Boeing 737 Max: Từ máy bay đáng tin cậy nhất trở thành thảm họa hàng không thế giới
Là dòng máy bay bán chạy nhất trong lịch sử của Boeing và từng được quảng cáo là “máy bay đáng tin cậy nhất thế giới”, song chỉ trong chưa đầy 2 năm đi vào vận hành, chiếc Boeing 737 Max đã nhanh chóng trở thành thảm họa hàng không khi để xảy ra liên tiếp 2 vụ tai nạn thảm khốc chỉ trong vòng 5 tháng.
2 vụ tai nạn thảm khốc nhất lịch sử hàng không
Vụ tai nạn đầu tiên của dòng máy bay Boeing 737 Max hồi cuối tháng 10-2018 đã khiến cả thế giới ngỡ ngàng . Khi ấy, chuyến bay JT610 của Hãng hàng không Indonesia Lion Air khởi hành từ Jakarta tới Pangkalpinang, tỉnh Bangka Belitung, mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu lúc 6h33 (giờ địa phương) sáng 29-10-2018.
Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ Quốc gia sau đó xác nhận máy bay đã đâm xuống biển. Vụ tai nạn khiến toàn bộ những người có mặt trên chuyến bay thiệt mạng. Ông Yusuf Latif, phát ngôn viên Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ Quốc gia Indonesia cho hay, phi cơ gặp nạn chỉ 13 phút sau khi cất cánh và biến mất gần Karawang, tỉnh Tây Java.
Nguyên nhân vụ tai nạn được xác định là do chiếc máy bay gặp sự cố kỹ thuật. Dù mới chỉ được đưa vào hoạt động hơn 2 tháng với số giờ bay chưa đến 800 giờ nhưng trong 4 chuyến bay cuối cùng, thiết bị đo tốc độ của phi cơ đã không hoạt động chính xác.
Khi ấy, nhiều người đã đặt ra câu hỏi về mức độ an toàn của những chiếc Boeing 737 Max, nhưng số đông vẫn cho rằng trách nhiệm chính thuộc về Hãng hàng không Lion Air vì tắc trách trong khâu bảo dưỡng máy bay, để xảy ra vụ tai nạn thảm khốc khiến 189 người thiệt mạng.
Những nghi vấn xoay quanh Boeing 737 Max lắng xuống chưa lâu thì 4 tháng sau, một chiếc máy bay khác của hãng lại tiếp tục gặp tai nạn kinh hoàng.
Ngày 10-3, hãng hàng không Ethiopian Airlines cho biết một máy bay Boeing 737 MAX 8 của hãng đã gặp nạn ở thị trấn Bishoftu, cách Thủ đô Addis Ababa (Ethiopia) khoảng 60 km về phía Nam. Vụ tai nạn đã khiến toàn bộ 157 người có mặt trên chuyến bay, gồm 8 thành viên phi hành đoàn và 149 hành khách, thiệt mạng.
Theo thông cáo của Ethiopian Airlines, chuyến bay gặp nạn mang số hiệu ET 302, khởi hành từ sân bay Bole ở Addis Ababa lúc 8h38 (giờ địa phương) với điểm đến là Nairobi, Thủ đô nước láng giềng Kenya, tuy nhiên chỉ 6 phút sau khi cất cánh, đài kiểm soát không lưu đã mất liên lạc với chiếc máy bay này.
Được biết, Hãng hàng không Ethiopian Airlines là một trong những hãng hàng không 4 sao với lịch sử an toàn tương đối tốt. Lần gần nhất máy bay của hãng gặp nạn là vào năm 2010, khi một chiếc Boeing 737-800 lao xuống biển Địa Trung Hải sau khi khởi hành từ Beirut, Lebanon.
Điều này càng khiến nhiều người cho rằng nguyên nhân vụ tai nạn không còn do hãng hàng không mà nằm ở chất lượng của máy bay Boeing 737 Max mà hãng Boeing tự hào là “chiếc máy bay đáng tin cậy nhất thế giới”.
Động cơ của chiếc máy bay JT610 trục vớt được dưới biển sau vụ tai nạn
Boeing 737 Max bị Cấm Bay
Sau 2 vụ tai nạn liên tiếp, chiếc Boeing 737 Max đã bị cấm ở nhiều nơi trên thế giới. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên ban hành quy định này.
Hôm 11-3, Cơ quan quản lý hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) đã yêu cầu các hãng hàng không nước này tạm dừng sử dụng máy bay Boeing 737 Max 8. CAAC cho hay, cơ quan này sẽ liên lạc với giới chức hàng không Mỹ và hãng sản xuất máy bay Boeing trước khi nối lại các chuyến bay sử dụng máy bay Boeing 737 Max 8. Sau Trung Quốc, hàng loạt quốc gia khác cũng đồng loạt “tẩy chay” Boeing 737 Max.
Các nhà chức trách Indonesia cho biết, các máy bay Boeing 737 Max sẽ không được cất cánh từ ngày 12-3 để tạo điều kiện cho việc kiểm tra kĩ thuật. Mẫu máy bay này sẽ chỉ được tiếp tục sử dụng sau khi các thanh tra xác nhận nó đủ tiêu chuẩn vận hành. Cùng lúc đó, Hàn Quốc cũng ra lệnh kiểm tra đặc biệt đối với Boeing 737 Max 8. Giới chức Hàn Quốc đang phối hợp với Eastar Jet, hàng hàng không duy nhất đang sở hữu máy bay trên, để hoàn thành cuộc kiểm tra này.
Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA) thuộc Liên minh châu Âu (EU) hôm 12-3 cũng đưa ra quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động bay của dòng phi cơ Boeing 737 MAX tại không phận các nước EU sau vụ tai nạn ở Ethiopia.
Mới đây nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã ra chỉ thị tương tự đối với các máy bay dòng Boeing 737 Max tại Mỹ. Theo CNN, Tổng thống Mỹ đã công bố quyết định trên hôm 13-3 tại Nhà Trắng. Lệnh cấm bay sẽ được áp dụng đối với mọi mẫu Boeing 737 Max 8 và Boeing 737 Max 9. “Các phi công và tất cả các hãng hàng không đã được thông báo và nhất trí với quyết định này. Sự an toàn của công dân Mỹ cũng như tất cả mọi người là quan tâm hàng đầu của chúng ta”, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.
Thiết kế của chiếc Boeing 737 Max
Thiệt hại nặng nề của Boeing sau sự cố
Bản thân hãng sản xuất máy bay hàng đầu Mỹ hôm 13-3 cũng đã chủ động đề nghị Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) ra lệnh đình chỉ tạm thời tất cả 737 MAX trên toàn cầu sau nhiều ngày bị chỉ trích và bị cấm bay đồng loạt tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Đây là vấn đề rất quan trọng với hãng Boeing, bởi chiếc Boeing 737 được các hãng bay toàn cầu ưa chuộng và 737 MAX thân hẹp là máy bay bán chạy nhất của Boeing đến nay. Được biết, đến cuối tháng 1-2019, Boeing đã giao hơn 350 chiếc và còn hơn 5.000 chiếc đang sản xuất theo đơn đặt hàng với giá niêm yết là 120 triệu USD/chiếc.
Theo ước tính của Melius Research và Jefferies, nếu toàn bộ dòng này bị cấm bay trong 3 tháng, Boeing có thể tốn khoản phí lên tới 1-5 tỷ USD. Boeing có đủ khả năng chi trả số này. Năm ngoái, doanh thu của họ lên kỷ lục 101 tỷ USD, với lợi nhuận 10,6 tỷ USD. Năm nay, họ từng dự báo kết quả còn tốt hơn nữa.
Một trong những chi phí lớn với Boeing có thể là tiền đền bù cho các hãng bay, hiện sở hữu tới 370 chiếc 737 MAX. CEO Norwegian Airlines cho biết đã gửi hóa đơn tới Boeing, liệt kê phần doanh thu bị mất khi phải đình chỉ 18 chiếc MAX trong đội bay.
Thêm vào đó, cổ phiếu Boeing đã giảm mạnh hơn 12% trong tuần này, khiến vốn hóa công ty bốc hơi hơn 30 tỷ USD chỉ trong 3 ngày. CEO Dennis Muilenburg cho biết: “An toàn luôn là giá trị cốt lõi với Boeing, miễn là chúng tôi còn tiếp tục sản xuất máy bay. Chúng tôi đang làm mọi việc có thể để tìm ra nguyên nhân các vụ tai nạn, hợp tác với nhà điều tra, thực hiện các cải tiến về an toàn và đảm bảo việc này không lặp lại”.
Minh Hạnh (ANTĐ)