Quản taxi công nghệ như taxi truyền thống: Đưa cái mới "nhốt" vào khung quản lý

| Thị trường
Xếp hạng 4.1 - 9 đánh giá

Điều gì sẽ xảy ra nếu vận tải ứng dụng công nghệ sẽ được quản lý như vận tải truyền thống, và doanh nghiệp tham gia hỗ trợ dịch vụ vận tải như Grab, VATO sẽ là doanh nghiệp vận tải?

Cần sân chơi bình đẳng, đúng nguyên tắc thị trường

Chắc không khó để hình dung, nếu áp theo định nghĩa của Bộ GTVT nêu ra tại Dự thảo Nghị định 86 thì những đơn vị tham gia cung cấp phần mềm, hỗ trợ dịch vụ vận tải như Grab và tới đây là VATO hay Go-Jeak… sẽ là những doanh nghiệp vận tải "kiêm" công nghệ. Như vậy, những đơn vị này sẽ đá thêm “chân trái”, kinh doanh thêm một ngành nghề ngoài lĩnh vực thế mạnh của mình.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho hay, Grab là hoạt động vận tải ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), huy động nguồn vốn tư nhân liên kết lại phục vụ khách hàng, ưu điểm là rất công khai, minh bạch khiến người tiêu dùng hài lòng.

Quản taxi công nghệ như taxi truyền thống: Đưa cái mới

Quản lý mô hình mới để sao không "bóp chết" nó mà vẫn bình đẳng với mô hình hiện có

Theo chuyên gia kinh tế này, Bộ GTVT là đơn vị chịu trách nhiệm soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 - nên tạo được một sân chơi bình đẳng, đúng nguyên tắc thị trường, nâng cao được tính công khai, minh bạch của hoạt động vận tải này thay vì "nhốt" nó lại. Không thể áp đặt tất cả các quy chế  đã dùng cho taxi truyền thống cho . Rõ ràng, cần có nghiên cứu, xem xét và thảo luận kỹ trước khi vận dụng quy định này.

“Phải tiếp thu được thành tựu công nghệ để  tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tiêu dùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Nên điều chỉnh luật pháp để phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ thông tin chứ không nên áp đặt”, chuyên gia Lê Đăng Doanh nói.

Tại một cuộc họp lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/NĐ-CP vừa qua, ông Phan Đức Hiếu,  Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã cho rằng, tranh luận về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải ô tô là cần thiết nhưng không nên đưa ra chính sách, công cụ quản lý, siết chặt doanh nghiệp.

“Thị trường xuất hiện cái mới, đáng lẽ chính sách phải làm thế nào để phát triển nó nhưng chúng ta lại đưa cái mới “nhốt” vào khung quản lý. Dường như chúng ta chưa có khái niệm lấy cái mới để xây dựng chính sách nhằm xóa bỏ phương thức cũ đã lỗi thời, lạc hậu.

Không nên hạn chế phương thức kinh doanh mới bởi như vậy là cố gắng bó buộc nó trong chiếc áo cũ đã chật. Cần đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu. Không được hạn chế sự sáng tạo và cạnh tranh”, ông Phan Đức Hiếu bình luận.

Lại cạnh tranh ở mặt đường

Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy thẳng thắn, nếu mang loại hình vận tải ứng dụng công nghệ quản lý như vận tải truyền thống thì chắc chắn sẽ mất hết những ưu điểm mà loại hình này đang có. Và như vậy, sẽ “bóp chết” một loại hình vận tải mới, đáp ứng xu thế phát triển của xã hội.

Trao đổi về viễn cảnh này, nhà sáng lập app gọi xe VATO Trần Thành Nam cho biết, khi quy định các doanh nghiệp công nghệ là doanh nghiệp vận tải thì các doanh nghiệp này sẽ được quyền tự quyết định việc tuyển lái xe, ký kết hợp đồng với lái xe mà không cần phải thông qua một bên thứ ba là các hợp tác xã. Khi đó, vai trò của hợp tác xã vận tải là không cần thiết.

Một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông hình dung: “Nếu các doanh nghiệp công nghệ như Grab, VATO trở thành doanh nghiệp vận tải, họ sẽ bắt buộc phải tham gia vào quản lý lái xe, phải hình thành một bộ máy cồng kềnh để đảm nhiệm chức năng này, trong khi đó, đây không phải thế mạnh. Thay vì bắt buộc các công ty công nghệ làm việc này, thì nên để các hợp tác xã vận tải phát huy vai trò của mình.

Hơn nữa, nếu taxi công nghệ được quản lý như taxi truyền thống sẽ gây ra tình trạng lộn xộn. Bởi, taxi công nghệ cũng sẽ được chạy xe rỗng, đón/trả khách dọc đường như taxi truyền thống hiện nay. Việc này càng làm gia tăng thêm căng thẳng về giao thông. Và cơ quan chức năng lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn cấm-quản do chính mình tạo ra.

Còn đối với các vận tải truyền thống, để có thể cạnh tranh được với những hình thức kinh doanh thời đại công nghệ số, các doanh nghiệp cần phải có những biện pháp để tăng cường khả năng cạnh tranh.

Cụ thể, tận dụng lợi thế của doanh nghiệp trong nước; các yếu tố nội địa và hiểu nhu cầu người tiêu dùng sẽ là yếu tố tiên quyết trong thành công. Bên cạnh đó, cần tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, hạ giá thành, nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng.

Ngoài ra, cần hợp tác cùng nhau đứng vững trước những thách thức hoặc để cùng khai thác những cơ hội kinh doanh mới, coi những khó khăn trong điều kiện kinh doanh mới không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để thay đổi phương thức kinh doanh, tự cải tiến và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Ngân Tuyền (ANTĐ)

SourceXeHay