Taxi truyền thống bắt tay công nghệ: Lợi cả đôi đường

| Thị trường
Xếp hạng 4.0 - 9 đánh giá

Công nghệ  đang dần thay đổi bộ mặt vận tải truyền thống, không những giúp doanh nghiệp quản trị nhanh gọn, giảm chi phí mà còn giúp khách hàng thuận tiện kết nối, minh bạch giá cước. Taxi truyền thống cũng đang trở mình, tham gia vào vận tải công nghệ nhờ các ứng dụng kết nối.

Tăng thu thập

Thị trường vận tải taxi liên tiếp ghi nhận những bước chuyển mình chưa từng có. Nhiều hãng taxi truyền thống bắt tay liên kết, cùng sử dụng ứng dụng  trên điện thoại thông minh để kết nối với hành khách, thay vì sử dụng các phương pháp truyền thống trước đây như  qua tổng đài, bắt khách dọc đường.

Theo đó, một số ứng dụng để kết nối taxi truyền thống đã lần lượt ra đời bên cạnh Grab taxi như EMMDI, G7 taxi…Và tương lai hứa hẹn sẽ còn nhiều ứng dụng khác ra đời, tạo liên minh taxi truyền thống.

Rõ ràng, việc taxi truyền thống ứng dụng công nghệ được xem là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, vừa giúp doanh nghiệp phát triển, tinh gọn bộ máy, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt  động kinh doanh, tiết giảm chi phí, vừa giúp cho hành khách kết nối thuận tiện hơn với dịch vụ của hãng. Đặc biệt là giá cả phù hợp, minh bạch giá cước và lộ trình đi lại. Điểm này là một trong những yếu tố giúp thúc đẩy taxi truyền thống tiến gần hơn nữa tới hành khách.

Tại Hà Nội, nhiều hãng taxi cũng đã “bắt tay” với Grab để ứng dụng Grab taxi trên nền tảng công nghệ. Và, thực tế, việc “bắt tay” này có lợi cho cả hãng taxi và lái xe.

Lái xe Hà Đức Tuấn, một tài xế taxi của hãng Hương Lúa có hợp tác với Grab taxi cho biết: “Việc vừa chạy taxi truyền thống, vừa chạy grab taxi cho tôi thu nhập cao hơn so với chạy taxi truyền thống đơn thuần. Trung bình thu nhập cao hơn khoảng 40% so với trước kia. Gần như xe không còn chạy rỗng nữa, mà lúc nào cũng có khách”.

Không chỉ tại các thành phố lớn, mà việc hợp tác với Grab taxi giúp taxi truyền thống kết nối với khách hàng ngày một nhanh hơn, tiện hơn tại các đô thị nhỏ cũng ngày càng tỏ ra ưu việt và được khách hàng lựa chọn. Bản thân các hãng taxi tại các đô thị nhỏ cũng không có đủ tiềm lực tài chính để xây dựng một ứng dụng kết nối. Do vậy, việc hợp tác với Grab để kết nối Grab taxi là mong muốn của nhiều hãng taxi truyền thống có quy mô vừa và nhỏ.

Giữa tháng 11-2018, nhiều hành khách đi taxi ở Đắk Lắk cảm thấy rất thích thú khi hãng taxi Quyết Tiến mạnh dạn bắt tay cùng Grab triển khai ứng dụng Grab Taxi. Khác với Grab Car hoạt động theo đề án thí điểm theo Quyết định số 24 của Bộ GTVT, Grab Taxi chỉ đơn thuần là một ứng dụng nhằm kết nối taxi truyền thống với khách hàng có nhu cầu đặt xe di chuyển. Lái xe và giá cước thuộc quản lý của hãng taxi truyền thống.

Xu hướng tất yếu

Việc hãng taxi truyền thống Quyết Tiến “bắt tay” cùng một “ông lớn” công nghệ như Grab đã mang lại cho khách hàng nhiều trải nghiệm và lợi ích thiết thực. Ông Khổng Mạnh Võ - Giám đốc taxi Quyết Tiến cho biết ứng dụng công nghệ vào hoạt động vận tải để nâng cao chất lượng dịch vụ là yếu tố sống còn đối với các doanh nghiệp taxi truyền thống. Đó là xu thế không thể nào thay đổi được.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa như taxi Quyết Tiến không thể có đủ tiềm lực tài chính để phát triển ứng dụng công nghệ riêng của mình. Chưa kể sau đó còn phải bỏ ra số tiền rất lớn để làm chi phí maketting, nhận diện thương hiệu cho ứng dụng đó. Vì vậy, việc “bắt tay” với các ứng dụng được nhiều người biết đến như Grab taxi là chiến lược để hai bên cùng thắng.

Dưới góc độ kinh tế, chuyên gia Ngô Trí Long cho biết: “Việc taxi truyền thống liên kết với nhau dựa trên nền tảng công nghệ, hoặc là bắt tay với các Công ty công nghệ để cải tiến hoạt động kinh doanh là tất yếu. Nếu không thay đổi, chuyển mình thì cái cũ, cái lạc hậu sẽ bị đào thải. Việc kết nối giữa taxi truyền thống với công nghệ vừa giảm chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh mà còn mang lại lợi ích cho xác hội, cho người tiêu dùng”.

Dù lợi ích của việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động kết nối vận tải là rất lớn nhưng để triển khai các ứng dụng này vào cuộc sống không phải là chuyện dễ dàng. Ông Khổng Mạnh Võ cho biết trước, khi công ty mới bắt đầu triển khai thí điểm thì gặp phải phản ứng gay gắt từ một số hãng taxi truyền thống khác.

Một số hãng taxi truyền thống đã gửi đơn tố cáo lên UBND tỉnh Đắk Lắk và Sở GTVT vì cho rằng việc hợp tác này vi phạm đề án hợp đồng xe điện tử (đề án 24) và yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp để taxi Quyết Tiến không được phép triển khai dịch vụ này. Trước sự phản ứng gay gắt của các doanh nghiệp taxi truyền thống khác, Sở GTVT đã phải yêu cầu taxi Quyết Tiến tạm dừng triển khai dịch vụ Grab taxi.

Ông Đỗ Quang Trà - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk cho biết, Sở luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp áp dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh của mình.

“Do một số công ty taxi truyền thống khác phản đối rất gay gắt quá nên chúng tôi phải yêu cầu taxi Quyết Tiến tạm dừng triển khai dịch vụ Grab taxi để xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT. Nếu Bộ GTVT cho rằng việc triển khai các ứng dụng này là phù hợp với quy định pháp luật thì chúng tôi sẽ cho các doanh nghiệp triển khai tiếp”- ông Trà thông tin.

Bày tỏ về xu hướng này, chuyên gia GTVT Nguyễn Xuân  Thủy cho rằng, việc các hãng taxi truyền thống bắt tay nhau xây dựng ứng dụng để kết nối với hành khách, hoặc bắt tay với các Công ty công nghệ như Grab, EMMDI để kết nối là một bước tiến tốt, một sự chuyển mình đáng ghi nhận.

“Việc phối hợp này được lợi cho cả nhiều bên, bản thân doanh nghiệp taxi truyền thống, lái xe tăng thu nhập và người tiêu dùng được tiếp cận với phương thức vận tải hiện đại. Đây có thể xem là xu hướng vận tải thời đại công nghệ 4.0”- chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy bày tỏ.

Hà Thủy (ANTĐ)

SourceXeHay