Giấc mơ "ăn sáng phở Hà Nội, trưa cà phê Sài Gòn" bằng đường sắt sắp thành hiện thực?
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam với tổng mức đầu tư dự tính khoảng 58 tỷ USD đang dần lộ rõ hình hài. Và theo tiết lộ, để vận hành tuyến đường sắt này, cần một bộ máy hàng nghìn lao động.
Hà Nội đi Sài Gòn chỉ còn hơn 5 tiếng
Liên danh tư vấn TEDI - TRICC - TEDISOUTH và nhóm nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa công bố Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường Sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam (Báo cáo giữa kỳ).
Trong báo cáo nghiên cứu lần này, đơn vị tư vấn đã đưa ra 3 kịch bản phát triển đường sắt trên trục Bắc Nam. Trong đó, kịch bản 1 là đầu tư khoảng 1,8 tỷ USD để nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại nhằm tối ưu hóa công suất vận tải hiện tại (kịch bản 1);
Kịch bản 2 là huy động khoảng 40 tỷ USD để nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu thành đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa để khai thác chung tàu khách và tàu hàng (kịch bản 2).
Đang lộ dần hình hài tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam
Tuy nhiên, 2 kịch bản trên, theo đánh giá của TEDI - TRICC - TEDISOUTH, đều không đáp ứng được nhu cầu vận tải giai đoạn sau năm 2035. Tư vấn nghiêng về kịch bản 3 - nâng cấp tối ưu hóa năng lực đường đơn hiện tại phục vụ tàu khách địa phương và tàu hàng (50 tàu/ngày đêm, vận tốc 70 km/h) và đầu tư xây dựng mới 1 tuyến đường sắt tốc độ cao để khai thác riêng tàu khách với chiều dài 1.545 km, vận tốc tối đa có thể lên tới 350 km/h.
Ngoài việc thỏa mãn được nhu cầu vận tải, có tính bền vững, đây còn là kịch bản tối ưu nhất để phát triển đường sắt trên trục Bắc Nam
Đối với tuyến đường sắt tốc độ cao, qua so sánh công nghệ đường sắt cao tốc ở các nước và xu thế hiện nay, tư vấn đề xuất chọn công nghệ động lực phân tán (động cơ được phân bố đều ở các toa xe) cho đoàn tàu, tín hiệu điều khiển tàu tự động trên nền tảng thông tin vô tuyến như công nghệ của tàu Sinkansen Nhật Bản đang sử dụng.
Với tốc độ khai thác 200 km/h (giai đoạn đầu), đoạn Hà Nội - Vinh sẽ có thời gian chạy tàu 1 tiếng 48 phút, tốc độ khai thác 320 km/h (giai đoạn sau) thì thời gian chạy tàu 1 tiếng 20 phút (kể cả thời gian dừng ở ga);
Đoạn TP.HCM - Nha Trang giai đoạn đầu có thời gian chạy tàu 2 tiếng 25 phút, giai đoạn sau là 1 tiếng 35 phút. Khi hoàn thành toàn tuyến khai thác tốc độ 320 km/h (hạ tầng đủ tiêu chuẩn để tương lai khai thác 350 km/h), thời gian chạy tàu từ Hà Nội tới TP.HCM là 5 tiếng 17 phút, với tàu nhanh đỗ ít ga hoặc 6 tiếng 50 phút với tàu nhanh đỗ nhiều ga.
Trên cơ sở dự báo nhu cầu vận tải, tư vấn đề xuất xây dựng thí điểm đoạn Thủ Thiêm - Long Thành trước, sau khi vận hành thí điểm sẽ đưa vào khai thác thương mại vào năm 2028 - 2029 (cùng với quá trình này là công tác chuẩn bị nhân lực, thể chế).
Đoạn Hà Nội - Vinh (285 km) và Nha Trang - TP.HCM (364 km) triển khai xây dựng từ năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2032. Các đoạn còn lại từ Vinh đến Nha Trang (896 km) sẽ xây dựng từ năm 2035 và hoàn thành, đưa vào khai thác toàn tuyến 1.545 km từ năm 2040 đến 2045.
Tổng mức đầu tư ước tính của toàn Dự án khoảng 58,71 tỷ USD (suất đầu tư 38,84 triệu USD/km). Trong đó, giai đoạn 1 cần 24,662 tỷ USD để đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM. Được biết, số tiền đầu tư giai đoạn 1 sẽ phân bổ hàng năm từ 2020 đến 2029.
Bộ máy nhân sự "khổng lồ" để vận hành
Ngoài ra, tư vấn cho rằng, cần đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên phục vụ quản lý, khai thác vận hành đường sắt tốc độ cao càng sớm càng tốt để tiếp cận và có thể làm chủ công nghệ ngay từ đầu.
Trong giai đoạn xây dựng đoạn ban đầu, nên cân nhắc việc chuyển giao công nghệ xây dựng. Trong 3 năm khai thác đoạn ban đầu, tiến hành bồi dưỡng đối với khoảng 600 người, gồm: cán bộ nòng cốt có khả năng trở thành cán bộ nguồn cho các khóa đào tạo đường sắt tốc độ cao tương lai; nhân sự chuẩn bị khai thác thương mại một phần đoạn ban đầu này.
Thời gian từ khi khai thác thương mại một phần đoạn thí điểm tới khi khai thác thương mại các đoạn ưu tiên phía Bắc (Hà Nội - Vinh) và phía Nam (Nha Trang - TP.HCM) cần bồi dưỡng khoảng trên 4.000 cán bộ.
Kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực dự kiến phân thành 2 nhóm: đào tạo trong nước để nâng cao trình độ; đào tạo ở nước ngoài để tiếp thu công nghệ mới. Sơ bộ số lượng đào tạo cho công tác quản lý vận hành là 6.560 người đến năm 2020 và 17.080 người đến năm 2050.
Ngân Tuyền (ANTĐ)