Vướng hành lang pháp lý để kiểm soát khí thải, thu hồi xe máy cũ nát
Các đô thị lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh đều muốn kiểm soát khí thải xe gắn máy, bởi tình trạng quá tải lượng xe này đã góp phần làm gia tăng ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông (TNGT). Tuy vậy, hành lang pháp lý đến nay vẫn vướng, không thể triển khai.
Nhiều địa phương muốn thu hồi xe máy cũ, nát nhưng chưa có cơ sở pháp lý
TP.Hồ Chí Minh: Muốn thí điểm Kiểm Soát Khí Thải, thu hồi xe cũ nát
Sau Hà Nội, vừa qua TP.HCM cũng đã trình Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) xem xét cho TP.HCM được kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe gắn máy để tiến tới loại bỏ xe cũ, nát nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nguy cơ gây TNGT. Thậm chí, theo TP.HCM, quy định về tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô đang lưu hành hiện cũng ở mức thấp, không đảm bảo.
Đại diện Sở Gtvt TP.HCM cho biết, theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TP.HCM, tính đến ngày 1-3-2018, toàn thành phố có xấp xỉ 7,5 triệu xe gắn máy, 677.309 xe ô tô. Đây là một trong những nguồn chính gây ô nhiễm trong không khí trong lĩnh vực GTVT. Hiện nay, việc kiểm tra khí thải của xe ô tô đang lưu hành được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT ngày 11-2015 của Bộ GTVT quy định về kiểm định kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Đồng thời, quy định tiêu chuẩn khí thải đối với các xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới được thực hiện theo Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 1-9-2011 việc quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới của Thủ tướng Chính phủ. Còn xe gắn máy thì hiện chưa có quy định kiểm tra khí thải đối với xe đang lưu hành.
Tại Quyết định số 909/QĐ-TTg ngày 17-6-2010, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT phải xây dựng lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh: “Bộ GTVT chủ trì xây dựng, phê duyệt đề cương, kế hoạch chi tiết và triển khai thực hiện các dự án, nhiệm vụ được phân công. Hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Đề án”. Song theo Sở GTVT TP.HCM, cho tới nay, lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông và hệ thống quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, phần mềm, quy trình kỹ thuật, hướng dẫn nghiệp vụ và cơ chế quản lý, điều hành và hướng dẫn thực hiện kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền ban hành.
“Để giúp TP.HCM có cơ sở kiểm soát và giảm mức độ ô nhiễm môi trường do khí thải xe cơ giới gây nên, Sở GTVT TP.HCM đề xuất Bộ GTVT sớm trình Chính phủ ban hành quy định về kiểm tra khí thải đối với xe mô tô đang lưu hành. Đồng thời, xây dựng lộ trình tăng dần tiêu chuẩn về kiểm tra khí thải đối với xe ô tô đang lưu hành để giảm mức độ ô nhiễm do khí thải của xe ô tô”, ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM đề xuất.
Đặc biệt, TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT trong trường hợp chưa thể ban hành quy định về kiểm tra khí thải đối với xe mô tô đang lưu hành trên địa bàn cả nước, thì đề xuất Bộ GTVT hướng dẫn các thủ tục cần thiết để có thể thực hiện thí điểm việc kiểm tra khí thải đối với xe mô tô đang lưu hành trên địa bàn TP.HCM.
Hà Nội: Vướng mắc ở hành lang pháp lý
Còn trên địa bàn Hà Nội, vừa qua, Sở GTVT cũng cho rằng, cần có hành lang pháp lý để kiểm soát khí thải đối với xe máy, tiến tới thu hồi xe cũ nát, không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Sở GTVT thông tin, Hà Nội hiện có khoảng 5,5 triệu xe mô tô, xe máy. Đây vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu của phần lớn người dân và có xu hướng gia tăng nhanh. Đáng nói, chiếm tỷ lệ không nhỏ trong số này được sản xuất, sử dụng từ những năm 90 của thế kỷ trước; thậm chí có nhiều xe tuổi thọ đã trên 30 năm vẫn đang tham gia giao thông. Do chưa được kiểm soát khí thải nên xe máy đang là một trong những nguồn phát thải chính, gây ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội. Bên cạnh đó, xe máy cũ không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật cũng là nguyên nhân gây ra TNGT.
Tháng 7-2017, Sở GTVT Hà Nội đã trình và được Hội đồng nhân dân TP Hà Nội phê duyệt “Đề án quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong đó có nội dung quan trọng là đề xuất Chính phủ quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy nhằm kiểm soát chất lượng xe máy hoạt động trên địa bàn thành phố.
Sở GTVT cho rằng, lộ trình thải loại xe máy cũ nát trên địa bàn Hà Nội hiện đang gặp một số vướng mắc nhất định; chủ yếu là do hành lang pháp lý vẫn chưa đầy đủ, hoàn thiện. Việc chưa triển khai thực hiện Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố theo đúng lộ trình của Chính phủ là một khó khăn trong việc đề xuất quy định này trong thời gian tiếp theo. “Hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy vẫn chưa được xem xét, phê duyệt và ban hành. Có thể nói chúng ta vẫn chỉ đang “ngấp nghé” bên hành lang pháp lý mà thôi”, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội nhìn nhận.
Bộ Giao thông - Vận tải lại “đá” về địa phương
Bộ GTVT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố. Đề án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 909/QĐ-TTg ngày 17-6-2010. Trong đó, giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT phải xây dựng lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Đồng thời, Chính phủ cũng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xây dựng, trình Chính phủ bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông đường bộ không thực hiện kiểm định, xe không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải. Chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông phối hợp thực hiện kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên đường.
Ngoài ra, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, phần mềm, quy trình kỹ thuật, hướng dẫn nghiệp vụ và cơ chế quản lý, điều hành và hướng dẫn thực hiện Đề án, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền. Quy định mẫu và quản lý Tem, Giấy chứng nhận kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy. Còn Bộ Tài chính xây dựng cơ chế tài chính, quy định mức thu và việc quản lý, sử dụng phí, lệ phí kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Tuy vậy, trả lời về vấn đề này, Bộ GTVT cho rằng, căn cứ nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 909/QĐ-TTg ngày 17-6-2010 phê duyệt “Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố”, Bộ GTVT đã nghiên cứu, rà soát nhiều khía cạnh để đề xuất các biện pháp thực hiện, trình Thủ tướng Chính phủ lộ trình kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tại các thành phố.
“Trong khi chờ sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ; nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách về cải thiện chất lượng không khí đô thị, Sở GTVT có thể báo cáo UBND TP đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm trước việc kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tại TP.HCM”, đại diện Bộ GTVT cho hay. Tuy nhiên, Bộ này cũng lưu ý, về nội dung của đề xuất thí điểm cần làm rõ: Lộ trình thực hiện kiểm soát khí thải; chu kỳ kiểm định đối với xe mô tô, xe gắn máy; hồ sơ, thủ tục và biện pháp kiểm soát việc thực hiện kiểm tra khí thải; điều kiện của cơ sở kiểm định khí thải, các chính sách về thuế, giá dịch vụ để phục vụ việc xã hội hóa hoạt động kiểm định, đáp ứng yêu cầu kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tại thành phố.
“Để giúp TP.HCM có cơ sở kiểm soát và giảm mức độ ô nhiễm môi trường do khí thải xe cơ giới gây nên, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM đề xuất Bộ Giao thông - Vận tải sớm trình Chính phủ ban hành quy định về kiểm tra khí thải đối với xe mô tô đang lưu hành. Đồng thời, xây dựng lộ trình tăng dần tiêu chuẩn về kiểm tra khí thải đối với xe ô tô đang lưu hành để giảm mức độ ô nhiễm do khí thải của xe ô tô”. Ông Trần Quang Lâm (Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM) |
Ngân Tuyền (ANTĐ)