Bộ trưởng Bộ Giao thông: Đường sắt Cát Linh-Hà Đông có ồn nhưng không lớn như đường sắt quốc gia
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhìn nhận, dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông tiến độ vẫn còn chậm. Tàu chạy có phát ra tiếng ồn nhưng không lớn như đường sắt quốc gia.
Chiều 12-5, Bộ Trưởng Bộ Gtvt Nguyễn Văn Thể đã đi kiểm tra tiến độ công trình dự án đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông.
Theo đánh giá của ông Thể, tiến độ của dự án đến nay vẫn rất chậm. "Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông là biểu tượng mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc. Khó khăn nhất của dự án trong giai đoạn vừa qua là nguồn vốn bổ sung 250,6 triệu USD đã được hai nước giải ngân, vì vậy không thể để các khó khăn, vướng mắc khác làm cản trở tiến độ dự án.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trải nghiệm tàu đường sắt Cát Linh-Hà Đông và khen không ồn như đường sắt quốc gia
Ban QLDA, tổng thầu và các đơn vị phải nỗ lực hơn nữa, quyết không lùi tiến độ, đảm bảo dự án vận hành thử nghiệm vào tháng 10-2018 và khai thác thương mại vào tháng 12-2018,”, ông Nguyễn Văn Thể yêu cầu.
Sau khi trải nghiệm trên tuyến, Bộ trưởng Bộ GTVT đánh giá, tàu chạy rất êm thuận, có tạo ra tiếng ồn nhưng không lớn như đường sắt quốc gia, hai bên đường có hệ thống chống ồn. "Công trình này tương đối tốt, đáp ứng yêu cầu", Bộ trưởng Bộ GTVT nhìn nhận.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, dự án này chậm có nhiều nguyên nhân, trong đó một số nguyên nhân chính như công tác giải ngân chậm liên quan đến thủ tục vay vốn bổ sung hơn 250 triệu USD của ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc.
Tuy nhiên tới đây, Ban QLDA, nhà đầu tư, nhà thầu sẽ ngồi lại rà soát lại các hạng mục, những hạng mục đã thanh toán, hạng mục chưa thanh toán. Bộ sẽ chỉ đạo các bên liên quan, làm hồ sơ cho tạm ứng, có thể giải ngân tạm ứng 70%- 80% vì thiết bị đã được lắp đặt xong, để giúp nhà thầu có nguồn lực triển khai các hạng mục còn lại.
Bên cạnh đó, dự án với vướng với các cơ quan nào thì Bộ sẽ hỗ trợ nhà đầu tư để đẩy nhanh các thủ tục cho giải ngân. Thậm chí nếu cần Bộ sẽ báo cáo Chính phủ tạo điều kiện giải ngân đúng tiến độ.
Một khó khăn nữa là việc kết nối điện, hiện nguồn điện ở trong công trình chỉ đủ vận hành thi công. Nếu vận hành đồng bộ thì nhu cầu điện rất lớn, do có sự khác biệt giữa điện lực Việt Nam và Tổng thầu dự án (Trung Quốc- PV).
"Bộ sẽ làm việc với điện lực, Bộ Công Thương, UBND TP Hà Nội để sớm kết nối. Hạ tầng đã thi công, chỉ còn kết nối để đưa nguồn điện cho dự án, lúc đó mới vận hành được toàn bộ các nhà ga và tàu để xem xét các thiết bị vận hành thế nào", ông Thể cho biết.
Tuy vậy, lãnh đạo Bộ GTVT cũng bày tỏ lo ngại, một số gói thầu chậm so với yêu cầu, nếu điều hành theo kế hoạch cũ có khả năng không hoàn thành đúng kế hoạch tháng 10 vận hành kỹ thuật, tháng 12 vận hành thương mại.
Do đó, nhà đầu tư, Ban QLDA cần ngồi lại rà soát bản tiến độ. Những hạng mục đáp ứng được tiến độ thì căn cứ vào đó tiếp tục giám sát thực hiện. Hạng mục nào chậm, ảnh hưởng đến vận hành thì tập trung rà soát lại để điều chỉnh, có thể tăng thêm thiết bị, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ, thậm chí làm 3 ca liên tục/ngày để đáp ứng yêu cầu, không thể nào chậm trễ được nữa.
Ông Thể bày tỏ: "Với việc đi thử toàn tuyến hôm nay (chiều 12-5- PV), tôi tin khi công trình hoàn thành sẽ hoạt động tốt nhất để phục vụ nhân dân."
Ngân Tuyền (ANTĐ)