đã kiến nghị thành phố ưu tiên cho các đối tượng mua vé tháng đường sắt đô thị như vé tháng của xe buýt. Hiện nay, UBND TP Hà Nội đang trình HĐND TP Hà Nội thông qua.
Lý giải về việc đưa ra mức giá vé ngày, ông Trường cho hay: “Qua khảo sát cho thấy, 97% người dân tham gia khảo sát cho biết, sẽ đi thử, nếu tốt sẽ chuyển đi đường sắt đô thị, do đó, chúng tôi mới đưa ra mức giá vé ngày là 30.000 đồng/ngày”.
Về nhân lực, ông Trường thông tin, cách đây 3 năm, công tác đào tạo đã được bắt đầu. Hiện tại, một số chuyên ngành đã đào tạo xong cả lý thuyết và thực hành, được tổng thầu cấp chứng chỉ, còn một số ít chuyên ngành chưa đào tạo đủ thời lượng sẽ được tiếp tục.
“Tất cả nhân lực được đào tạo từ Trung Quốc đến nay đã đủ trình độ để tham gia vào vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông. Ví như, hiện nay đã có 37 lái tàu được cấp chứng chỉ có thể vận hành được tàu đường sắt”- ông Trường khẳng định.
Cũng theo lãnh đạo Công ty Metro Hà Nội, mục tiêu của đường sắt đô thị là cùng với các loại hình phương tiện giao thông khác để tạo ra chất lượng giao thông công cộng tốt để người dân chuyển từ phương tiện cá nhân tham gia giao thông công cộng, chứ không phải cái mới triệt tiêu cái cũ.
Lý giải về độ an toàn của tuyến đường sắt đô thị này, ông Trường cho biết, sau khi dự án hoàn thiện phải được các cơ quan chuyên môn đánh giá, kiểm soát, nghiệm thu cấp Nhà nước và một tổ chức quốc tế độc lập đánh giá, cấp chứng chỉ an toàn hệ thống.
Hải Dương (ANTĐ)