Hàng loạt hãng taxi truyền thống bắt tay, liệu có làm nên chuyện?

| Thị trường
Xếp hạng 3.3 - 9 đánh giá

Nhiều liên minh taxi truyền thống đã ra đời và cùng chung ứng dụng nền tảng công nghệ để kịp thời bắt kịp xu thế. Thị trường vận tải sẽ còn ghi nhận nhiều kịch tính tích cực và người tiêu dùng sẽ được lợi đầu tiên.

\Taxi Việt và những cái "bắt tay" mới mẻ

Vào tháng 11-2018, thị trường taxi Hà Nội ghi nhận một cái tên rất mới mẻ “G7 Taxi”. G7 Taxi hoạt động thông qua ứng dụng G7 taxi được cài đặt trên các thiết bị điện tử thông minh như smartphone, tab, ipad. Hành khách cài đặt ứng dụng, và gọi taxi trên ứng dụng này, tương tự Grab, khách sẽ biết trước quãng đường di chuyển và số tiền mình sẽ phải trả.

G7 Taxi được hình thành bởi 3 hãng taxi truyền thống trên địa bàn Hà Nội gồm Thành Công, Sao Hà Nội và taxi Ba Sao. Điều đáng nói ở G7 Taxi, là cả 3 hãng taxi truyền thống này thống nhất “bỏ hết thương hiệu riêng như Thành Công, Ba Sao và Sao Hà Nội để thành lập G7 Taxi”. Phương thức hoạt động cũng được tinh gọn theo hướng , khách muốn di chuyển sẽ sử dụng ứng dụng G7 taxi hoặc vẫy xe dọc đường.

Toàn bộ xe của G7 taxi sẽ mang thương hiệu G7 gắn mào trên nóc xe.

Với sự liên minh táo bạo này, G7 Taxi có khoảng 3.000 xe trên địa bàn Hà Nội, cùng với cam kết giá cước di chuyển là 10.000 đồng/km và không tăng giá xe vào giờ cao điểm đã và đang đưa G7 Taxi tiếp cận gần hơn với hành khách.

Hàng loạt hãng taxi truyền thống bắt tay, liệu có làm nên chuyện?

Nhiều hãng taxi truyền thống đã bắt tay nhau, tạo liên minh lớn mạnh với ứng dụng công nghệ vào hoạt động

Giới chuyên gia nhìn nhận, đây là bước đi khá táo bạo và hợp thời của các hãng taxi truyền thống. Đáng nói, cả 3 hãng taxi truyền thống này đã thống nhất  được với nhau, bắt tay bỏ đi thương hiệu bao năm xây dựng của mình để cùng xây dựng thương hiệu chung G7 Taxi.

“Đây là liên minh taxi truyền thống đầu tiên trên thị trường Việt Nam sau khi xe công nghệ như Grab, Uber… thâm nhập thị trường. Có thể thấy, taxi truyền thống từ việc phản đối, kiện cáo đã tự thay đổi bản thân, tiếp cận công nghệ để thay đổi hoạt động kinh doanh truyền thống của mình”- một chuyên gia trong lĩnh vực vận tải nhìn nhận.

Sau G7 Taxi, đầu tháng 12 vừa qua, thị trường vận tải lại đón nhân liên minh taxi truyền thống với 17 hãng taxi cùng nhau bắt tay, tham gia vào ứng dụng gọi xe EMDDI. Điểm khác biệt với G7 Taxi là 17 hãng taxi này bao gồm cả taxi truyền thống ngoại tỉnh, với lượng xe khá lớn là 12.000 xe, riêng thị trường Hà Nội là 4.000 xe, và cũng cam kết không tăng giá giờ cao điểm hay mưa gió.

Sau khi cài đặt ứng dụng Emddi, hành khách có nhu cầu di chuyển chỉ cần gọi xe qua ứng dụng. Đặc biệt, nếu có “cảm tình” với hãng taxi truyền thống nào, hành khách có thể lựa chọn Open 99 hay Thanh Nga…

Dù “đường dài mới biết ngựa hay” nhưng những cái bắt tay nói trên có thể xem như là bước ngoặt “lịch sử” trong quá trình phát triển của taxi truyền thống hàng chục năm qua. Và chắc chắn, những cái bắt tay này sẽ tạo được áp lực lên những ứng dụng gọi xe đình đám có sự hậu thuẫn từ nước ngoài hiện nay như Grab…

Tránh việc liên kết cơ học

Đánh giá về việc các hãng taxi truyền thống liên minh để cùng phát triển, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho rằng, việc sáp nhập hoặc liên kết giữa các đơn vị taxi mang thương hiệu đơn lẻ để cùng nhau xây dựng một thương hiệu lớn (xây dựng chung một thương hiệu) là tín hiệu tốt.

Tuy nhiên, khi sáp nhập hoặc liên kết giữa các đơn vị taxi để cùng xây dựng một thương hiệu chung thì các hãng taxi truyền thống cần thực hiện theo đúng mục tiêu đề ra như có bộ phận điều hành chung, sử dụng chung một phần mềm điều hành hoạt động, xây dựng thương hiệu chung, san sẻ thị phần một cách khách quan khoa học, tránh việc sáp nhập hoặc liên kết mang tính cơ học thì mới có thể thành công.

“Nếu việc sáp nhập hoặc liên kết giữa các đơn vị taxi mang thương hiệu đơn lẻ để cùng nhau xây dựng một thương hiệu lớn mà tránh được việc sáp nhập hoặc liên kết mang tính cơ học thì sẽ tiết giảm được bộ máy, kinh phí nghiên cứu hoặc mua phần mềm để dùng chung trong điều hành hoạt động vận tải, giảm nhân công, lao động gián tiếp, tinh gọn bộ máy lãnh đạo thì các yếu tố đầu vào được giảm nhẹ thì đương nhiên sẽ hạ được giá cước vận tải, từ đó tăng tính cạnh tranh.

Song điều quan trọng nhất phải đáp ứng được cái mà hành khách cần đối với dịch vụ vận tải cung cấp ra: phương tiện tốt, sạch đẹp, giá cước phù hợp, gọi xe tiện lợi thì sẽ thu hút được hành khách”- ông Ngọc nhận định.

Cùng chung quan điểm này, một số chuyên gia trong lĩnh vực vận tải cũng như kinh tế đều cho rằng, để những cái bắt tay này mang lại kết quả như mong đợi thì các thành viên tham gia phải thực sự “quên đi bản thân”, cùng nhau xây dựng một cái chung. Nếu không sự sáp nhập chỉ mang tính cơ học và “lớn chưa chắc đã mạnh”.

Ngân Tuyền (ANTĐ)

SourceXeHay