Những kỹ năng ai cũng cần biết khi băng qua đường ray tàu hỏa

| Thị trường
Xếp hạng 3.6 - 9 đánh giá

Tàu hỏa không chỉ vận hành trên đường ưu tiên mà quãng phanh cực lớn khiến tàu không thể dừng ngay khi phát hiện chướng ngại vật.

Theo VnExpress, tàu hỏa mất nhiều thời gian để dừng hơn ôtô bởi lẽ luôn di chuyển với tốc độ cao, đường ray riêng, quán tính lớn. Ví như khi đang chạy ở tốc độ khoảng 80 km/h thì cần tới khoảng 500-600 m để dừng. Nếu khoảng cách so với vật cản ở mức dưới 200 m thì lái tàu sẽ không áp dụng phanh khẩn cấp thì quãng đưỡng ngắn khiến gia tốc giảm quá nhanh ảnh hưởng đến an toàn của hành khách trên tàu.

Kỹ năng an toàn khi qua đoạn giao nhau với đường sắt

Theo Zing, khi đi qua đoạn giao nhau giữa đường dân sinh với đường sắt, người lái ôtô, xe máy cần quan sát cẩn thận và chủ động nhường đường. Lái xe phải giảm tốc độ để có đủ thời gian quan sát đèn hiệu lệnh và tình hình xung quanh, nên bật đèn tín hiệu để cảnh báo cho các xe đi sau. 

Giữ khoảng cách, chủ động nhường

Dừng cách đường ray khoảng 5 m khi có báo hiệu đoàn tàu đang đến. Do thân tàu rộng hơn đường ray và có quán tính lớn, có thể cuốn theo những vật thể đứng gần khi chạy qua với tốc độ cao. Quan sát kỹ từ 2 hướng, nếu đoạn giao không có rào chắn mà chỉ có đèn báo hiệu, người lái phải dừng lại chờ đến khi tàu qua, tuyệt đối không được cố vượt. 

Lắng nghe xung quanh

Nên hạ cửa kính, vặn nhỏ loa bên trong để tăng tầm nhìn cũng như lắng nghe âm thanh kéo còi của tàu. Đối với người đi xe máy, không nên đeo tai nghe khi đến đoạn giao nhau giữa đường dân sinh và đường sắt.

Băng qua cẩn thận và dứt khoát

Khi nhìn thấy đèn báo cho phép chạy, không có đoàn tàu đến thì băng qua đường ray thật cẩn thận. Đối với ôtô số sàn, người lái nên về số thấp để tăng lực kéo cho xe, giúp xe tránh tắt máy giữa đường ray.

Ở những đoạn không có rào chắn hoặc người điều tiết giao thông, tuyệt đối không cố băng qua khi thấy tàu đang đến hoặc khoảng trống bên kia đường ray không đủ chỗ cho xe.

Khi lái xe băng qua đường ray phải thật dứt khoát, không chần chừ. Nếu bất ngờ có tiếng còi hú hay đèn tín hiệu bật sáng cũng không được dừng, vì lúc này xe đang ở trên đường ray của tàu, nhanh chóng đưa xe ra khỏi đường ray. Nên nhớ phải thật bình tĩnh khi xử lý.

Xử lý khi bị chết máy giữa đường ray như thế nào?

Báo Tuổi trẻ cho hay, nếu bạn bị kẹt giữa đường ray và đã cố khởi động lại xe mấy lần mà vẫn không đưa xe vượt qua đường được thì hãy nhanh chóng rời khỏi xe, giúp đỡ tất cả hành khách rời khỏi xe. Nếu không thấy tàu tới thì nhanh chóng báo cho ngành đường sắt hoặc nhân viên tuần đường, gác chắn hoặc báo ngay cơ quan công an để họ có thể liên lạc trực tiếp với lái tàu.

Trong trường hợp tàu đang tới, sau khi ra khỏi xe nhanh nhất có thể, không mang theo bất cứ hành lý nào, cố gắng chạy càng xa khỏi đường ray càng tốt. Nếu tàu quá gần, hãy chạy ngược lại hướng tàu đang tới bởi nếu bạn chạy cùng chiều tàu đến thì có thể những mảnh vỡ khi tàu va chạm với xe sẽ gây sát thương cho chính bạn.

Tuyệt đối không cố băng qua đường sắt khi thấy tàu đang tới

Tuyệt đối không cố băng qua đường sắt khi thấy tàu đang tới mặc dù bạn nghĩ có đủ thời gian để đi qua được. Nhiều tình huống bất ngờ có thể xảy ra khi bạn cố băng qua như xe chết máy, bị kẹt giữa đường ray, hay tính toán thời gian của bạn là sai. Nên nhớ, luôn băng qua đường sắt theo phương vuông góc.

Không băng qua đường sắt nếu khoảng trống ở bên kia đường sắt không đủ cho xe bạn

Trong một số trường hợp tai nạn được ghi nhận, ôtô bị kẹt khi đứng chờ thông xe trên đường sắt và bất lực nhìn tàu hỏa đâm vào mình. Chính vì vậy, hãy kiên nhẫn chờ nếu phía bên kia đường sắt đang bị ùn tắc hoặc có chướng ngại vật, mà khoảng trống từ hành lang an toàn đường sắt tới chướng ngại vật không đủ cho xe của bạn. Đừng bị cuống nếu có xe phía sau bấm còi giục bạn.

Quan sát kỹ cả hai hướng của đường ray

Quan sát kỹ cả hai hướng của đường ray trước khi băng qua và đặc biệt cảnh giác với những góc khuất do bụi cây hoặc nhà dân ven đường khiến bạn không thể quan sát đường sắt. Bên cạnh đó, thói quen "đường ta, ta đi" có vẻ như đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người khi tham gia giao thông, không những khiến họ bị chết oan, mà còn liên lụy đến người khác. Rất nhiều trường hợp, ôtô hoặc xe máy bị tàu hỏa đâm chỉ vì "hồn nhiên" và coi thường tính mạng khi băng qua đường sắt.

Bá Nam (ANTĐ)

SourceXeHay