Hà Nội đồng bộ nhiều giải pháp xóa "điểm đen" giao thông

| Thị trường
Xếp hạng 4.3 - 9 đánh giá

Sau 10 năm nỗ lực với các giải pháp “cứng và mềm”, số “điểm đen” ùn tắc giao thông Hà Nội từ 124 điểm vào năm 2010 đã giảm còn 37 điểm vào năm 2017.

Hà Nội đồng bộ nhiều giải pháp xóa

“Điểm đen” ùn tắc giảm mạnh từng năm

UBND TP cho biết, thời gian qua, TP Hà Nội đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều dự án theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 tại Quyết định số 90/2008/QĐ-TTg ngày 9-7-2008, góp phần cải thiện điều kiện đi lại cho người dân, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Trong đó, một số dự án, công trình tiêu biểu như cải tạo, nâng cấp một số trục quốc lộ hướng tâm và xây dựng một số cao tốc hướng tâm như QL1, 2, 3; đại lộ Thăng Long; các tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai, Pháp Vân - Cầu Giẽ...

Bên cạnh đó, Hà Nội đã xây dựng tuyến đường Vành đai 1 ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu; xây dựng khép kín đường Vành đai 2, đoạn Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - cầu Chui - Sài Đồng - Vĩnh Tuy - Minh Khai; xây dựng một số đoạn tuyến của tuyến đường Vành đai 2,5: đoạn Nguyễn Văn Huyên, đoạn Trung Kính, đoạn Hoàng Minh Giám; xây dựng một phần tuyến đường đường Vành đai  3 đoạn Mai Dịch - Bắc hồ Linh Đàm, đồng thời đang triển khai xây dựng phần đường Vành đai 3 trên cao đoạn cầu Thăng Long - Mai Dịch.

Cải tạo, mở rộng, kết hợp xây dựng mới một số trục chính đô thị, các đường phố chính và các nút giao để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông như nút giao Nam Hồng trến tuyến đường Mai Dịch - Nội Bài; nút Nguyễn Chí Thanh và đường Láng; nút giao đường Lê Văn Lương và đường Láng; nút giao đường Láng Hạ - Thái Hà; nút giao đường Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân...; đang triển khai thi công cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên; khởi công dự án xây dựng đường Vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở... Thành phố cũng đang triển khai xây dựng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội).

Đối với bến bãi đỗ xe, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội nghiên cứu, lập Đồ án và trình cấp có thẩm quyền để thẩm định phê duyệt Đồ án. Hiện Đồ án đã được Hội đồng thẩm định Quy hoạch xây dựng thành phố xem xét có ý kiến, Viện Quy hoạch Xây dựng đang triển khai hoàn chỉnh Đồ án theo ý kiến của cơ quan thẩm định.

Với các giải pháp đồng bộ, từ chính sách tới đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 16/2008/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội, số điểm ùn tắc đã giảm hàng năm. 

Trợ giá xe buýt giảm dần

Đối với lĩnh vực vận tải khách hành khách công cộng, từ năm 2008, Hà Nội duy trì áp dụng chính sách trợ giá cho xe buýt nội đô và từ đó đến nay chính sách trợ giá luôn được duy trì. Cùng với việc mạng lưới và chất lượng phục vụ được cải thiện, trợ giá của thành phố được quản lý hiệu quả, mức trợ giá liên tục giảm trong những năm gần đây (năm 2013 là 1.130 tỷ đồng; 2014 là 1.078 tỷ đồng, năm 2015 là 973,6 tỷ đồng, năm 2016 là 975 tỷ đồng, năm 2017 là 1.281 tỷ đồng (lý do mở mới 18 tuyến). Bình quân trợ giá (đồng/km) năm 2015-2017 là 10.472 đồng/km (thấp hơn 13% so với giai đoạn 2012-2014); trợ giá/hành khách duy trì mức ổn định là 2.678 đồng/hành khách. 

Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát mạng lưới các tuyến xe buýt để điều chỉnh những bất hợp lý, bổ sung thêm các tuyến mới bảo đảm mạng lưới các tuyến xe buýt bao phủ hết các khu vực. Đến nay, Hà Nội không còn vùng “trắng” xe buýt. 

Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố được triển khai một cách đồng bộ, nền nếp. Tăng cường công tác chốt trực, phân luồng, hướng dẫn giao thông, nhất là trong giờ cao điểm sáng, chiều; đầu cuối các đợt nghỉ lễ; các đợt thiên tai mưa, bão, ngập nước, cây đổ... gây ách tắc giao thông. Tình hình tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông được kiềm chế tích cực, giảm cả về 3 tiêu chí: số vụ, số người chết, số người bị thương; các điểm ùn tắc giao thông giảm hàng năm. 

Hà Nội đồng bộ nhiều giải pháp xóa

Số “điểm đen” ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội giảm mạnh qua từng năm

Đầu tư kết cấu hạ tầng còn chậm

Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội cũng nhìn nhận, việc triển khai quy hoạch cải tạo xây dựng lại các khu chung cư cũ, quy hoạch mở đường còn chậm. Đến nay chưa có tuyến đường nào thực hiện thu hồi đất hai bên đường đồng thời với dự án mở đường vì rất khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng và bố trí nguồn kinh phí của Dự án (đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách). 

Ngoài ra, công tác di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở sản xuất công nghiệp triển khai chậm, chưa đồng bộ. Đến nay, các bộ, ngành chưa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục. Quỹ đất sau di dời được sử dụng làm cơ sở 2 hoặc lập dự án đầu tư xây dựng kinh doanh, thương mại (trên cơ sở ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ), không bàn giao quỹ đất sau di dời cho thành phố để quản lý, khai thác sử dụng để bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho địa phương…

Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải được quan tâm, tuy nhiên nguồn vốn dành cho đầu tư còn hạn chế, nhiều công trình có trong kế hoạch không được bố trí vốn nên việc triển khai chậm; mạng lưới đường giao thông vẫn chưa hoàn thiện, nhiều tuyến đường vành đai chưa hoàn chỉnh và khép kín, một số tuyến đường trong đô thị, các tuyến đường quốc lộ hướng tâm chưa hoàn thành. Do đó chưa khai thác hết năng lực thông qua của kết cấu hạ tầng giao thông đã được đầu tư. Diện tích đất dành cho giao thông tĩnh còn thấp, mới đạt khoảng 8,65- 8,9% đất xây dựng đô thị.

“Tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông vẫn còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, đặc biệt vào các giờ cao điểm, đợt cao điểm”, TP Hà Nội nhìn nhận. Việc triển khai các dự án đầu tư bến, bãi đỗ xe còn chậm. Hệ thống bến, bãi đỗ xe vẫn còn thiếu, nhất là các bãi đỗ xe trong khu vực trung tâm, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh còn thấp, mạng lưới phân bố bến, bãi đỗ xe còn chưa phù hợp; xuất hiện nhiều điểm đỗ trái phép.

Ưu tiên đầu tư từ Vành đai 4 trở vào

Trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội thông tin, sẽ tập trung tối đa nguồn lực triển khai đầu tư cho khu vực đô thị trung tâm từ Vành đai 4 trở vào: cơ bản khép kín các tuyến đường vành đai, bao gồm Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5, Vành đai 3, Vành đai 3,5; hoàn thành hệ thống cầu vượt sông Hồng và một số trục đường hướng tâm, đường trục chính đô thị chủ yếu; hoàn thành một số đoạn tuyến trên cao của đường Vành đai 2; hoàn thành đầu tư đưa vào khai thác sử dụng 4 bến xe khách liên tỉnh (Yên Sở, Cổ Bi, Sơn Tây, Đông Anh), 6 bãi đỗ xe ngầm khu vực trong Vành đai 3 và một số bãi đỗ xe ngầm, nổi và cao tầng khác trên địa bàn thành phố theo quy hoạch.

Kết hợp với tăng cường công tác quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông: như tập trung giải quyết, xử lý và khắc phục các điểm thường xuyên có nguy cơ ùn tắc giao thông; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp với thực tế và nhu cầu của lưu lượng giao thông tại từng thời điểm, đảm bảo không xảy ra ùn tắc giao thông; từng bước thiết lập hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên địa bàn thành phố Hà Nội, bao gồm: Xây dựng Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng, Trung tâm điều hành hệ thống đèn tín hiệu giao thông, Trung tâm điều hành mạng lưới đường cao tốc trên địa bàn thành phố; thiết lập các hệ thống kiểm soát phương tiện và tải trọng phương tiện, hệ thống giám sát hành trình cho xe tải, xe khách...; thí điểm sử dụng năng lượng sạch trong giao thông vận tải; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội về chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020. 

Ngân Tuyền (ANTĐ)

SourceXeHay