Thị trường vận tải biến động sau 4 năm đón sóng công nghệ: Cơn sóng "Grab, Uber"

| Thị trường
Xếp hạng 3.8 - 9 đánh giá

Chính thức vào Việt Nam từ 2014, đến nay sau 4 năm, loại hình công nghệ hỗ trợ vận tải này đã làm thay đổi bộ mặt vận tải truyền thống bấy lâu nay. Đặc biệt, đã và đang dần hình thành thói quen đi lại văn minh, tiết kiệm hơn.

Cú hích màu xanh

Giữa năm 2014, thị trường vận tải Việt Nam ồn ào với sự xuất hiện của "người lạ" “Grab và Uber”. Hàng chục triệu người đã tò mò tải ứng dụng gọi xe này về và dùng thử. Tháng 11/2014, dịch vụ xe công nghệ GrabBike ra đời, tạo ra một sự ngạc nhiên thích thú cho người dùng Việt, vốn chỉ biết di chuyển bằng xe ôm đầu ngõ, mặc dù giá cả bị “chặt chém” tuỳ ý bởi các bác tài xe ôm.

Và tại thời điểm tháng 2/2015, thông qua kết nối trên nền tảng ứng dụng Grab, hàng nghìn lái xe taxi tại Hà Nội, TP. HCM cũng bắt tay hợp tác với các công ty cung cấp phần mềm kết nối từ Grab, Uber để tăng hiệu quả công việc. Các lái xe taxi đều thừa nhận, tham gia vào Grab taxi hiệu suất công việc của lái xe tăng lên rõ rệt, thu nhập tăng từ 30-40% so với trước kia, đặc biệt là giảm mạnh việc xe phải chạy rỗng trên đường để bắt khách, tiết kiệm nhiên liệu đáng kể.

Thị trường vận tải biến động sau 4 năm đón sóng công nghệ: Cơn sóng

Cơn sóng Grab đã tạo cú hích màu xanh cho thị trường vận tải

Vào tháng 1-2016, khi Đề án thí điểm của Bộ GTVT chính thức thông qua thì Grab đã cho ra mắt ứng dụng gọi xe GrabCar, chính thức trở thành người tiên phong thực hiện thí điểm triển khai dịch vụ xe công nghệ. Nhờ giá cước khá mềm, lại cộng thêm khách hàng liên tục được khuyến mại khi sử dụng, dịch vụ đặt xe công nghệ bắt đầu trở thành trào lưu di chuyển mới, giúp người dùng Việt có thêm một phương thức di chuyển mới lạ, tiện dụng và có phần bớt “nhếch nhác”. Cũng chính trào lưu này khiến một lượng không nhỏ hành khách chuyển từ taxi truyền thống sang taxi công nghệ và được coi là lý do để taxi truyền thống “đổ tội”  cho công nghệ đã “cướp” khách hàng, khiến họ rơi vào cảnh kinh doanh thua lỗ.

Và đến tháng 6-2016, Uber cũng nhanh chóng có thêm dịch vụ UberMotor. Đáng nói, giá xe ôm công nghệ chỉ bằng một nửa, kèm thêm khuyến mại đã tạo ra một cơn sóng ngầm thực sự trong lĩnh vực xe ôm truyền thống bấy lâu nay.

Di chuyển văn minh hơn 

Điều quan trọng nhất theo đánh giá của hàng triệu người tiêu dùng, Grab và Uber xuất hiện tại thị trường Việt Nam đã mang lại một làn gió mới, không những cho người tiêu dùng mà còn giúp cả thị trường vận tải truyền thống nhìn nhận lại mình, lợi ích cho xã hội khi tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lái xe, phát triển các hoạt động xã hội, đóng góp cộng đồng.

Về phía hành khách, vận tải công nghệ đã giúp người dân tiếp cận một phương thức di chuyển văn minh, an toàn và tiết kiệm hơn, tiệm cận với giá trị thực tế. Thay vì phải lao ra đường vẫy xe, hành khách có thể ngồi tại trụ sở công ty, tại nhà… để đặt xe cho cuốc di chuyển của mình. Đáng nói, quãng đường di chuyển rất minh bạch, giá tiền cũng được ứng dụng gọi xe gợi ý đưa ra, không còn lo cảnh bị “chặt chém”, bị lái xe đi “mua đường” để tăng tiền cước.

Chị Nguyễn Thu Trang, ở Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội bày tỏ: “Từ ngày Grab và Uber vào Việt Nam, tôi thường xuyên di qua ứng dụng gọi xe này, vừa văn minh lại không phải đứng đường vẫy xe. Đáng nói, số tiền phải trả cho quãng đường di chuyển cũng được ứng dụng ước lượng, gợi ý đưa ra, hành khách có thể vừa di chuyển vừa lướt điện thoại, đọc báo… mà không lo bị lái xe đi lòng vòng kiểu “mua đường””.

Cơ hội việc làm cho người nhàn rỗi

Một điểm cộng nữa cho vận tải công nghệ là đã tạo ra hàng nghìn công ăn việc làm cho lái xe, đặc biệt là lĩnh vực xe ôm. Grab Việt Nam cho biết, đến nay lĩnh vực này đã thu hút thường xuyên khoảng 135.000 lái xe tham gia, phần lớn lái xe tranh thủ, làm thêm giờ, sinh viên chạy xe để kiếm thêm thu nhập…

GrabBike Nguyễn Việt Tiến, sinh viên của một trường Đại học trên địa bàn Hà Nội chia sẻ: “Em tham gia GrabBike từ đầu năm 2017, gia đình cũng không có điều kiện nên em đăng ký tham gia làm đối tác của Grab để chạy xe ôm, kiếm thêm thu nhập, trang trải tiền học, tiền sinh hoạt để đỡ làm phiền gia đình. Nhưng cũng không ngờ, thu nhập từ việc chạy GrabBike mang lại giúp em có một cuộc sống khá thoải mái, thi thoảng còn tiết kiệm được một vài triệu gửi về quê phụ giúp gia đình”.

Còn GrabBike Đặng Quốc Trung ở Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội cho hay: “Tôi cũng khá nhiều tuổi rồi nhưng không có công ăn việc làm gì, song gia đình cũng không có  điều kiện, muốn làm thêm hỗ trợ vợ con nhưng sức khỏe không cho phép làm việc nặng. Giữa năm 2017, con trai mới đăng ký cho chạy GrabBike, không phải đứng bắt khách nắng mưa trên đường, tôi cứ chọn một chỗ râm mát rồi chờ bắt khách qua ứng dụng thôi”.

Hà Thủy (ANTD)

SourceXeHay