Tái diễn trò lừa đảo tặng gần 100 xe ô tô miễn phí trên mạng xã hội

| Thị trường
Xếp hạng 4.0 - 9 đánh giá

Những ngày gần đây, sau khi thông tin về một nhãn hiệu xe ô tô mới được ra mắt và bày bán trên thị trường, ngay lập tức trên mạng xã hội đã xuất hiện fanpage đăng status tặng xe miễn phí thu hút hàng nghìn lượt người vào tương tác mà không biết mình đã vớ quả lừa.

Sập bẫy trước “bánh vẽ”

Theo Fanpage trên, 99 khách hàng may mắn sẽ được tặng xe ô tô chỉ với điều kiện khá đơn giản “like Fanpage, chia sẻ công khai trên trang cá nhân, comment màu xe mình thích, số điện thoại cá nhân”. Đơn vị tổ chức cam kết sẽ quay số lựa chọn ngẫu nhiên 99 khách hàng để liên lạc trao giải”. Để củng cố niềm tin, fanpage này còn đăng danh sách tên một số người được cho là đã trúng giải.

Ngay sau khi được đăng tải, chỉ sau một thời gian ngắn, thông tin này đã được hàng trăm nghìn lượt người like, hàng nghìn lượt chia sẻ, kèm theo đó là những bình luận kèm số điện thoại cá nhân.

Điều đáng nói là, mặc dù thủ đoạn lừa đảo này không phải là mới song do nhẹ dạ, cả tin, hoa mắt trước  “bánh vẽ” không ít người vẫn dễ dàng sập bẫy. Trước đó, trên cũng liên tục xuất hiện những fanpage giả danh các công ty xe như Honda, Porsche, Mercedes... đăng bài viết về chương trình khuyến mãi đặc biệt, kêu gọi mọi người bình luận để chọn màu sắc xe kèm số điện thoại, sau đó bấm like và chia sẻ trang công khai để có cơ hội trúng thưởng. Song thực chất, đây chỉ là chiêu trò câu like, câu view của một số đối tượng mằm mục đích trục lợi.

Được biết, ngay sau khi những thông tin trên được đăng tải, các hãng sản xuất ô tô đã nhanh chóng khẳng định những thông tin đó là giả mạo trên fanpage, trang web không chính thống của hãng, đồng thời lưu ý khách hàng về việc truy cập, sử dụng các fanpage và website giả mạo có nguy cơ đánh mất thông tin cá nhân, ảnh hưởng nghiệm trọng đến dữ liệu của người dùng. Do đó, nếu phát hiện những nguồn thông tin có dấu hiệu giả mạo, khách hàng cần nhanh chóng nhắn tin tới fanpage chính thức hoặc gửi mail tới địa chỉ đơn vị cung cấp sản phẩm chính hãng để phản ánh.

Về thủ đoạn trên, theo kỹ sư công nghệ thông tin Ngô Minh Hải, một số đối tượng đã tạo trang, lôi kéo người dùng thích bằng các chiêu trò trúng thưởng hấp dẫn, sau đó dùng nó cho mục đích quảng cáo hoặc mua bán. Ngoài ra, những cá nhân này còn thu thập thông tin cá nhân, số điện thoại hay email của người dùng, sau đó đem bán lại nhằm thu lợi.

Nghiêm trọng hơn, có trường hợp kẻ xấu còn lợi dụng để đăng những liên kết kèm virus hoặc chỉ đến những website đánh cắp dữ liệu. Do đó, người dùng cần xem xét kỹ một trang cá nhân hoặc fanpage trên Facebook trước khi quyết định chia sẻ thông tin.

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự

“Có thể khẳng định, việc mạo danh tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Người thực hiện hành vi có thể bị xử lý hành chính, phải bồi thường cho người bị thiệt hại, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi” – Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Về xử lý hành chính, Luật Công nghệ thông tin và Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã nghiêm cấm hành vi giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Còn theo Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, hành vi giả mạo trên facebook, giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác có thể bị phạt từ 20-30 triệu đồng.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 BLHS 2015.

Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi: Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này; Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó; Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông nhằm thu lợi bất chính từ 50- dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100-dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 điều này thì bị phạt tiền từ 200 triệu -1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2-7 năm…

Huệ Linh (ANTĐ)

SourceXeHay