Xe công nghệ Uber, Grab: "Muốn hay không nó vẫn tồn tại"!
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho rằng: “Uber, Grab chỉ là hiện tượng của một xu thế. Bản chất của nó là nền kinh tế chia sẻ, kinh tế số. Muốn hay không muốn nó vẫn tồn tại. Tiềm năng của Grab, Uber rất lớn…”.
"Cuộc chiến" Grab, Uber và taxi truyền thống chưa có hồi kết
Uber, Grab có tiềm năng phát triển
Ngày 21-8, CIEM đã tổ chức hội thảo Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô: Sửa nghị định hay nhìn lại cách thức soạn thảo Nghị định và thực hiện Luật giao thông đường bộ (GTĐB).
Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo này là những quy định liên quan đến hoạt động của taxi công nghệ như Uber, Grab và taxi truyền thống. Hai loại hình vận tải này tiếp tục đưa ra những ý kiến trái chiều, gay gắt.
Bình luận về nội dung liên quan đến hoạt ộng của taxi Uber, Grab, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng: “Uber, Grab chỉ là hiện tượng của một xu thế. Bản chất của nó là nền kinh tế chia sẻ, kinh tế số. Muốn hay không muốn nó vẫn tồn tại”.
Dẫn chứng về giá trị lớn của doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, viện trưởng CIEM khẳng định, tiềm năng của Grab, Uber lớn.
“Đừng cấm để rồi các công ty công nghệ của chúng ta cũng không phát triển được. Đừng vì một hiện tượng mà xóa đi hay ngăn cản một xu thế.
Muốn cạnh tranh với Uber, Grab thì các doanh nghiệp taxi truyền thống phải làm mới, không thể sử dụng cái cũ. Sử dụng công cụ truyền thống để cạnh tranh với xu hướng hiện đại không được, phải có những công ty công nghệ xuất hiện”- TS Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm.
Theo PGS. TS Ngô Trí Long- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cần đổi mới tư duy, quan niệm về mô hình kinh doanh mới.
“Trong nền kinh tế hiện đại thì doanh nghiệp có xu hướng chuyên môn hóa. Họ chỉ tập trung vào một hoặc một số công đoạn trong chuỗi. Chẳng hạn với việc sản xuất 1 cái kim, doanh nghiệp làm từ A-Z sẽ có năng suất thấp hơn doanh nghiệp làm từng công đoạn một.
Lợi ích của việc sử dụng công nghệ là tính minh bạch cao, giúp hành khách và người điều khiển phương tiện tiết kiểm trong trao đổi giá, góp phần điều tiết giao thông trong giờ cao điểm với cách tính giá cước cao.
Kết quả thí điểm theo Quyết định 24/QĐ-BGTVT là minh chứng rõ ràng nhất cho hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ phần mềm trong hoạt động của các đơn vị vận tải, biến các hợp tác xã vận tải nhỏ lẻ trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm, buộc các hang taxi phải nhanh chóng cải tiến công nghệ, chất lượng dịch vụ để phục vụ hành khách tốt hơn”- PGS. TS Ngô Trí Long cho hay.
Theo luật sư Trương Thanh Đức- Giám đốc Công ty Luật Basisco, dự thảo quy định việc gắn 2 loại biển xe taxi và taxi điện tử là không cần thiết, vì taxi thường thì vẫn có thể chạy ứng dụng của taxi điện tử. Hơn thế, quy định taxi điện tử thì lại có taxi thường, đặc biệt là không phù hợp đối với loại taxi không chuyên nghiệp, mang tính kết hợp, tận dụng khai thác theo mô hình kinh tế chia sẻ.
“Việc phân biệt này có thể chỉ cần thiết cho việc quản lý Nhà nước, chứ không có ý nghĩa đối với hành khách, là dối tượng hàng đầu cần hướng tới phục vụ một cách đơn giản, thuận tiện, chất lượng”- ông Trương Thanh Đức góp ý.
Khách hàng mới là người quyết định
Đưa ra những bình luận gay gắt về dự thảo sửa đổi Nghị định 86, ông Tạ Long Hỷ- Chủ tịch Hiệp hội taxi TP Hồ Chí Minh cho biết: “Bức xúc nhất là khiếu nại của hàng nghìn lái xe taxi chính thống không được thể hiện trong dự thảo sửa đổi Nghị định. Uber, Grab chỉ là đơn vị bán và cho thuê phần mềm hay chính họ là đơn vị kinh doanh vận tải?
Chúng tôi ủng hộ quan điểm coi Uber, Grab là đơn vị kinh doanh vận tải như taxi và phải chịu sự quản lý như taxi. Hợp đồng điện tử chỉ là phương thức giao kết, không phải mô hình kinh doanh”.
Theo vị này, dự thảo sửa đổi Nghị định 86 không nên phát triển thêm loại hình vận tải khác như: xe điện tử, taxi điện tử… ngoài các loại hình đã có. Taxi chính thống có thể tăng thêm tiện ích, phương tiện thanh toán... “Để tồn tại taxi điện tử là "bức tử" doanh nghiệp taxi chính thống”- ông Tạ Long Hỷ nhấn mạnh.
Ủng hộ việc đưa ứng dụng công nghệ vào hoạt động vận tải, đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội cho hay: “Bản thân các doanh nghiệp taxi thuộc Hiệp hội hiện nay cũng đã đưa ứng dụng vào hoạt động. Nhưng điều chúng tôi mong muốn là quản lý hoạt động vận tải sử dụng công nghệ như thế nào để đảm bảo công bằng với loại hình taxi truyền thống.
Với chương trình thí điểm còn rất nhiều tồn tại như trên nhưng dự thảo Nghị định sửa đổi lần này, Bộ GVTV vẫn không đưa ra được các giải pháp hiệu quả để khắc phục tồn tại đó”.
Nêu quan điểm về góp ý của các doanh nghiệp vận tải, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: “Không thể lấy chuẩn mực cũ áp cho cái khác vì sẽ khó được chấp nhận. Xã hội phải chấp nhận những cái mới. Tôi thực sự mong muốn các doanh nghiệp, hiệp hội thay đổi tư duy.
Quyết định thành bại kinh doanh là ở khách hàng. Doanh nghiệp có làm ứng dụng mà khác hàng không thích thì cũng không có giá trị. Dịch vụ của mình phải khác biệt hơn, tốt hơn, an toàn hơn, giá rẻ hơn thì khách thích, còn mình cứ nghĩ phải thế này, phải thế kia thì sẽ bị thay thế. Không phải người này thay thế thì người khác thay thế”.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP đã được 4 lần trình Chính phủ nhưng không được phê duyệt nên tiếp tục được lấy ý kiến do còn nhiều điều kiện kinh doanh, quy định bất hợp lý. Nghị định này là văn bản hướng dẫn thi hành Luật GTĐB có hiệu lực năm 2008. Luật GTĐB đã ban hành được 10 năm và có tới 3 Nghị định hướng dẫn. Theo các chuyên gia, chỉ một Luật mà có đến 3 phương án hướng dẫn thì dễ dẫn đến tùy ý trong thực thi và việc dự thảo sửa đổi Nghị định lần thứ 4 này được lấy ý kiến nhiều lần cho thấy xung đột cũ- mới chưa giải quyết được, còn ách tắc trong tư duy và Nghị định. |
Hà Linh (ANTĐ)