Băn khoăn việc định danh công nghệ hỗ trợ vận tải

| Thị trường
Xếp hạng 4.1 - 9 đánh giá

Nếu Dự thảo Nghị định 86 do Bộ GTVT chắp bút soạn thảo được thông qua thì tới đây, hàng loạt các doanh nghiệp công nghệ như Grab, VATO… có thể buộc phải kiêm thêm nghề tay trái là kinh doanh vận tải.

Định danh cần được xem xét cẩn trọng

Sau nhiều tranh cãi, mới đây, Bộ GTVT đã gửi bản Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi (mới nhất) lấy ý kiến của Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Tại bản Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi này, Bộ GTVT nêu quy định đối với các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối và giao kết hợp đồng điện tử: “Trường hợp đơn vị cung cấp phần mềm có tham gia thực hiện một hoặc toàn bộ các công đoạn chính của hoạt động kinh doanh vận tải gồm: trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải thì phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của Nghị định này”.

Băn khoăn việc định danh công nghệ hỗ trợ vận tải

Thị trường ứng dụng hỗ trợ vận tải Việt Nam đang khá sôi động với sự tham gia của hàng loạt các app gọi xe

Theo đó, với định nghĩa này, các công ty cung cấp dịch vụ ứng dụng kết nối nói trên sẽ đều được coi là doanh nghiệp kinh doanh vận tải, bao gồm cả sở hữu phương tiện và thuê người lao động là lái xe…

Tuy vậy, quy định này của Bộ GTVT tiếp tục nhận được ý kiến trái chiều từ các chuyên gia kinh tế, luật pháp cũng như giao thông vận tải. Bởi nếu cứ duy ý chí, đưa dịch vụ hỗ trợ kết nối vận tải về quản lý như doanh nghiệp kinh doanh vận tải truyền thống sẽ “bóp chết” một loại hình kinh doanh mới, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội.

Tại Tọa đàm “Khung thể chế cho nền kinh tế số” do Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua, TS Ngô Vĩnh Bạch Dương (Viện Nhà nước và Pháp luật) cho rằng, trên cơ sở xem xét một cách toàn diện và bản chất của vai trò dịch vụ kết nối vận tải,  cần phải xây dựng khuôn khổ pháp luật mới để điều chỉnh các dịch vụ kết nối vận tải cho phù hợp, không thể khiên cưỡng "ép" dịch vụ mới này vào khuôn khổ pháp luật giao thông vận tải truyền thống hiện này.

Cũng tại đây, các chuyên gia cho rằng, một sản phẩm bao giờ cũng đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan, mỗi bên có những vai trò riêng. Nền kinh tế càng phát triển thì chuỗi cung ứng càng phát triển. Do đó, việc bóc tách các loại hình sản phẩm, dịch vụ mới trong chuỗi cung ứng để định danh cần phải được xem xét một cách cẩn trọng.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, sự phát triển rộng rãi của điện thoại thông minh, của các phương thức kết nối mạng xã hội bằng điện thoại và sự phát triển của các cơ sở dữ liệu mới đã thúc đẩy sự ra đời của các mô hình kinh doanh mới, làm biến đổi sâu sắc các ngành kinh tế truyền thống như vận tải, ngân hàng…

Bởi vậy, việc điều chỉnh pháp luật đối với hiện tượng này, không phải là chuyện cho phép các bên có thể đặt ra các điều kiện với nhau hay không mà là thừa nhận nó như một thực tế khách quan và tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự.

Quản lý như vận tải truyền thống là thất bại

Theo các chuyên gia, điều quan trọng đầu tiên là phải kiểm soát được khả năng lạm dụng các điều kiện giao dịch chung để chèn ép đối tác yếu thế, xâm hại người tiêu dùng hoặc lợi ích bên thứ ba hay nhằm trốn tránh các nghĩa vụ của doanh nghiệp. Chính vì vậy, thay vì phản đối các hình thức kinh doanh có ứng dụng công nghệ, các doanh nghiệp truyền thống nên có thái độ tiếp nhận và thay đổi chính mình để tạo ra khả năng cạnh tranh.

Việc tiếp nhận các hình thức kinh doanh mới đồng nghĩa với việc chấp nhận những thách thức trong quản lý và điều tiết cạnh tranh. Cần phải xác định quản lý như thế nào để vừa tạo điều kiện cho mô hình kinh doanh này phát triển mà không để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật hay hạn chế cạnh tranh, xảy ra thách thức với nhà chức trách.

TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia trong lĩnh vực GTVT nhìn nhận, quản lý các loại hình vận tải có hỗ trợ công nghệ như Grab, VATO và sắp tới là một loạt các ứng dụng khác như T.NET, GONOW và Go-Jeak chuẩn bị vào Việt Nam là một thách thức với ngành GTVT và với các bộ ngành khác.

“Cái khó của Bộ GTVT là làm sao vẫn quản lý được các doanh nghiệp như Grab, và tiến tới là một loạt các đơn vị tham gia hỗ trợ vận tải nữa như VATO, mà vẫn phát huy được những ưu điểm mà công nghệ mang lại như minh bạch giá cước, thuận tiện cho khách hàng và tiện lợi.

Quản lý mà anh (Bộ GTVT) lại đưa vào quản lý như taxi, vận tải truyền thống là thất bại, bởi đây là vận tải ứng dụng công nghệ thông tin, một loại hình hoàn toàn mới với nhiều ưu điểm” - vị chuyên gia lập luận.

Hải Dương (ANTĐ)

SourceXeHay