Đại biểu Quốc hội: Nhiều nước Đông Nam Á đang điều tra thương vụ Grab mua lại Uber

| Thị trường
Xếp hạng 3.7 - 9 đánh giá

Theo dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trình ra Quốc hội chiều nay, 24-5, cả các doanh nghiệp ở nước ngoài nhưng nếu có hành vi gây ảnh hưởng đến cạnh tranh của Việt Nam cũng sẽ bị xử lý…

Đại biểu Quốc hội: Nhiều nước Đông Nam Á đang điều tra thương vụ Grab mua lại Uber

ĐBQH Phạm Quang Thanh phát biểu thảo luận tại Quốc hội

Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh của dự luật, Luật này quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.

Thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều 24-5 về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Về việc Dự án luật có nên điều chỉnh cả các hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không, ĐB Phạm Quang Thanh (Hà Nội) nêu quan điểm tán thành với việc dự Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng gây tác động hoặc có khả năng tác động đến hạn chế cạnh tranh của Việt Nam.

Theo ĐB đoàn Hà Nội, thực tế thời gian qua đã có nhiều thương vụ tập trung kinh tế và thỏa thuận cạnh tranh giữa các doanh nghiệp diễn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng lại ảnh hưởng lớn đến cạnh tranh trên thị trường trong nước. Tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới cho thấy, nhiều quốc gia ghi nhận thẩm quyền này của cơ quan cạnh tranh quốc gia và có chế tài xử lý.

“Gần đây nhất là thương vụ Grab mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber ở khu vực Đông Nam Á, đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường cạnh tranh, quyền lợi người tiêu dùng cũng như quyền lợi của các tài xế tại Việt Nam. Các quốc gia Đông Nam Á khác đều đang điều tra thương vụ này. Cục Quản lý Cạnh tranh – Bộ Công Thương cũng đã lên tiếng và tiến hành điều tra, dư luận cũng đang rất quan tâm theo dõi” – ĐB Phạm Quang Thanh nói.

Từ đó, ĐB này cho rằng, nếu không có cơ sở pháp lý để xử lý thì những hành vi tương tự trong tương lại sẽ lại xảy ra và cơ quan chức năng khó có thể can thiệp để đảm bảo môi trường cạnh tranh quốc gia lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quốc gia mình, nhất là trong bối cảnh công nghiệp 4.0 ngày càng lan rộng, phát triển mạnh mẽ.

Đại biểu Quốc hội: Nhiều nước Đông Nam Á đang điều tra thương vụ Grab mua lại Uber

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình các ý kiến góp ý của ĐBQH

Phát biểu tiếp thu, giải trình thêm ý kiến của các ĐBQH cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu rõ, dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) lần này đã có chỉnh sửa, điều chỉnh trên cơ sở tiếp thu toàn diện các ý kiến góp ý của ĐBQH cũng như các chuyên gia.

Liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật, Luật Cạnh tranh lần này đã có bước tiến, thay đổi rất nhiều để phù hợp với xu thế hội nhập sâu vào quốc tế, đồng thời cũng có tính kế thừa của Luật Cạnh tranh năm 2004 cũng như phù hợp với thông lệ, luật pháp quốc tế.

Theo Bộ trưởng Công Thương, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật lần này, không còn hạn chế trên lãnh thổ Việt Nam, cụ thể là mở rộng phạm vi điều chỉnh ra ngoài lãnh thổ Việt Nam với các hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế có thể gây tác động và có khả năng gây tác động đến cạnh tranh của thị trường Việt Nam.

“Điều này cho phép chúng ta có thể phục vụ và đảm bảo được môi trường cạnh tranh hiệu quả hơn cho cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế đặt trên thị trường Việt Nam nhưng chịu sự tác động về những hành vi phản cạnh tranh hoặc hạn chế cạnh tranh từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, điều này cũng giúp chúng ta tạo được hành lang pháp lý để điều tra, xử lý toàn diện mọi hành vi cạnh tranh dù xảy ra từ đâu” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Có điểm băn khoăn là nếu mở rộng phạm vi của Luật như vậy thì có cơ sở pháp lý nào? Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong dự thảo của Luật đã có quy định là chúng ta có điều kiện để thông qua Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tổ chức thực thi các nội dung, cam kết quốc tế về cạnh tranh trong các hiệp định thương mại song phương, đa phương mà chúng ta đã tham gia ký kết.

Thứ hai, chúng ta cũng có những điều khoản cho phép các cơ quan Ủy ban Cạnh tranh quốc gia thực thi các nhiệm vụ của mình để thực hiện luật này thông qua các khuôn khổ hợp tác quốc tế, các diễn đàn quốc tế như ASEAN, APEC, AXEM…

Vì vậy, môi trường cạnh tranh hoạt động không còn chỉ hạn chế trên lãnh thổ trên phạm vi Việt Nam mà nó còn có thể do những hành vi, hoạt động của các tổ chức kinh tế đặt trên lãnh thổ nước khác.

“Tương tự như vậy, liên quan đến vấn đề bổ sung các đối tượng thuộc điều chỉnh của luật như ĐB Phạm Quang Thanh nêu, chúng tôi xin khẳng định điều này là rất cần thiết. Vì nó không còn hạn chế chỉ là các doanh nghiệp Việt Nam mà các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức của nước ngoài đều có nội dung phải chịu sự điều chỉnh của luật này, cụ thể là chịu sự điều chỉnh bởi các quy định về hành vi bị cấm trong luật” – Bộ trưởng nói thêm.

Duy Tiến (ANTĐ)

SourceXeHay